Quảng Nam:
Người dân thua kiện vụ thủy điện Sông Tranh 2 tích nước gây ngập
(Dân trí) - Ngày 20/9, TAND tỉnh Quảng Nam đã tiến hành phiên tòa phúc thẩm vụ án đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa các hộ dân ở huyện Nam Trà My với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do việc tích nước của thủy điện Sông Tranh 2 gây nên.
Trong vụ án này, có 9 hộ dân ở huyện Nam Trà My kiện dân sự đối với EVN về hành vi tích nước gây ngập làm hư hỏng tài sản, gồm: Nguyễn Ngọc Rân, Hoàng Ngọc Trác, Phạm Đức Hội, Ngô Tấn Tiến, Nguyễn Thị Đào, Bùi Viết Ảnh, Mạc Xuân Nguyên, Nguyễn Va Kin và Thái Viết Hà. Số tiền các hộ dân yêu cầu EVN bồi thường lên đến hơn 1,7 tỷ đồng.
Sau khi TAND huyện Nam Trà My tuyên EVN không phải bồi thường thiệt hại, các hộ dân đã kháng cáo lên TAND tỉnh Quảng Nam. Tại phiên phúc thẩm ngày 20/9, EVN vẫn cho rằng, việc tích nước của thủy điện Sông Tranh 2 đã được UBND tỉnh Quảng Nam có công văn cho phép.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu BQL dự án thủy điện 3 phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản tuyệt đối cho người dân. Trường hợp chưa giải quyết dứt điểm đến khi tích nước, BQL dự án thủy điện 3 tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương vận động, thuyết phục hoặc có kế hoạch di dời trước khi mực nước lên đến cao trình 158m; đồng thời phải có phương án bảo vệ, đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản của nhân dân khi tích nước.
Tại phiên tòa, đại diện BQL dự án thủy điện 3 của EVN không đồng ý bồi thường cho các hộ gia đình. Theo ông này, thủy điện Sông Tranh 2 tích nước là có sự cho phép bằng văn bản của UBND tỉnh Quảng Nam. Trước khi tích nước, thủy điện có thông báo bằng văn bản cho người dân di dời tài sản.
Mặc khác, các hộ dân không chứng minh được bằng chứng (hóa đơn chứng từ) đã mua các vật dụng sinh hoạt trong gia đình bị thiệt hại do tích nước gây ra. Vì vậy, EVN không đồng ý bồi thường thiệt.
Phía luật sư bảo vệ cho các hộ dân dẫn chứng văn bản cho tích nước của UBND tỉnh Quảng Nam chỉ yêu cầu “tích nước khi đủ điều kiện, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tài sản, tính mạng của nhân dân”.
Luật sư còn cho rằng, việc cho thuê đất của UBND tỉnh Quảng Nam đối với EVN để xây dựng thủy điện Sông Tranh 2 cũng không đúng vì đất đai, tài sản sinh hoạt của người dân vẫn còn hợp pháp và được pháp luật bảo vệ và vì UBND huyện Nam Trà My, Bắc Trà My chưa ra quyết định thu hồi đất của từng hộ dân riêng lẻ. Vì vậy, thủy điện Sông Tranh 2 tích nước gây thiệt hại cho tài sản người dân thì EVN phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại tài sản cho các hộ dân.
HĐXX cho rằng, các hộ dân không đưa ra được chứng cứ gì mới nên giữ nguyên bản án sơ thẩm do TAND huyện Nam Trà My đã tuyên trước đó và bác kháng cáo.
Công Bính