Hàng Trung Quốc sắp... hết thời

Giá rẻ nhưng chất lượng kém, hàng Trung Quốc (TQ) mất điểm trầm trọng đối với người tiêu dùng. Nhiều cửa hàng, shop kinh doanh đang phải “đại hạ giá” để thanh lý hàng TQ.

“Sale off” vẫn ế

Dọc theo các tuyến đường Hồng Bàng, Kinh Dương Vương, An Dương Vương (quận 6, quận 11 - TPHCM) trước đây bày bán rất nhiều giày dép, giá trên dưới 200.000 đồng/đôi. Gần đây, cũng những mặt hàng này nhưng giá chỉ còn vài chục đến trên 100.000 đồng/đôi, chỉ lèo tèo vài người khách ghé coi hàng.
 
Một người bán hàng tại đây cho biết giày dép chủ yếu là hàng Đài Loan nhưng thực chất là “made in China”; sở dĩ phải hạ giá bán vì ế ẩm quá, hàng tồn nhiều.
 
Quần áo TQ giá rẻ, chất lượng kém ngày càng khó bán. Ảnh: XUÂN THẢO

Quần áo TQ giá rẻ, chất lượng kém ngày càng khó bán. Ảnh: XUÂN THẢO

Còn tại shop Grace trên đường Hồ Tùng Mậu - quận 1, rất nhiều mẫu giày dép được chủ cửa hàng khẳng định là xách tay từ Mỹ. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm trong đó có gắn chữ “made in China”. Thấy chúng tôi thắc mắc, nhân viên bán hàng ở đây liền giải thích là hàng TQ gia công, xuất sang Mỹ nên chất lượng rất khác hàng TQ! Mặc dù đã giảm giá 50% nhưng cửa hàng vẫn sẵn sàng giảm giá thêm cho khách.
Chúng tôi mua được đôi giày Aldo giá 400.000 đồng (giá bán 1 triệu đồng, giảm 50% còn 500.000 đồng và cửa hàng giảm thêm 100.000 đồng). “Tâm lý khách hàng thay đổi so với trước, giờ hàng họ ghi xuất xứ TQ rất khó bán nên cửa hàng tụi em giảm giá, bán cho hết đợt hàng này rồi “từ giã” hàng TQ luôn”- cô nhân viên ở đây nói.

Khách chê hàng Trung Quốc

Chị Thủy, chuyên kinh doanh túi xách, phụ kiện thời trang tại Trung tâm Thương mại An Đông, quận 5 - TPHCM, thường xuyên lấy hàng từ Quảng Châu - TQ để bán lẻ và bỏ sỉ lại cho các cửa hàng trong TP, cho biết trước đây người mua cứ thấy hàng đẹp là chọn, không quan tâm đến xuất xứ. Nhưng gần đây đa số khách hàng đều hỏi kỹ nguồn gốc hàng, có người chọn quần áo xong, biết là hàng TQ thì kiên quyết không mua. “Tôi phải nói dối là Đài Loan, Hồng Kông cho dễ bán nhưng khách “soi” rất kỹ nên khó qua mặt được” - chị Thủy thừa nhận.

Chuyên “đánh” đồng hồ, quần áo Trung Quốc ở cửa khẩu Móng Cái, chị Phạm Thị Hồng, quê ở Gia Lai, cho hay trước đây tháng nào chị cũng lấy hàng 1-2 lần, hàng về bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Tuy nhiên, nửa năm nay, một, hai tháng mới đi lấy một lần và chỉ lấy theo đơn đặt hàng của khách chứ không mua đại trà như trước nữa vì sợ “ôm” hàng. Chủ shop quần áo Châu trên đường Bình Phú, quận 6 - TPHCM cho hay nhiều năm nay shop chuyên bán hàng TQ, khách mua tấp nập nhưng gần đây người mua ngày càng thưa thớt.

Không chỉ các cửa hàng đang chật vật “đẩy” quần áo, giày dép TQ mà tại các siêu thị, hàng TQ cũng giảm đáng kể. Cuối tuần rồi, tại BigC An Lạc, nhiều sản phẩm chén, tô… quần áo hàng TQ được đưa ra gian hàng bên ngoài để bán. Nhiều người đến xem hàng nhưng thấy ghi xuất xứ TQ thì bỏ đi, không mua. Các mặt hàng trái cây, hành tỏi của TQ cũng ít xuất hiện, thay vào đó là các loại trái cây nội hoặc của Thái Lan.
 

Theo giới kinh doanh, người tiêu dùng đang có xu hướng tẩy chay hàng TQ. Song song đó, vì chạy theo yêu cầu giá rẻ, chất lượng hàng TQ bán trên thị trường ngày càng tệ. Đặc biệt hàng may mặc, giày dép chỉ được hình thức bắt mắt, còn chất liệu và chất lượng rất tệ.

 
Theo Phạm Đình
Người Lao Động