Người dân bàng hoàng sau "trận lốc xoáy 5 tỉ"

(Dân trí) - Cơn lốc xoáy ập đến bất ngờ, chỉ trong khoảng 10 phút đã biến nhiều nhà cửa ruộng vườn thành đống đổ nát. Lốc đi qua để lại cho người dân những mất mát khổng lồ và sự bàng hoàng trước thiên tai.

Chỉ trong vòng hai tháng, trên địa bàn huyện Ngọc Lặc - Thanh Hóa đã xảy ra 2 trận lốc xoáy làm đổ sập và hư hỏng hàng trăm ngôi nhà của người dân. Trận lốc xoáy kinh hoàng  mới đây nhất xảy ra vào chiều tối ngày 2/5 làm sập 9 ngôi nhà, tốc mái 186 ngôi nhà khác, khiến người dân lâm vào cảnh khốn đốn. Trước đó, ngày 19/4, trận lốc xoáy kèm mưa đá càn quét qua địa bàn một số xã thuộc huyện Ngọc Lặc cũng làm 10 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hơn 100 nhà tốc mái.
 
Người dân bàng hoàng sau trận lốc xoáy 5 tỉ
Vợ chồng ông Tính đang dọn dẹp và tìm kiếm những gì còn sót lại trong đống đổ nát.

Sáng ngày 4/5, theo chân anh Trần Đức Thuận, cán bộ chính sách xã Kiên Thọ, chúng tôi đến thăm một số gia đình bị lốc xoáy làm đổ sập nhà. Dưới cái nắng gay gắt như đổ lửa, người dân đang bới đống đổ nát tìm những gì còn sót lại. Nhiều người dân còn chưa hết bàng hoàng sau những gì vừa xảy ra. Hầu hết những gia đình bị ảnh hưởng thiên tai đều thuộc diện hộ nghèo. 

Ông Phạm Đức Tính, thôn 11, xã Kiên Thọ, đang cố gắng tìm kiếm những đồ vật còn sót lại, tâm sự: “Lúc đó khoảng 5 giờ chiều, trời đang nắng bỗng mây kéo đến ùn ùn, rồi trời đổ mưa dông kèm theo sấm chớp. Gió thổi từ dưới thổi lên, trên thổi giật xuống, rồi nghe cái ùm. Tôi cũng hoảng chả biết thế nào, khi bình tĩnh lại mới nghe các con hoảng loạn gọi bố...”. 

Người dân bàng hoàng sau trận lốc xoáy 5 tỉ
Không biết đến khi nào, gia đình ông Tính mới dựng lại được căn nhà mới để ở.

Anh Toàn, con trai ông Tính, bàng hoàng nhớ lại: “Khi lốc xoáy vừa hết, tôi nhìn quanh không thấy cha đâu, tôi cứ nghĩ ông bị nhà vùi lấp làm sao rồi. Mọi người trong nhà bới đống đổ nát lên tìm thì thấy cha tôi nằm dưới gầm ghế đổ gãy”. 

Nhà anh Trương Văn Toàn ở thôn Thống Nhất cũng chỉ còn lại phần móng. Toàn bộ ngôi nhà đã bị cơn lốc bốc đi cách đó 15m. Vợ chồng anh phải dựng túp lều khoảng 5m2 gần đó để ở tạm. 

Chị Lê Thị Hằng, vợ anh Toàn nhớ lại cảnh kinh hãi lúc đó: “Tôi đi chăn trâu về, vô nhà đóng cửa lại nhưng gió tợn lắm, đóng cửa vào nó lại giật cửa ra, hai mẹ con sợ quá, nhìn lên mái nhà thì thấy gió giật hết mái rồi. Hai mẹ con chui vào giường, nhà sập ùm một cái, giường chận lên cả bả vai. Tôi lồm cồm bò dậy men theo rương lúa, lúc đó thấy mưa đá xuống, lúc sau thấy mưa tạnh tạnh, tôi cõng con chạy xuống nhà bác”. 

Người dân bàng hoàng sau trận lốc xoáy 5 tỉ
Căn nhà của vợ chồng anh Trương Văn Toàn bị gió "bốc giỡ" chỉ còn lại phần móng.

Hai vợ chồng chị Hằng mới cưới nhau được mấy năm. Dành dụm mãi cùng với sự hỗ trợ của hai bên nội ngoại mới làm được ngôi nhà trị giá 10 triệu đồng để lấy chỗ chui ra chui vào. Giờ thì nhà đổ nát, hôm nay bà con làng xóm, anh em xúm vào lợp lại cái bếp rộng chừng 5m2 để tá túc. Thời tiết nắng nóng trong căn lều chật chội nóng nực nhưng 3 phận người vẫn phải cố gắng chịu đựng. 

Trận lốc xoáy chiều ngày 2/5 còn gây thiệt hại hàng chục ngôi nhà của người dân ở các xã như: Phùng Giáo, Phúc Thịnh, Nguyệt Ấn (huyện Ngọc Lặc). Ngoài ra, hai doanh nghiệp đóng trên địa bàn là Công ty cổ phần xây dựng Hồng Ngọc và Công ty TNHH Lâm Thao cũng bị thiệt hại nặng nề.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Hồng Ngọc buồn rầu: “Công ty vừa mới đầu tư hết 37 tỷ đồng và đi vào hoạt động từ tháng 1/2012, bước đầu giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động. Lúc đó, công nhân đang làm việc bình thường, chỉ sau 10 phút gió mạnh lên, ập đến mù mịt, tôn bay tứ tung, tôi ở trong nhà nhìn ra thì thấy sập cả rồi. Hiện chúng tôi cũng chưa biết phải làm thế nào cả”. 

Vào thời điểm xảy ra lốc xoáy, tại Công ty Hồng Ngọc có khoảng 40 lao động đang làm việc, rất may không có ai bị thương. Tuy nhiên, thiên tai đã gây thiệt hại cho nhà máy hàng tỉ đồng. Đặc biệt, hơn 100 lao động của công ty có nguy cơ mất việc làm trong thời gian dài. 

 
Người dân bàng hoàng sau trận lốc xoáy 5 tỉ
Nhà xưởng của Công ty CP Xây dựng Hồng Ngọc bị đổ sập, thiệt hại ước tính gần 3 tỉ đồng.

Ông Vì Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND xã Kiên Thọ chia sẻ: “Điều kiện địa phương còn khó khăn nên chúng tôi cũng chỉ biết thăm hỏi, động viên, chia sẻ với bà con và doanh nghiệp. Trước mắt, xã tập trung chỉ đạo các đoàn thể, huy động làng xóm giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại dựng lại nhà tạm để có chỗ ở nương thân. Trong lúc này, tinh thần tương thân tương ái của mọi người là rất quan trọng”. 

Trao đổi với Dân trí, ông Bùi Trung Anh, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết: “Huyện đã chỉ đạo trích kinh phí hỗ trợ những gia đình bị thiệt hại theo quy định của nhà nước. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị chủ động hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại với tinh thần tương thân, tương ái. Đối với các doanh nghiệp, chúng tôi sẽ động viên và có chính sách hỗ trợ phần nào để doanh nghiệp khắc phục hậu quả, tiếp tục phát triển. Về lâu dài, chúng tôi sẽ chỉ đạo địa phương và các ngành nắm lại đời sống nhân dân sau khi bị ảnh hưởng. Kiên quyết không để hộ dân nào bị thiếu đói, đứt bữa do thiên tai”. 

Duy Tuyên