Lùm xùm quanh chuyện nhà đầu tư vỡ nợ
Cục CSĐT TP về quản lý Kinh tế và chức vụ (C46) tại TP.HCM đã làm việc với nhiều công ty chứng khoán để nắm các vấn đề liên quan đến vụ vỡ nợ của bà Huỳnh Thị Huyền Như - thành viên Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Phương Đông.
Một nhà đầu tư tại sàn OTC (giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết) của công ty chứng khoán Bản Việt cho biết, trong giới kinh doanh cổ phiếu OTC rất nhiều người biết bà Như và bà Phương, hai người chuyên vay vốn của các nhà môi giới ở sàn này với lãi suất từ 7%/tháng trở lên. Theo anh này, đã có nhiều nhà đầu tư ở TPHCM và Hà Nội mất tiền tỉ vì tin lời Phương và Như.
Vì bà Như là thành viên hội đồng quản trị của một công ty chứng khoán lớn nên nhiều nhà đầu tư sẵn sàng cung cấp vốn cho bà. Sau khi huy động được vốn, bà Như mở tài khoản tại một số công ty chứng khoán và được công ty xem là khách hàng có tiềm lực tài chính lớn, cho phép bà sử dụng đòn bẩy tài chính, tức được đầu tư với số vốn cao gấp nhiều lần số tiền có sẵn trong tài khoản. Đến khi thị trường chứng khoán đi xuống, lại biết về vụ vỡ nợ của bà Như, công ty chứng khoán trên đã buộc phải bán ra toàn bộ danh mục cổ phiếu của bà Như để thu hồi vốn.
Vụ vỡ nợ của bà Như bước đầu được cho là do thua lỗ nặng nề trên thị trường chứng khoán trong hai năm qua, đồng thời số tiền mà bà Như đầu tư vào bất động sản cũng không có khả năng thu hồi vì vậy bà ta đã không thể trả các khoản “lãi mẹ đẻ lãi con” cho các nguồn vốn đã huy động của nhà đầu tư OTC.
Cho đến bây giờ cơ quan điều tra vẫn chưa công khai tên công ty chứng khoán liên quan đến vụ việc này, tuy nhiên hiện đã có hai công văn của hai công ty chứng khoán gửi các cơ quan chức năng để nói rõ quan điểm. Trong đó, Công ty chứng khoán Phương Đông (ORS), nơi bà Như là thành viên hội đồng quản trị, cho biết đang xem xét lại tư cách thành viên hội đồng quản trị của bà Như sau khi có thông tin bà này liên quan tới vụ án lừa đảo mà cơ quan công an đang điều tra. Công văn cũng khẳng định bà Như không mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại ORS. Công ty cũng không hề có bất kỳ giao dịch vay mượn nào với cá nhân bà Như trong thời gian qua.
Trong khi đó, ông Tâm của Công ty chứng khoán Kim Eng cũng đã khẳng định là không có nhà đầu tư nào tên Như mở tài khoản ở Kim Eng và số dư nợ xấu tại Kim Eng là không có. Tất cả khách hàng sử dụng dịch vụ ký quỹ của Kim Eng chỉ được cấp hạn mức tối đa 9 tỉ đồng/một khách hàng (tương đương 3% vốn điều lệ của công ty theo qui định của Ủy ban chứng khoán), vì vậy không thể có chuyện nhà đầu tư dùng đến vài trăm tỉ đồng vốn đòn bẩy để đầu tư tại Kim Eng.
Ngoài đầu tư chứng khoán, bà Như cũng bị nghi ngờ câu kết với một số cán bộ ngân hàng làm hồ sơ vay giả để chuyển tiền qua các ngân hàng khác và chiếm đoạt. Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Vietinbank đã gửi công văn cho các cơ quan chức năng thừa nhận có hai cán bộ Vietinbank có liên quan đến vụ việc này, đồng thời khẳng định ngân hàng không chịu bất kỳ tổn thất gì về tài chính liên quan tới vụ việc trên. Vietinbank cũng đã sa thải, hủy hợp đồng lao động hai nhân viên nói trên.
Vụ việc vẫn đang được cơ quan điều tra làm rõ, tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính đây có thể là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các công ty chứng khoán cho vay đòn bẩy với số lượng lớn – một hành vi không được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho phép - trong khi năng lực quản trị rủi ro còn nhiều bất cập, nhất là trong giai đoạn thị trường chứng khoán còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Đây cũng là lúc các ngân hàng nên xem lại quy trình thẩm định hồ sơ và cho vay vốn nếu không muốn lâm vào hoàn cảnh dở khóc, dở cười vì các khoản nợ xấu khó đòi như trên.
Theo Thanh Thương
Thời báo Kinh tế Sài Gòn