Ông Vũ Khoan ngẫm về chia cắt và thống nhất trong ASEAN

"Con đường phát triển của ASEAN trong 45 năm qua không chỉ có hoa hồng mà đã từng phải vượt qua nhiều chông gai." - Cựu Phó Thủ tướng Vũ Khoan đúc kết.

Bài viết của cựu Phó Thủ tướng Vũ Khoan, cán bộ cao cấp đầu tiên của Việt Nam trong cơ chế SOM ASEAN:

 Ngày 8/8/2012, ASEAN tròn 45 tuổi. Nhân ngày này, trong thâm tâm tôi, một người đã từng trực tiếp tham gia quá trình nước ta gia nhập và hoạt động trong ASEAN ngay từ buổi đầu, bỗng nảy sinh nhiều suy ngẫm về quá khứ, hiện tại và tương lai của Hiệp hội này.

Tôi không có tham vọng viết một bài chính luận mà chỉ xin chia sẻ vài cảm nhận rất riêng tư qua những năm tháng cọ xát với công việc liên quan tới ASEAN.

Ấn tượng về buổi lễ kết nạp Việt Nam vào ASEAN diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc tế của Brunei chiều 28-7-1995 mãi mãi in đậm trong tâm trí tôi. Với sự chứng kiến của Bộ trưởng Ngoại giao sáu nước thành viên cũ và ông Tổng Thư ký A-dit Sinh, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên đỉnh cột cờ, cùng quốc kỳ của các nước thành viên tung bay trước gió, in hình rực rỡ trên nền trời xanh không gợn một bóng mây như cùng reo vui, vẫy chào sự kiện lịch sử của Ðông - Nam châu Á.

Trong giờ phút đầy xúc động ấy, tôi chợt nghĩ: như vậy là đã hết rồi cái thời nghi kỵ, thù nghịch giữa các nước trong khu vực với nước ta; đã chấm dứt cái cảnh tan đàn xẻ nghé, nhiều khi do tác động từ bên ngoài; từ nay bảy nước thành viên cùng trên một con thuyền, biển lặng hay biển động đều cùng nhau chèo chống. 

Ý nghĩ ấy nảy sinh vì có thời, một số nước Ðông - Nam Á đã bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh Việt Nam và sau đó là cuộc bao vây cô lập Việt Nam chỉ vì Việt Nam không tiếc xương máu cứu giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Quyết định kết nạp Việt Nam vào Hiệp hội, dường như các nước thành viên đều ngộ ra rằng, chỉ có thống nhất khu vực, tay trong tay hợp tác mới có sức mạnh, chia năm xẻ bảy tất bị suy yếu.

Bước vào sinh hoạt chung của ASEAN, việc đầu tiên ta phải xử lý là ký Hiệp định khung về chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung cho Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - một điều còn lạ lẫm đối với nước ta. Với sự hợp tác, hỗ trợ thân thiện từ các nước thành viên đi trước, vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, nước ta đã gia nhập thể chế thương mại tự do khu vực, thu được nhiều lợi ích thiết thân nhờ mở rộng thị trường, tranh thủ thêm vốn đầu tư, tập dượt để hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn, cùng các nước thành viên tạo dựng một khu vực phát triển năng động, đầy hấp dẫn đối với các đối tác bên ngoài.

Về sau này, khi được cử làm Bộ trưởng Thương mại, tôi đã có dịp cùng các đồng nghiệp trong Khối thúc đẩy hơn nữa quá trình tự do hóa và hội nhập khu vực thông qua nhiều thể chế, trong đó có thể chế hợp tác Tiểu vùng sông Mekong, Hành lang Ðông - Tây... Qua sự trải nghiệm thực tế, nay có đủ cơ sở để khẳng định rằng, mục tiêu hàng đầu của ASEAN khi ra đời là "thúc đẩy tăng trưởng kinh tế" đang đi vào cuộc sống, đem lại lợi ích cho mọi thành viên.

Nghi thức truyền thống thể hiện sự đồng thuận của ASEAN (ASEAN 2010 tại Hà Nội). Ảnh: LAD
 

Nghi thức truyền thống thể hiện sự đồng thuận của ASEAN (ASEAN 2010 tại Hà Nội). Ảnh: LAD


Logic cuộc sống trong khu vực (và không chỉ ở khu vực) mách bảo rằng, không thể có phát triển, không thể có thịnh vượng nếu không có hòa bình, ổn định. Cũng chính vì vậy mà ngay khi ra đời, ASEAN đã nêu ra mục tiêu thứ hai là "thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực". Trong chương trình nghị sự của sinh hoạt nội khối cũng như với các đối tác bên ngoài, nội dung này luôn chiếm vị trí hàng đầu.

Biển Đông: "Lửa thử vàng"

Một trong những nhân tố có thể gây mất ổn định khu vực, dù muốn hay không, vẫn là sự căng thẳng trên Biển Ðông, không phải do sự tranh chấp giữa một số nước thành viên ASEAN mà là với bên ngoài. Chẳng thế mà ngay từ năm 1992, khi nước ta còn là quan sát viên của ASEAN, Hiệp hội đã thông qua Tuyên bố Manila về Biển Ðông - tiền thân của Tuyên bố về ứng xử trên Biển Ðông (DOC) giữa ASEAN và Trung Quốc được thông qua 10 năm sau. Ðiều đó cho thấy, tình hình Biển Ðông từ lâu đã là mối quan tâm chung chính đáng của tất cả các nước trong khu vực dù có liên quan trực tiếp hay không.

ASEAN không chỉ chăm lo cho ổn định ở khu vực mình mà luôn có thái độ trách nhiệm đối với an ninh toàn cầu. Chẳng thế mà văn bản pháp lý đầu tiên liên quan an ninh mà nước ta ký kết ngay khi gia nhập ASEAN là Hiệp ước về Khu vực Ðông - Nam Á không có vũ khí hạt nhân. Cũng ngay từ ngày đầu gia nhập, nước ta đã tích cực tham gia một sinh hoạt quan trọng của Hiệp hội là Diễn đàn an ninh khu vực (ARF) mà ở đó nhiều vấn đề an ninh được đề cập thẳng thắn, kể cả vấn đề phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề Biển Ðông...

Chứng kiến và tham gia quá trình bàn thảo đề tài sống còn này, tôi càng thấm thía chân lý: hòa bình không thể chia cắt, một nhà bị cháy, cả xóm phải xúm vào dập lửa. Với nhận thức ấy, các nước ASEAN thường hành động cùng nhau để gìn giữ sự yên bình của khu vực và góp phần vào sự ổn định của Ðông Á và thế giới.

Sinh hoạt với bạn bè ASEAN, tôi quen dần với thuật ngữ "cách ứng xử ASEAN". Thật tình ra thì giữa một chục nước có lịch sử khác nhau, văn hóa khác nhau, trình độ phát triển khác nhau, chế độ chính trị - xã hội khác nhau thì làm sao lúc nào cũng đều đồng lòng, nhất trí trong mọi việc được? Chỉ có điều là ASEAN có truyền thống bên cạnh sự quan tâm bảo vệ lợi ích riêng luôn cố gắng đi tới thống nhất về lợi ích chung, nhất là trên những vấn đề liên quan tới sự đoàn kết, thống nhất nội khối, bảo đảm hòa bình, ổn định và hợp tác để từ đó tìm ra phương cách ứng xử thỏa đáng và đây cũng là lợi ích thiết thân của mỗi nước.

Tôi nhớ mãi Cấp cao Hà Nội 1998. Tuy ASEAN đã thống nhất mở rộng Hiệp hội ra cả 10 nước Ðông - Nam Á, trong đó có việc kết nạp Campuchia nhưng vào thời điểm đó, ở Campuchia có một số khó khăn nội bộ nên một số thành viên còn lưỡng lự. Cuộc thảo luận diễn ra khá gay go tới tận đêm khuya, thậm chí có lúc rơi vào bế tắc. Việt Nam có thể nói đã "đặt cược" uy tín của nước chủ nhà và nước chủ trì Hội nghị vào việc kiên trì đề nghị phải kết nạp Campuchia.

Tuy nhiên, vào phút chót, vừa giữ vững sự ủng hộ đối với Campuchia, vừa duy trì đoàn kết nội khối, Thủ tướng Phan Văn Khải đã vận dụng "con đường ASEAN", đưa ra giải pháp linh hoạt: Cấp cao Hà Nội chính thức tuyên bố kết nạp Campuchia làm thành viên, còn lễ kết nạp sẽ tổ chức sau. Thật trọn vẹn đôi đường!

Một phần nhờ sự đoàn kết và phương cách ứng xử linh hoạt như vậy, cho nên ASEAN là một tổ chức khu vực vào loại thành công bậc nhất, tranh thủ được sự tôn trọng của mọi nước lớn nhỏ, gần xa. Lần đầu tham gia Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trong đoàn Việt Nam, tôi rất ấn tượng về sự hiện diện của các Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia, New Zealand, Canada, Liên hiệp châu Âu, lâu dần có thêm Ấn Ðộ, Nga... Thế rồi, một năm sau khi gia nhập ASEAN, nước ta đã cùng các nước thành viên nêu ra sáng kiến hình thành Diễn đàn Á - Âu quy tụ không chỉ ASEAN mà là cả Ðông Á, với các thành viên EU.

Nhân đây tôi bỗng nhớ lại "sáng kiến" của ta đặt tên tắt cho Diễn đàn này là ASEM thay vì ý định lúc đầu đặt tên là AEM trùng với tên tắt của Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN hay EAM, trong đó, ASEAN tuy đã đề xuất sáng kiến nhưng lại "lép vế" đứng sau chữ "E" là châu Âu.

Tôi cứ tự hỏi, vì sao một nhóm nước chưa phải là phát triển và lớn mạnh hàng đầu thế giới mà lại quy tụ được nhiều "ông lớn" như vậy? Lâu dần, tôi ngày càng thấy rõ rằng, câu phương ngôn của ông cha "một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao" thật chí lý. Chính sự đoàn kết tạo nên "hòn núi cao" ấy đã tạo nên sự hấp dẫn của Hiệp hội. Một bảo bối khác là tinh thần rộng mở với mọi quốc gia có thiện chí đi đôi với ý chí tự cường khu vực, tránh rơi vào cái thế "ngọn cỏ bị dẫm nát cả khi đôi voi quần đảo nhau lẫn khi chúng tình tự với nhau" theo một câu chuyện ngụ ngôn phổ biến ở Ðông - Nam Á.

Tóm lại, qua những năm tháng tham gia các hoạt động trong ASEAN, trong tôi đọng lại biết bao cảm nghĩ. Nhưng cái chung nhất là dù rất đa dạng, không phải mọi việc xuôi chèo mát mái, nhưng bí quyết thành công của ASEAN chính là sự đoàn kết thống nhất trong đa dạng, kiên trì bản sắc, nêu cao tinh thần tự cường khu vực, đồng lòng hướng tới hòa bình, ổn định, hợp tác để phát triển. Giữ vững những nguyên tắc cơ bản này, chắc chắn Hiệp hội sẽ duy trì được sức sống và vị thế độc đáo của mình.

Kỷ niệm 45 năm kể từ khi ra đời, ASEAN đang phải trải qua một thử thách không nhỏ; đó là vừa qua lần đầu tiên trong lịch sử phát triển của mình, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao không ra được Tuyên bố chung, do sự bất đồng chung quanh vấn đề Biển Ðông-một vấn đề liên quan tới hòa bình, ổn định của cả khu vực chứ không chỉ riêng ai. Chung quanh sự cố này, nảy sinh biết bao nỗi niềm suy tư, thậm chí bi quan.

Lo lắng trước tình trạng này là tình cảm tự nhiên nhưng quá bi quan thì không có cơ sở. Con đường phát triển của ASEAN trong 45 năm qua không chỉ có hoa hồng mà đã từng phải vượt qua nhiều chông gai. Qua trải nghiệm thực tế, tôi có niềm tin vững chắc rằng, rồi ra tinh thần đoàn kết và tự cường khu vực, nhu cầu gìn giữ hòa bình, ổn định, lợi ích hợp tác để phát triển sẽ gạt bỏ mọi trở ngại; ra khỏi thử thách đận này, ASEAN sẽ càng trưởng thành.

Ngay trên vấn đề Biển Ðông - một vấn đề đã bị lợi dụng để chia rẽ ASEAN thì chỉ một tuần sau Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ở Phnôm Pênh, với sự góp sức của Indonesia và các thành viên khác, ASEAN rồi cũng ra được tuyên bố thể hiện những quan điểm đồng thuận rất cơ bản. Ðiều đó cho thấy tinh thần đoàn kết vẫn thắng thế.

Rong ruổi trên đường xa, không ai chỉ vì vấp phải cái ổ gà mà bỏ cuộc giữa đường, cho dù cái ổ gà ấy có thể làm cỗ xe hỏng hóc, trước mắt ASEAN còn nhiều mục tiêu lớn lao, cao đẹp, thuận chiều với xu thế thời đại và nguyện vọng của nhân dân các nước trong khu vực; còn biết bao công việc phải làm vì sự ổn định và phồn vinh.

Nổi lên lúc này là cái đích hình thành Cộng đồng trên cả ba trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa vào năm 2015. "Lửa thử vàng, gian nan thử sức", với bề dày kinh nghiệm 45 năm, kinh nghiệm qua các lần thử thách, có thể tin rằng, một cộng đồng như vậy sẽ ra đời ở Ðông - Nam châu Á, đem lại sinh khí mới cho Hiệp hội, lấy lại uy tín vốn có của mình, xây dựng ASEAN thành một thực thể thống nhất, tự cường, tiếp tục đóng vai trò trung tâm ở Ðông Á, phấn đấu cho hòa bình, hợp tác và phát triển.

Ðó cũng là ước vọng của thế hệ chúng tôi, những người được giao phó nhiệm vụ hội nhập khu vực từ buổi sơ khai.


Cựu Phó Thủ tướng Vũ Khoan
Nhandan online