Ồ ạt vỡ nợ tín dụng đen

(Dân trí) - Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn thành phố Vinh (Nghệ An) đã xảy ra 47 vụ vỡ nợ với số tiền lên tới hơn 412 tỷ đồng. Hầu hết các vụ vỡ nợ này đều liên quan đến hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi.

Ồ ạt vỡ nợ tín dụng đen - 1

Với "cơ ngơi" này, vợ chồng Nguyễn Tiến Hùng và Trần Thị Mai đã lừa đảo chiếm đoạt 28 tỷ đồng từ những người nhẹ dạ cả tin

Theo thống kê của Công an thành phố Vinh (Nghệ An), tính đến ngày 5/12, trên địa bàn thành phố Vinh đã xảy ra 47 vụ vỡ nợ. Trong đó có nhiều công ty, doanh nghiệp. Đơn cử như Công ty TNHH Đức Anh (phường Hưng Bình) vỡ nợ 28 tỷ đồng; Công ty TNHH Phú Mỹ Vân (phường Lê Lợi) 20 tỷ đồng… Tuy nhiên đây mới chỉ là danh sách cơ quan công an thống kê được. Theo Thượng tá Trần Sỹ Phàng - Phó trưởng Công an thành phố Vinh - trên địa bàn thành phố còn có khoảng 20 trường hợp khác chưa có số liệu chi tiết với số tiền vỡ nợ có thể lên tới 200 tỷ đồng.

Cũng theo Thượng tá Phàng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ngân hàng siết chặt lãi suất cho vay kinh doanh bất động sản cộng với việc thực hiện giảm đầu tư công khiến các doanh nghiệp khó khăn trong việc tìm nguồn vốn để tiếp tục các hoạt động sản xuất kinh doanh. Để có nguồn, các đơn vị này buộc phải vay nợ tín dụng đen với lãi suất từ 1.000-2.000 đồng/triệu/ngày. Lãi mẹ đẻ lãi con, không còn khả năng chi trả khiến các doanh nghiệp này phải tuyên bố vỡ nợ.

Ngoài ra, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và lòng tham của một số người dân, các đối tượng lừa đảo đưa ra mức lãi cực cao để huy động vốn sau đó lấy tiền huy động được tiếp tục cho vay lãi suất cao hơn. Với hình thức này, chỉ cần một mắt xích vỡ nợ sẽ dẫn đến vỡ cả hệ thống tín dụng đen. Đơn cử như trường hợp của Trần Thị Ngọc Hà (trú phường Trường Thi, Tp Vinh) hay Nguyễn Trọng Hưng - Cán bộ Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn chi nhánh Nghệ An.

Ồ ạt vỡ nợ tín dụng đen - 2
Nguyễn Trọng Hưng - nguyên cán bộ Ngân hàng TMCP Sài Gòn chi nhánh Nghệ An - và vợ đã "cao chạy xa bay" sau khi giăng bẫy lãi suất cao, gom được hàng chục tỷ đồng

Với mức lãi suất hấp dẫn 2.000 đồng/triệu/ngày, thậm chí có những thời điểm, các đối tượng này đưa ra mức lãi 5.000 đồng/triệu/ngày, nhiều người dân đã dễ dàng đưa cho Hà, Hưng hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng. Chỉ đến khi các “siêu lừa” này bỏ trốn, các nạn nhân mới hốt hoảng trình báo cơ quan chức năng.

Cũng bằng thủ đoạn vay tiền trả lãi cao, vợ chồng Nguyễn Tiến Hùng và Trần Thị Mai, chủ Cty CP Thương mại Gas Đức Anh (phường Hưng Bình, TP Vinh, Nghệ An) vay hàng chục tỷ đồng của người dân. Để người khác tin và đồng ý cho vay, các đối tượng này đã nghĩ ra nhiều chiêu trò. Ban đầu, để tạo lòng tin, các đối tượng thường thanh toán lãi rất sòng phẳng và có phần hậu hĩnh. Để người cho vay thấy được tiềm lực kinh tế của mình, họ không ngần ngại đầu tư một khoản tiền lớn mua trang sức đắt tiền, tậu nhà, mua xe xin để tự “đánh bóng” mình.

Một số cán bộ các ngân hàng đóng trên địa bàn thành phố Vinh cũng tham gia vào đường dây lừa đảo, chiếm dụng hàng chục tỷ đồng như trường hợp của Đặng Nam Hải (32 tuổi, nguyên trưởng Phòng Cá nhân của Ngân hàng Eximbank chi nhánh Nghệ An). Lợi dụng quyền hạn của mình, Đặng Nam Hải đã dùng hồ sơ vay vốn của khách hàng để làm giả nhiều hồ sơ gửi tiền rồi thế chấp rút 3,9 tỷ đồng. Số tiền chiếm đoạt được, Hải mang lập công ty riêng.

Khi công ty lâm vào tình trạng làm ăn thua lỗ và đứng trước nguy cơ phá sản, Đặng Nam Hải đã vay nóng ngoài xã hội 16 tỷ đồng, tiền lãi phải thanh toán là gần 1 tỷ đồng/tháng. Với số tiền lãi “khổng lồ” ấy thì việc vỡ nợ với một công ty làm ăn kém hiệu quả là tất yếu.

Ồ ạt vỡ nợ tín dụng đen - 3
Đặng Nam Hải - nguyên cán bộ Ngân hàng Eximbank chi nhánh Nghệ An, sau khi lừa đảo và chiếm đoạt của ngân hàng và người dân hơn 20 tỷ đồng nhưng không thể hoàn trả
đã xin vào... trại tạm giam Công an thành phố Vinh để ẩn náu

Sau khi không thể xoay tiền trả lãi, bị các chủ nợ đòi gắt gao, nhiều đối tượng đã đến cơ quan công an đầu thú và xin được... giam giữ. Một số khác thì cao chạy xa bay khiến hàng trăm chủ nợ khốn đốn vì “hám” lãi cao.

Trong số 47 vụ vỡ nợ nói trên, Công an thành phố Vinh đã khởi tố 3 bị can là Trần Thị Mai, Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Thị Quyên.

Thượng tá Trần Sỹ Phàng cho biết: “Các đối tượng thường đánh vào tâm lý hám lợi của người dân để đưa ra mức lãi suất rất cao. Khi đã gom được một lượng tiền lớn, đồng nghĩa với số tiền lãi suất phải trả hàng ngày lớn, các đối tượng không còn khả năng chi trả dẫn đến vỡ nợ. Tuy nhiên, nhiều chủ nợ sau khi biết các con nợ không còn khả năng chi trả đã bắt giữ, thuê mượn các đối tượng lưu manh đòi nợ thuê hoặc cưỡng đoạt tài sản. Hành vi như vậy là vi phạm pháp luật”.
 
Ông Phàng khuyến cáo người dân đừng vì hám lãi cao mà để mắc lừa, phải ôm nợ. Và khi đã bị mất một khoản tiền lớn, cần kiềm chế để tránh vướng vào vòng lao lý.

Thượng tá Trần Sỹ Phàng cũng cho biết, theo cảnh báo của các chuyên gia kinh tế thì hiện tại trên địa bàn tỉnh Nghệ An có khoảng 50% doanh nghiệp là trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân bị đình trệ sản xuất do không có vốn. Khi cơn khát vốn của các doanh nghiệp này lên đến đỉnh điểm, để cứu mình, các công ty dễ vướng vào các hoạt động tín dụng đen để duy trì sản xuất. Nếu không tỉnh táo, người dân sẽ bị kéo vào vòng quay cho vay lãi suất cao và đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm