Kết luận điều tra về cái chết của tê giác vườn quốc gia Cát Tiên

(Dân trí) - Kết luận của pháp y và chuyên viên về tội phạm động vật hoang dã đã khẳng định: nhiều khả năng cá thể tê giác mất mạng do vết thương từ viên đạn gây ra chứ không phải là cái chết tự nhiên.

Theo WWF (Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên), đoàn nghiên cứu điều tra pháp y và chuyên viên về tội phạm động vật hoang dã đã đưa ra kết luận: Xác cá thể tê giác Java tìm thấy tại vườn quốc gia Cát Tiên hồi đầu năm 2010 là của một cá thể tê giác trong độ tuổi trưởng thành, từ 15 - 25 năm tuổi. Kết luận này cho thấy tê giác đã không chết theo quá trình phát triển tự nhiên bởi theo tự nhiên, tê giác Java có thể sống tới 40 năm tuổi.
 
Sau khi khám nghiệm bộ xương và nghiên cứu hiện trường nơi tìm thấy bộ xương tê giác, các chuyên gia thú y, pháp y và chuyên viên về tội phạm động vật hoang dã kết luận nhiều khả năng cá thể tê giác chết do vết thương từ viên đạn gây ra.
 
Kết luận điều tra về cái chết của tê giác vườn quốc gia Cát Tiên  - 1
Khám nghiệm xương tê giác. (Ảnh: WWF)
 
Đây là kết quả do WWF và vườn quốc gia Cát Tiên phối hợp với các cán bộ từ Cục Thuỷ sản và động thực vật hoang dã của Mỹ, tổ chức Freeland, hai bác sỹ thú y và một chuyên gia bệnh lý học từ trường Đại học Cambrige (Anh) tiến hành điều tra.
 
Theo tiến sĩ Ulrike Streicher, bác sỹ thú y và là thành viên của đoàn điều tra, viên đạn đã gây ra các vết thương rộng miệng, dẫn đến thương tổn nặng, nhiễm trùng và làm tê liệt sự di chuyển của cá thể tê giác nhiều tháng trước khi chết. “Mặc dù không biết được chính xác nguyên nhân nào gây ra cái chết của cá thể tê giác nhưng nhiều khả năng tê giác bị chết do vết thương từ viên đạn, có thể là do nhiễm trùng hoặc bị ngã mà không đứng dậy được do bị thương ở chân”. 
 
Kết luận điều tra về cái chết của tê giác vườn quốc gia Cát Tiên  - 2
(Ảnh: WWF)
 
Các chuyên gia cho rằng những kẻ săn trộm có thể dễ dàng lần theo dấu vết của một con tê giác bị thương và không loại trừ khả năng cá thể này đã bị bắn tiếp sau đó để lấy sừng sử dụng làm đông dược.
 
"Đây thực sự là một sự kiện đáng buồn đối với ngành bảo tồn của Việt nam, một bi kịch quốc gia, là tâm điểm của mối quan tâm và quan ngại quốc tế trước số phận của loài động vật bị đe dọa trên toàn cầu này" - ông Trần Văn Thành, Giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên nói.  
 
Kết luận điều tra về cái chết của tê giác vườn quốc gia Cát Tiên  - 3
(Ảnh: WWF)
 
WWF và vườn quốc gia Cát Tiên đã gửi yêu cầu công an tiếp tục điều tra để xác định những cá nhân có liên quan tới việc săn trộm và buôn bán chiếc sừng của cá thể tê giác - có thể là cuối cùng này - của Việt Nam.
 

P. T