Xung quanh vụ cháy kinh hoàng tại Hải Phòng:

"Nhà xưởng thiếu cửa thoát hiểm là không thể chấp nhận"

(Dân trí) - “Một cơ sở sản xuất chứa toàn những vật liệu, các loại hóa chất dễ cháy lại không có cửa thoát hiểm, phương tiện phòng chống cháy nổ…là điều không thể chấp nhận", Chánh Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội nói về vụ cháy làm 13 người chết.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Chánh thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trả lời phóng viên Dân trí xung quanh vụ cháy kinh hoàng vừa diễn ra tại xưởng giày da tư nhân ở xã Tân Dân, An Lão, Hải Phòng khiến 13 người thiệt mạng và hơn 20 người khác bị thương nặng.

Được biết, đã có 1 đoàn thanh tra được thành lập nhằm xác minh rõ trách nhiệm liên quan trong vụ cháy kinh hoàng vừa diễn ra tại cơ sở sản xuất giày da tư nhân ở xã Tân Dân, An Lão, Hải Phòng. Kết quả ban đầu ra sao, trách nhiệm của cơ quan quản lý đến đâu, thưa ông?

Ngay sau vụ cháy xảy ra, Thanh tra Bộ đã yêu cầu thành lập đoàn thanh tra về an toàn lao động cấp địa phương phối hợp với cơ quan công an và chính quyền sở tại tiến hành làm rõ vụ việc.

Báo cáo ban đầu cho thấy, xưởng giày da tư nhân này không tuân thủ quy định về an toàn lao động như không có cửa thoát hiểm, phương tiện phòng chống cháy nổ…Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
 
Một cơ sở sản xuất chứa toàn những vật liệu và các loại hóa chất dễ cháy lại không hề có cửa thoát hiểm thì không thể chấp nhận được. Sự việc xảy ra rất đau lòng và không thể phủ nhận trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan quản lý, chính quyền địa phương. Hiện, cơ quan điều tra vẫn đang tiếp tục tiến hành công tác chuyên môn để có báo cáo cuối cùng lên Bộ.
 
"Nhà xưởng thiếu cửa thoát hiểm là không thể chấp nhận" - 1
Nạn nhân Đoàn Thị Thu Sen bị thương nặng trong vụ cháy kinh hoàng tại cơ sở sản xuất giày da tư nhân đang được bố chăm sóc. (Ảnh: Q. Đô)

Trong 6 tháng đầu năm nay trên khắp cả nước  xảy ra nhiều vụ việc tai nạn lao động với quy mô cùng tính chất ngày càng nghiêm trọng hơn. Thực tế cho thấy vai trò kiểm soát tình hình của thanh tra trong lĩnh vực an toàn lao động ngày càng yếu đi?

Thực sự tai nạn lao động đang diễn ra  ngày càng nghiêm trọng và nhiều hơn. Thực tế, ngành thanh tra lao động chúng tôi cũng đang kêu cứu. Ví như tại Hải Phòng, có tới mấy nghìn doanh nghiệp (DN), trong khi chỉ có vỏn vẹn 7 cán bộ thanh tra, với rất nhiều đầu việc. Công tác kiểm tra an toàn lao động của mấy nghìn DN này chỉ là một phần trong số các công việc mà cán bộ thanh tra phải thi hành, nên thực chất chỉ còn khoảng 2 thanh tra đảm nhiệm công tác.
 
Thử hỏi, với khối lượng công việc ấy, ngần ấy con người thì công tác kiểm soát, thanh tra ra sao. Tương tự, tại Hà Nội với lực lượng cán bộ ngành chỉ 13- 14 người, nhưng cũng phải quản lý hàng chục nghìn DN thuộc địa bàn. Vấn đề thiếu trầm trọng nguồn  nhân lực trong lĩnh vực thanh tra lao động đã được đề cập nhiều năm nay nhưng vẫn chưa thể giải quyết.

Hơn thế, theo luật, khi một DN ra đời và xin đăng ký hoạt động, cơ quan chức năng chỉ  tiến hành hậu kiểm (không tiền kiểm), tức là đi kiểm tra khi DN đó đã đi vào hoạt động. Vì thế, ban đầu DN đó thực hiện đúng quy định an toàn về lao động hay không thì cơ quan chức năng… chịu.

Như xưởng xưởng da tư nhân ở xã Tân Dân, An Lão, Hải Phòng mới thành lập được 1 tháng, chưa có báo cáo gì, nên cơ quan chức năng địa phương cũng chưa kịp đến kiểm tra xem họ có tuân thủ các điều kiện về an toàn lao động hay không. Trước đây, ngành thanh tra đã đề xuất  triển khai công tác tiền kiểm về tiêu chuẩn an toàn lao động thì lại có DN kêu rằng cơ quan quản lý gây khó khăn.

Nghĩa là, trong khi cơ quan chức năng vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý  thì người lao động chỉ còn cách tự bảo vệ lấy mình?

Theo thống kê sơ bộ về các vụ tai nạn lao động, có khoảng 30% nguyên nhân được xác định do bản thân người lao động gây ra. Do còn chủ quan và thiếu tôn trọng quy định về an toàn lao động, nhiều người đã phải gánh hậu quả nặng nề.
 
Có nhiều DN chấp hành tốt quy định pháp luật, thực hiện đúng theo quy định về an toàn lao động, nhưng cũng còn không ít đơn vị đã quá chú trọng phát triển hoạt động sản xuất và tiết kiệm chi phí vận hành nên cố tình không tuân thủ các quy định về an toàn sản xuất để tiết kiệm chi phí đầu tư. Cùng đó, do cơ chế xử phạt còn thấp,  nên đã có hiện tượng DN chuẩn bị tâm lý nộp phạt rồi lại vi phạm.
 
Trong khi đó, nhiều người lao động vì thiếu thông tin và hiểu biết nên không biết tự bảo vệ mình. Như vụ cháy tại xưởng giày da tại Hải Phòng, nếu những công nhân ở đó báo cáo với chính quyền địa phương việc nhà xưởng không đảm bảo an toàn, thiếu cửa thoát hiểm thì có lẽ sự việc đã không nghiêm trọng đến vậy.
 
Vì vậy, trước hết để bảo vệ mình, người lao động nên tự ý thức và đòi hỏi vấn đề an toàn lao động nơi mình làm việc

 Xin cảm ơn ông!

 P. Thanh (thực hiện)