Người lính trở về từ chiến trường khi đã có giấy báo tử

(Dân trí) - “Bị lọt vào ổ phục kích của địch, toàn tiểu đội trúng đạn, đồng chí trung đội phó hy sinh tại chỗ, 10 anh em bị thương nặng và bị địch bắt... Sau này trở về địa phương tôi mới biết mình có giấy báo tử...”, thương binh Phạm Quốc Phòng chia sẻ.

Kỷ niệm chương của ông Phòng.
Kỷ niệm chương của ông Phòng.
 
“Lúc đó tôi không có tin tức gì, cứ nghĩ đã bị địch tiêu diệt nên Bộ Chỉ huy đã gửi giấy báo tử về nhà và đề nghị địa phương cấp giấy chứng nhận là liệt sĩ cho tôi. Hai năm sau, tôi trở về thì nhận được giấy báo tử và chứng nhận liệt sĩ của mình...”, đó là câu chuyện của người thương binh đặc biệt Phạm Quốc Phòng (62 tuổi, ở Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An).

Tháng 8 năm 1971, người thanh niên trẻ Phạm Quốc Phòng hăng hái lên đường nhập ngũ. Khi cuộc trường kỳ kháng chiến của toàn dân tộc đang bước vào những ngày tháng ác liệt nhất, ông được biên chế vào đại đội 7/D2/E36/F308 đơn vị chủ lực của Bộ quốc phòng.

Tháng 4/1972 đơn vị của ông được lệnh hành quân vào chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị vô cùng ác liệt và cam go. Thời gian này ta và địch đang giành nhau từng mét đất, từng chiến hào. 

“Lúc đó ta và địch tranh nhau có thể nói là từng mét đất, hôm nay ta tiến quân chiếm được một vị trí thì ngay ngày mai chúng tổ chức hỏa lực mạnh hơn gấp nhiều lần đánh chiếm lại. Ta vừa đánh vừa lui nhằm tiêu hao sinh lực địch chuẩn bị cho một cuộc tổng tiến công đánh bật chúng ra khỏi thành cổ…”, ông Phòng nhớ lại.
Ông Phòng trở về từ chiến trường sau khi đã có giấy báo tử. 
Ông Phòng trở về từ chiến trường sau khi đã có giấy báo tử. 

Cũng trong một lần truy kích địch, ông và các đồng chí của mình lại bị lọt vào ổ phục kích của địch. “Hôm đó là ngày 22/8/1972 trong lúc truy kích địch tôi và các đồng chí bị lọt vào ổ phục kích của chúng, từ mọi hướng chúng nhả đạn ra như mưa. Anh em co lại để rút lui thì bất ngờ bị trúng một quả M72. Đồng chí Nhân đại đội phó quê ở Vĩnh Phúc hi sinh ngay tại chỗ. Tôi thì bị thương nặng ở hai chân, sau đó dính thêm 2 phát đạn M15. Tất cả các đồng chí khác đều bị thương, anh em lết lại gần nhau quyết ôm súng tử thủ tới hơi thở cuối cùng. Dù còn một viên đạn cũng không để chúng bước qua. Nhưng do vết thương quá nặng nên chỉ trụ được thêm khoảng 8 tiếng đồng hồ là tôi ngất đi”, người lính năm xưa nhớ lại trận chiến ác liệt.

Đến ngày 29/8, sau 7 ngày hôn mê, ông Phòng tỉnh lại thấy hai chân mình bị băng trắng. Hỏi ra mới hay mình bị địch bắt đưa về Huế. Sau 10 ngày điều trị tại Huế, ông bị địch chuyển về Tổng Y viện quân y Đà Nẵng; rồi tiếp tục chuyển về Sài Gòn, vừa để điều trị vừa hỏi cung.

Tại đây sau khi vết thương dần hồi phục, địch bắt đầu tra tấn, hỏi cung ông hòng khai thác những thông tin về cách bố trí lực lượng, hỏa lực, phương thức tác chiến của quân ta ở “chảo lửa” Quảng Trị. Nhưng người chiến sĩ cách mạng kiên trung không hé răng nửa lời.
Những vết thương chiến tranh để lại trên cơ thể người lính già
Những vết thương chiến tranh để lại trên cơ thể người lính già

Tâm sự về những lần bị tra tấn, bức cung, ông Phòng nói: “Chúng hỏi một câu mà chưa kịp trả lời là dùng roi điện dí vào người, hoặc lấy ngay cái giày đinh đang đi đập vào mặt, tiện cái gì chúng dùng cái đó để đánh. Ngất đi chúng lại dội nước cho tỉnh lại, đánh tiếp. Lúc đó tôi nghĩ mình chắc không sống nổi nữa rồi, nhưng vì ý chí và quyết tâm tôi nhất định không khai”.

Dùng mọi thủ đoạn dã man, tàn độc, nhưng địch vẫn không thắng được người chiến sĩ cách mạng kiên trung. Chúng lại cho ông chọn lựa giữa 3 phương án: Một là ngồi tù, hai là chiêu hồi, ba là đầu hàng trả tự do. Không một phút chần chừ, ông chọn ngay được ngồi tù, dù biết như vậy là còn phải chịu không biết bao nhiêu là đòn roi, nhục hình. Cuối cùng chúng chuyển ông sang nhà giam Biên Hòa.

Các đồng chí cùng đại đội không nhận được bất kỳ thông tin nào của ông nên nghĩ ông đã hy sinh. Nhận được thông tin, đơn vị đã gửi giấy báo tử về cho gia đình và cũng chỉ một thời gian ngắn sau đó, ông Phòng được cấp giấy chứng nhận liệt sĩ.

Ngày nhận giấy báo tử của chồng, người vợ trẻ Ngô Thị Lan không tin nổi điều đó là sự thật. “Lúc đó tôi vẫn tin chồng tôi chưa chết nên nhất quyết không lập bàn thờ”, bà Lan nhớ lại. Ông nói thêm: “Lúc đó vợ tôi nhất quyết không tin rằng chồng đã hy sinh, bà ấy quyết không lập bàn thờ, không thắp hương, khóc cũng không. Bà ấy nhất mực không tin vào cái chết của tôi”.

Trong thời gian đó ông vẫn bị giam giữ tại nhà giam Biên Hòa, chịu nhiều đòn roi tra tấn của kẻ thù. Gần 1 năm sau, ngày 14/3/1973, ông được trả tự do. Vừa ra tù, ông đã viết thư gửi về gia đình và báo cáo với Bộ chỉ huy, bản thân ông tiếp tục được chuyển về điều trị tại Quảng Bình và về Thanh Hóa.

Bà Lan nhớ lại: “Ngày nhận được lá thư của chồng tôi ngất đi, vì cả cái xã này ai cũng bảo chồng tôi đã chết rồi cơ mà sao lại có chuyện thư từ ở đây. Dù người có niềm tin bao nhiêu đi nữa vẫn không thể hình dung sự thật này, có người còn bảo rằng, do tôi nhớ chồng quá nên phát cuồng. Trong xã ai cũng bảo, trước đây ông Phòng đã nhận giấy báo tử rồi và trong đơn vị còn cử người trực tiếp chôn cất thi thể ông ấy nữa thì bây giờ làm gì có chuyện ông ấy đang sống cơ chứ”.
Những vết thương chiến tranh để lại trên cơ thể người lính già
 
Tháng 1/1974, ông được đơn vị cho về. Ngày ông về tới đầu làng, bà con nhìn thấy ông Phòng bằng xương bằng thịt mà không dám tin. Ngay vợ ông, người nhất mực cho rằng ông còn sống cũng không dám tin ông đã trở về.

Hơn 35 năm đã trôi qua, hiện người thương binh hạng 1/4 với 83% thương tật Phạm Quốc Phòng ấy đã có 5 đứa con, đều đã trưởng thành và thành đạt, cuộc sống gia đình đầm ấm, hạnh phúc. Nhớ về chiến tranh, ông lại nhớ về tấm giấy báo tử của mình, tâm niệm rằng mỗi người lính bước chân ra chiến trường đều đã sẵn sàng chuẩn bị cái chết cho mình, vì mảnh đất quê hương!

 
Lany Nguyễn - Tình Tú