Hãy nói về biển Đông với người trẻ

Hơn lúc nào hết, khát vọng thỏa mãn thông tin của giới trẻ ngày càng lên cao khi biển Đông vẫn vọng về “âm thanh gây hấn” của Trung Quốc...

Điều đó đặt ra vấn đề hết sức nghiêm túc và cần thiết: “báo chí và truyền thông cần làm gì cho người dân hiểu đúng bản chất vấn đề Biển Đông”.

 

Luôn cháy rực lòng yêu nước

 

Từ ngàn xưa, ngọn lửa yêu nước đã luôn cháy rực trong trái tim của mỗi người dân Việt. Mỗi khi Tổ quốc cần, ngọn lửa ấy lại bùng lên mãnh liệt. Đó là một thực tế đã được chứng minh hàng ngàn năm, không thể chối cãi.

 

Khi tình hình diễn biến biển Đông phức tạp, lòng yêu nước đó ngày càng được thể hiện rõ ràng. Mỗi sự kiện báo chí đưa tin về vấn đề biển Đông luôn thu hút số lượt đọc khổng lồ từ người dân, nhất là giới trẻ.

 
Chắc tay súng canh giữ biển đảo quê hương. (nguồn: Internet)
Chắc tay súng canh giữ biển đảo quê hương. (nguồn: Internet)
 

Thể hiện cảm xúc yêu nước của mình, anh Nguyễn Thanh Duy, 25 tuổi cho biết: “Mỗi lần mở báo mạng ra, mình luôn xem tin về biển Đông đầu tiên, có những bài mình đọc không sót một chữ. Mình cũng biết một số bạn trẻ thường xuyên quan tâm tới việc này, nhiều diễn đàn đã được tổ chức để bàn bạc chia sẻ hiểu biết về vấn đề biển Đông”.

 

Tỏ ra bức xúc trước hành động gây hấn của Trung Quốc, chị Hoàng Mỹ Ngọc 22 tuổi, SV trường ĐH Tài nguyên môi trường cho biết: "Mình thường xuyên theo dõi vấn đề này.

 

Mình không thể chấp nhận được hành động ngang nhiên của Trung Quốc khi đơn phương thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông rồi lại tự ý đưa 30 tàu vào Trường Sa để đánh bắt cá”.

 

 

Bảy tỏ lòng yêu nước của mình anh Hoàng Danh Nam- Chủ tịch công đoàn một công ty thủy sản Vũng Tàu cho biết: “Thực sự lòng yêu nước của người Việt Nam ở trong thời kỳ nào cũng rất quật cường, họ có tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm rất cao trong việc bảo vệ dân tộc”.

 

Khi trao đổi với chúng tôi về vấn đề biển Đông, hầu đa các bạn trẻ đều bày tỏ tình yêu nước của mình. Tuy nhiên, họ cũng hiểu rằng, họ mới có tình yêu nước nồng nàn, họ còn thiếu sự am hiểu về vấn đề này. Họ cũng bày tỏ khát vọng được tìm hiểu sâu sắc, đầy đủ bản chất về vấn đề Biển Đông.

 
Tàu cá Trung Quốc gây hấn biển Đông. (nguồn: Internet)
Tàu cá Trung Quốc "gây hấn" biển Đông. (nguồn: Internet)
 

Và khát khao thỏa mãn thông tin về Biển Đông

 

Tỏ ra thiếu thốn những hiểu biết về vấn đề Biển Đông, bạn Lê Ngọc Hương, nhân viên văn phòng cao cấp của một công ty nước ngoài tại Hà Nội, cho biết: “Thông tin về biển Đông thì mình cũng biết sơ bộ.

 

Có lẽ vì biển Đông quá gắn bó với Việt Nam, nên những thông tin về biển Đông như vị trí địa lý, tiềm năng kinh tế… thì người Việt Nam đều có thể nắm được nhưng hiểu về vấn đề tranh chấp Biển Đông cặn kẽ trên cơ sở các sự kiện và pháp lý thì không phải ai cũng biết. Nếu bây giờ phải nói vấn đề này với bạn bè nước ngoài, mình nghĩ mình chưa đủ tự tin, nhưng mình sẵn sàng học hỏi và tìm hiểu thêm”.

 

Cùng chung cảm giác thiếu thông tin về biển Đông, anh Nguyễn Việt Cường, Giám đốc một công ty công nghệ tại Hà Nội, cho biết: “Về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông giữa Việt Nam, Trung Quốc và một số quốc gia ASEAN, tôi cũng nắm được một số thông tin.

 

Tôi hiểu đơn thuần Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý, lịch sử khẳng định chủ quyền biển đảo. Tôi cũng biết Việt Nam có kho chứng lý chắc chắn về vấn đề này nhưng sự hiểu biết về pháp luật biển của chúng tôi còn hạn chế, hiểu biết về chứng lý lịch sử của chúng tôi vẫn còn chưa hệ thống.

 

Tôi nghĩ Nhà nước cần tạo điều kiện cho chúng tôi được tiếp cận sâu về vấn đề này, các phương tiện truyền thông cần cung cấp cho chúng tôi thông tin hàng ngày diễn ra trên biển”.

 

Phân định các vùng biển, lãnh hải, thềm lục địa theo Công ước Luật biển 1982. (nguồn: Internet)
Phân định các vùng biển, lãnh hải, thềm lục địa theo Công ước Luật biển 1982. (nguồn: Internet)

 

Bày tỏ sự thiếu thốn thông tin về biển Đông khi đang du học tại Pháp, chị Hoàng Thảo Vân, một DHS Việt Nam đang theo học thạc sỹ lại cho biết: “Mình ở bên này, tiếp cận rất ít thông tin về Biển Đông.

 

Nhiều lúc gặp bạn lưu học sinh Trung Quốc họ nói rất nhiều về vấn đề này, cũng thấy nhiều cái vô lý nhưng vì ít tiếp cận thông tin từ phía Việt Nam, thông tin trên mạng còn manh mún, nhỏ lẻ nên mình muốn sẽ có một trang hệ thống lại chứng lý về Hoàng Sa, Trường Sa để mình sẽ tranh luận với họ cho họ hiểu”.

 

Trao đổi với PV, Nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy, Nguyên Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu cho rằng: “Chúng ta chưa tuyên truyền bài bản về vấn đề biển Đông nên người dân chưa có điều kiện để hiểu rõ, hiểu sâu vấn đề này”.

 

Cũng bàn về vấn đề nhận thức của nhân dân về biển Đông hiện nay, Tiến sĩ Trần Công Trục- Nguyên Trưởng ban Biên giới của Chính phủ khẳng định: “Nhận thức về Biển Đông của người dân Việt Nam mới chỉ được đánh thức, còn tỉnh hay chưa, theo tôi là chưa tỉnh”.

 

Ông cũng nói thêm: ‘Lòng yêu nước rất đáng quý, đáng trân trọng nhưng cần phải được trang bị hiểu biết về vấn đề Biển Đông một cách đầy đủ, cần hiểu bản chất vấn đề này thì mới có thể đấu tranh hiệu quả cho chủ quyền Tổ quốc”.

 

Theo Infonet