Nếu con yêu người cùng giới...
Một ngày nào đó, vô tình phát hiện hoặc nghe chính con mình thú nhận rằng “thà chết” chứ không thể yêu người khác giới, cha mẹ sẽ chọn cách ứng xử ra sao?
Tại căn nhà nhỏ trên đường Trần Văn Đang (Q.3, TP.HCM), chúng tôi vừa gợi lại chuyện cũ thì bà N. bật khóc nức nở.
“Mẹ ơi, hãy thương lấy con”
Con trai bà tên H., mà theo lời bà kể là học giỏi suốt từ lớp 1 đến lớp 10. Một ngày, H. đưa một bạn trai về nhà chơi, bà N. phát hiện hai đứa mua sắm quần áo, giày dép, dụng cụ học tập giống hệt nhau.
Theo dõi và tra hỏi, cuối cùng H. thú nhận đó là “người yêu” của mình. Làm đủ mọi cách từ khuyên bảo cho đến chửi mắng, không cho tiền vẫn không chia cắt được tình cảm đó nên bà N. có nhờ cô giáo giúp đỡ. Chẳng biết cô giáo tác động thế nào mà sau đó H. đùng đùng ôm quần áo bỏ nhà đi.
Tại một hội thảo mới đây, những người tham dự đã một phen “cười ra nước mắt” qua câu chuyện của V.. Khi V. thừa nhận mình là “gay” (đồng tính nam) thì mẹ V. làm ầm lên, lôi đi gặp các nhà tâm lý trị liệu.
Không kết quả, bà bèn đưa V. lên chùa, ăn cơm gạo lức muối mè suốt mấy tháng ròng vẫn không “dương tính”. V. tâm sự: “Tôi khao khát tình yêu, khao khát tìm được ý trung nhân về sống cùng mái nhà với cha mẹ ruột, rồi xin con nuôi...”.
Đến bây giờ thì chị L. (Q.Tân Phú, TP.HCM) chỉ còn mủi lòng đôi chút khi kể lại sự cố xảy ra trong tổ ấm của mình. Hè vừa rồi, con trai chị (đi du học Mỹ) dắt về một bạn trai. Buổi sáng, chị đẩy cửa phòng thì phát hiện cảnh hai thằng con trai quấn lấy nhau ngủ như tình nhân.
Chàng trai quỳ xuống van xin: “Mẹ ơi, hãy thương lấy con”. Cố kìm cơn bấn loạn, chị tìm đến chuyên gia tâm lý, lên mạng tìm hiểu về “bệnh” này. Đứa con trai út nói với chị: “Nếu đúng vậy thì anh đau khổ lắm, mẹ phải thương anh nhiều hơn”. Lời chân thành của con đã động viên chị bình tĩnh chia sẻ câu chuyện bí mật với chồng.
Cha mẹ là “thành lũy”
Theo thạc sĩ Lê Quang Bình, viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, cách hành xử của chị L. là “đẹp như mơ”. Bởi hầu hết các bậc cha mẹ đều sốc khi biết con đồng tính. Khi đó, trong họ đan xen nhiều cảm xúc tiêu cực: tức giận, thất vọng, hoảng sợ, chối bỏ... Có người tự dằn vặt mình là nguyên nhân gây “bệnh” cho con, người thì lo không có cháu nối dõi tông đường, đối mặt với sự kỳ thị của cộng đồng... Hành xử theo cảm xúc, họ đã đe dọa, chửi mắng, đánh đập, cắt tài chính khiến đứa con không còn chỗ dựa.
Ông Bình cho biết có khoảng 3-5% dân số thế giới có mối quan hệ đồng tính luyến ái và đó là xu hướng tính dục, sự đa dạng của tự nhiên. Đồng tính đã được khẳng định không phải là bệnh nên không cần chữa trị, càng không phải là tệ nạn, đua đòi hay theo một cách nghĩ tiêu cực nào đó.
Nhiều năm nghiên cứu, thạc sĩ Bình cho rằng dù xã hội còn kỳ thị người đồng tính, nhưng thái độ của cha mẹ mới quan trọng nhất. Đáng buồn là rất nhiều bậc cha mẹ lại có thái độ chối bỏ sự thật giới tính của con. Chính thái độ đó khiến một số người đồng tính sống che giấu bản thân và rồi gây ra nhiều hậu quả tiêu cực khó lường. Anh Huỳnh Minh Thảo, admin một trang web của người đồng tính, kể: “Tôi có một người bạn đồng tính cố gắng cưới vợ, vợ mang thai, nhưng rồi bị vợ phát hiện quan hệ tình cảm với người đồng tính”. Theo lời kể, giờ thì anh này chẳng biết giải quyết ra sao khi cả vợ và mẹ ruột đều “muốn chết quách cho rồi”.
Ông Bình chia sẻ cha mẹ nào cũng yêu thương con, muốn làm tất cả để “cứu” con, nhưng cách “cứu” con cái tốt nhất chính là chấp nhận và tôn trọng giới tính thật của con. Bởi sự chấp nhận của cha mẹ chính là “thành lũy” an toàn ngăn con sa chân xuống “địa ngục” của những hành vi nông nổi, của sự nghi kỵ còn trong xã hội.
Chuyện một người mẹ
Gia đình cô Th. có hai người con trai. Trái với anh trai đầy nam tính, ngay từ nhỏ Q.M. - cậu em - đã có những biểu hiện nữ tính. Anh nói năng nhỏ nhẹ, thích trau chuốt vẻ bề ngoài và lúc nào cũng chỉ chơi với con gái. Khi còn đi học, bạn bè cũng chọc ghẹo anh vì điều này. Tuy nhiên, do cô Th. bận rộn công việc nên không chú ý. Học hết cấp III, M. đi du học.
Từ nhỏ, M. chơi rất thân với con gái của cô hàng xóm cạnh nhà và đã tâm sự chuyện mình đồng tính cho cô bé biết. Sau khi nghe chuyện của M., cô bé viết nhật ký. Chẳng may bị mẹ cô phát hiện. Mẹ cô bé đã nói lại chuyện này cho cô Th. nghe.
Khi biết chuyện, cô Th. rất sốc nhưng không vội to tiếng trách móc con trai mình trong khoảng thời gian ngắn ngủi anh về lại Việt Nam. Mỗi ngày cô đều quan tâm hỏi chuyện anh để tìm ra sự thật. Cô không hỏi thẳng mà hỏi những câu nhẹ nhàng như: “Sao bạn trai đó của con nữ tính quá vậy?”, “Sao con không chơi với bạn khác?”...
Ngày qua ngày, cuối cùng M. thú nhận sự thật với cô. Khi biết chuyện, chỉ còn một tuần là M. phải nhập học lại, cô đã có ý định không cho con đi nữa mà phải ở nhà vì “sợ qua bên đó không kiểm soát được con sẽ càng hư hơn”. Trong suốt một tuần, cô đọc các tài liệu trên mạng để tìm hiểu về người đồng tính. Cô cũng đến bệnh viện để tìm cách “chữa bệnh” cho con nhưng lẳng lặng đi một mình vì “sợ làm con tổn thương”.
Nhưng sau khi nhận được câu trả lời từ vị bác sĩ “cái này không phải là bệnh, không thể chữa được đâu”, cô không còn cố gắng kéo con “trở về” như mong muốn lúc đầu. Đồng thời cô quyết định tiếp tục cho M. đi du học.
M. không muốn mẹ cho ba biết vì ông là người bảo thủ và rất khắt khe với con cái. Tuy nhiên, cô Th. cảm thấy ngày càng không thể gánh nổi bí mật nên quyết định nói chuyện này cho chồng. Đúng như dự đoán của M., ba anh không chấp nhận và vẫn xem đồng tính như một căn bệnh có thể chữa khỏi. Hiện tại, cô Th. cố gắng thay đổi nhận thức của chồng bằng cách đọc cho ông những bài viết về đồng tính mà cô thấy hay. |
Theo Huỳnh Thái Bình
Tuổi trẻ