Hệ lụy từ “chè bẩn” trong cuộc chơi toàn cầu

Hệ lụy từ những việc tương tự như chè bẩn (trộn phân lân, xi măng vào chè) sẽ là nghiêm trọng và tiếp tục kéo dài, nếu chúng ta không thay đổi cách tiếp cận trong cuộc chơi toàn cầu cạnh tranh ngày càng dữ dội hơn.

Bản tin VTV tối 8/8 mới đây cho hay, Trung Quốc thậm chí đã cho tiêu huỷ chè bẩn của Việt Nam. Một đất nước nhiều tai tiếng như Trung Quốc về an toàn thực phẩm, là một trong một số ít quốc gia mà hàng nông sản đối mặt với tỷ lệ từ chối nhập khẩu cao nhất ở thị trường châu Âu (Aksoy and Beghin - 2005, "Global agricultural trade and developing countries", the WorldBank), đã phải tiêu huỷ chè bẩn "made in Vietnam" thì không thể không lo lắng về những rào cản chính sách nhập khẩu, tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như xã hội của các nước nhập khẩu có lẽ ngày càng thắt chặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, kể cả mặt hàng chủ đạo là lúa gạo (như Nhật Bản đã từng cảnh báo gạo Việt Nam có chứa acetarmiprid vào năm 2007).

Hệ lụy của việc này sẽ là nghiêm trọng và sẽ tiếp tục kéo dài, nếu chúng ta không thay đổi cách tiếp cận trong cuộc chơi toàn cầu với tính chất cạnh tranh ngày càng dữ dội hơn.
 
Hệ lụy từ “chè bẩn” trong cuộc chơi toàn cầu - 1

Sản xuất chè bẩn tràn lan tại Tuyên Quang. Người dân trộn bột đá, xi măng, phân lân vào chè (ảnh NLĐ)

Tại sao "chè bẩn" tồn tại dai dẳng?

Việt Nam là quốc gia tham gia vào thị trường nông sản thế giới (tự do) muộn hơn so hầu hết các quốc gia nông nghiệp khác, kể các các nước lân cận như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc... Điều này thường được viện dẫn như là một trong những hạn chế đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam trong tìm kiếm, xây dựng quan hệ và mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, chính những bất cập nội tại của Việt Nam, đặc biệt là những ưu tiên đầu tư của chính phủ và hệ thống quản lý (ngành nông nghiệp) thiếu hiệu quả, mới là nguyên nhân chính không những dẫn đến những rối loạn thị trường trong nước (loạn thuốc bảo vệ thực vật, phân bón giả, rau, quả nhiễm hóa chất ...) mà còn đối với cơ hội tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng và tăng cường xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Chính sách vĩ mô của Việt Nam đã không chú trọng thỏa đáng đến phát triển nông nghiệp (và xuất khẩu nông sản) bền vững trong thời gian qua. Mặc dù đóng góp khoảng 20% tổng GDP quốc gia, ngành nông nghiệp chỉ nhận được 4,8% trong tổng đầu tư quốc gia. Trong số này, khoảng 53% từ ngân sách, số còn lại từ các tổ chức cá nhân (GSO 2007).

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng nhận được ít hơn sự "bảo hộ" của nhà nước so với các ngành kinh tế khác. Ngân sách dành cho nghiên cứu ngành nông nghiệp quá ít ỏi, chỉ khoảng 0,08% tổng thu từ nông nghiệp (so với 6% ở Trung Quốc, 10% ở Malaysia và Thái Lan - ADB 2000).

Các cơ quan quản lý ngành nông nghiệp ở địa phương (như khuyến nông và bảo vệ thực vật), tương tự cũng chỉ nhận được nguồn ngân sách ít ỏi để duy trì các hoạt động theo kế hoạch đã được phê duyệt hàng năm của cấp cao hơn, thay vì có thể chủ động phản ứng có hiệu quả và kịp thời với các vấn đề phát sinh trong sản xuất nông nghiệp, thị trường thuốc BVTV, và những mong muốn của người dân. Đây cũng là lý do tại sao chè bẩn đã tồn tại một thời gian mà cơ quan quản lý địa phương không biết và không kiểm tra như tin trên VTV vừa qua.

Một trưởng trạm BVTV ở Hưng Yên cho biết, năm 2003, được sự đồng ý của UBND huyện, trạm triển khai thanh tra thuốc BVTV quy mô lớn trên địa bàn. Kết quả là một lượng lớn thuốc quá hạn, thuốc không rõ nguồn gốc được phát hiện và tịch thu. Tuy nhiên, từ 2004 đến nay, huyện không có kinh phí để cấp cho các hoạt động thanh tra quy mô này.

Một ví dụ khác là một chủ doanh nghiệp chế biến ở Hải Dương đầu tư trồng 10 ha hành ở Hải Phòng. Sau trồng 15-20 ngày, hành bị nhiễm bệnh. Mặc dù doanh nghiệp mang mẫu hành bệnh và yêu cầu giúp đỡ (dưới dạng dịch vụ) nhằm xác định bệnh từ đó triển khai công tác bảo vệ thực vật, tuy nhiên Trung tâm Khuyến nông đã không (hoặc không thể) giúp cho doanh nghiệp. Ước tính khoảng 80% năng suất hành bị thiệt hại.

Tự trói chân mình

Hệ thống quản lý và dịch vụ công không hiệu quả như các ví dụ kể trên là nguyên nhân tác động rất lớn đến các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam trong kiểm soát chất lượng nông sản, và đặc biệt là trong tiếp cận thị trường xuất khẩu cao cấp hơn.

Tổng giá trị thương mại cho rau quả chế biến là 8 tỷ đô-la năm 2001, cho rau quả tươi là 21 tỷ đô-la (FAO 2004), và thậm trí giá trị gia tăng đối với rau quả chế biến ngày càng có xu hướng suy giảm.

Tuy nhiên, khi mà hàng xóm Thái Lan và Malaysia đã dẫn đầu về xuất khẩu một số mặt hàng rau quả tươi trên thị trường thế giới (ví dụ đậu xanh, đậu đũa, xoài, đu đủ, và một số loại quả nhiệt đới, (FAO 2004)), rau quả xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các sản phẩm chế biến (dưa muối, dưa, cà dầm dấm v.v.). Lựa chọn này xuất phát phần lớn từ thực tế là hầu hết các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu của Việt Nam không thể tự tổ chức sản xuất và kiểm soát được chất lượng sản phẩm rau quả tươi, đặc biệt đối với dư lượng hoá chất (sản phẩm qua chế biến sẽ hạn chế rủi ro này).

Hai doanh nghiệp xuất khẩu ở Hải Dương nói rằng họ đã từng nhận được đơn hàng từ Đài Loan và Hàn Quốc về rau quả tươi, nhưng phải từ chối, chủ yếu vì lý do rủi ro liên quan đến dư lượng hóa chất mà họ không thể kiểm soát.

Những nút thắt trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu rau quả của Việt Nam dường như ngày càng rõ ràng hơn.

Hưng Yên là tỉnh có truyền thống sản xuất và xuất khẩu rau quả ở miền Bắc (có lẽ chỉ sau Bắc Giang mới nổi trong thời gian gần đây). Tuy nhiên, những khởi xướng hợp tác giữa các doanh nghiệp nhằm hạn chế cạnh tranh, tạo vùng nguyên liệu ổn định (thông qua mặt bằng giá chung cho người sản xuất) vào năm 2007 đã thất bại.

Trong số 13 doanh nghiệp xuất khẩu, chỉ có 2 doanh nghiệp chấp nhận trả giá mua nông sản cho dân cao hơn 10% so với giá thị trường. Người dân ở các vùng nguyên liệu truyền thống bởi vậy đã dần từ bỏ các hợp đồng sản xuất cho công ty chế biến/xuất khẩu. Thay vì đó, họ sản xuất tự do hoặc tìm kiếm việc làm phi nông nghiệp (với mức lương ít ỏi và đầy rủi do) thay thế.

Một doanh nghiệp ở Hưng Yên xuất dưa chuột muối sang Nhật thừa nhận đã chấp nhận trả dân giá mua dưa năm 2008 cao hơn 60% so với giá mua năm 2007, nhưng đã không níu kéo được người dân quay lại với sản xuất dưa xuất khẩu.

Tương tự, một doanh nghiệp ở Hải Dương cho hay vào năm 2001, khi doanh nghiệp mới thành lập, 80% lượng dưa chuột và dưa bao tử doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn gốc trong tỉnh, tuy nhiên hiện tại chỉ khoảng 20% (mặc dù lượng xuất khẩu tăng không đáng kể). Vùng nguyên liệu địa phương bị thu hẹp buộc các doanh nghiệp phải mở rộng sang các tỉnh khác như Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc... Trong điều kiện này, không chỉ tăng chi phí vận chuyển, tăng rủi ro bảo quản sản phẩm, mà còn hạn chế khả năng của doanh nghiệp trong quản lý chất lượng nông sản, đặc biệt liên quan đến việc sử dụng hoá chất của người dân.

Trong quan hệ với người sản xuất, các doanh nghiệp chế biến/xuất khẩu đã chủ động cấp vốn và tập huấn kỹ thuật cho dân. Nhưng hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp đều không thể kiểm soát các hoạt động sản xuất của người dân (như bón phân, sử dụng thuốc BVTV, thuốc kích thích sinh trưởng v.v.), do đó, không thực sự kiểm soát được chất lượng nông sản. Khi thị trường thuốc BVTV hỗn loạn như đã thấy suốt thời gian qua, không kiểm soát được việc sử dụng thuốc của người dân đồng nghĩa với rủi ro về dư lượng hóa chất trong sản phẩm.

Bởi vậy, chừng nào mà các cơ quan ngành nông nghiệp (và quản lý thị trường) không kiểm soát được thị trường thuốc bảo vệ thực vật, nông sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ không chỉ đối mặt với những thách thức trong tiếp cận thị trường cao cấp hơn (các nước phát triển) mà còn là những rủi ro ở chính thị trường xuất khẩu truyền thống của mình.

Hiện tại hầu hết mặt hàng rau quả của Việt Nam được xuất sang các nước mà thị trường nội địa có tổ chức lỏng lẻo và thiếu kiểm soát về chất lượng như Trung Quốc.

Việc tập trung xuất khẩu vào các thị trường này giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu (về mặt lượng) hơn là thực sự "thâm nhập" vào chuỗi cung nông sản toàn cầu (về mặt chất và lượng), đặc biệt là thị trường các nước phát triển.

Hệ thống quản lý nhà nước thiếu hiệu quả là nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu vắng những quan tâm đầu tư và các hậu thuẫn cần thiết cho ngành nông nghiệp nói chung và các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nông sản Việt Nam nói riêng trong tiếp cận và thâm nhập sâu rộng hơn vào chuỗi cung nông sản toàn cầu. Không thâm nhập được vào thị trường các nước phát triển, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam không chỉ bỏ lỡ cơ hội lợi nhuận tốt hơn mà còn là các cơ hội (và sức ép) để tự cải thiện các tiêu chuẩn và tính chuyên nghiệp của mình.

Theo Phạm Văn Hội
VEF

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm