Giải quyết hậu quả với vàng

Chỉ trong 5 ngày từ 6 đến 11/8, giá vàng trong nước đã tăng gần 10% lên mức 46 triệu đồng /lượng, và tăng lên trên mức 47 triệu đồng/lượng trong vòng 2 ngày cuối tuần.

Không chỉ tuần qua mà suốt nhiều tháng nay, việc giá vàng ngày càng tăng cao đã khiến những người vay vàng lẫn ngân hàng mệt mỏi để giải quyết hậu quả từ những khoản vay vàng.

 

Thông thường, dư nợ vay bằng vàng của khách hàng trên tài sản đảm bảo tại các ngân hàng sẽ ở vào khoảng 50%- 60%. Nếu giá vàng tăng khiến cho dư nợ tăng theo thì tỷ lệ dư nợ vàng trên tài sản đảm bảo sẽ không đảm bảo mức trên nữa, lúc đó ngân hàng sẽ yêu cầu khách hàng bổ sung tiền hoặc tài sản đảm bảo để kéo tỷ lệ này xuống.

 

Trong đợt sốt giá vàng vừa qua, giá vàng tăng đến 5 triệu đồng một lượng chỉ trong vòng 3 ngày khiến nhiều người không thể bổ sung nổi tài sản đảm bảo, thế là ngân hàng buộc phải xử lý, tức bán tài sản đảm bảo đi để thu hồi nợ. Có nhiều ngân hàng cũng châm chước cho khách hàng quen của mình bằng cách để tỷ lệ trên lên cao rồi mới quyết định xử lý.

 

Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TPHCM cho biết ngân hàng của ông chủ yếu là cho các doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức vay vàng để sản xuất và bán, khi giá vàng lên nhanh nhiều người không kịp nộp tiền vào thì ngân hàng cũng thông cảm chờ. “Ít nhất tỷ lệ dư nợ vàng trên tài sản đảm bảo lên đến 85%- 90% thì ngân hàng mới xử lý”, ông nói.

 

Tổng giám đốc một ngân hàng có thế mạnh về vàng tại TPHCM cho biết cách đây vài tháng ngân hàng đã cảnh báo những khách hàng vay vàng của mình về việc vàng có thể tăng giá mạnh thời gian tới và khách hàng nên tính toán để giảm thiểu rủi ro cho mình khi vàng tăng giá.

 

“Thế nhưng họ thấy lãi suất cho vay vàng thấp trong khi vay tiền đồng cao quá nên vẫn không chịu chuyển sang nhận nợ tiền đồng, cho nên ngân hàng cũng chịu thôi!”, ông nói. Lãi suất vay vàng tại ngân hàng này chỉ 4%/năm.

 

Trong lúc giá vàng tăng mạnh, các ngân hàng cũng tạo điều kiện giúp khách hàng giảm lỗ trong các khoản vay vàng bằng việc hỗ trợ để khách hàng chuyển hết hoặc chuyển một phần dư nợ sang tiền đồng, và liên tục gia hạn các khoản nợ vàng cho khách hàng để hy vọng khi giá vàng giảm họ sẽ mua vàng trả nợ với giá thấp hơn. Hiện tại, ngân hàng này và các ngân hàng khác vẫn đang tiếp tục thu hồi các khoản nợ vay bằng vàng của khách hàng nhưng công việc này sẽ không dễ dàng nếu giá vàng còn tiếp tục tăng.

 

Vị tổng giám đốc trên cho biết cũng có nhiều người chây ì ra, không trả và để ngân hàng tự xử lý luôn, như vậy những khoản nợ này sẽ bị đưa vào nợ xấu của ngân hàng.

 

Không chỉ người vay vàng, ngay cả các ngân hàng vẫn chưa thực hiện việc chuyển số vàng trước đây bán lấy tiền đồng thành vàng trở lại. Việc chuyển này Ngân hàng Nhà nước đã buộc phải thực hiện xong vào cuối tháng 6-2011 nhưng theo ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TPHCM, cho đến hôm nay 18-8 vẫn còn 4-5 ngân hàng tại TPHCM chưa thực hiện xong việc chuyển đổi này.

 

Với việc giá vàng tăng cao như hiện nay, các ngân hàng sẽ bị lỗ khi chuyển ngược tiền thành vàng trở lại nhưng ông Hạnh cho rằng khi đến hạn người dân rút vàng ra thì ngân hàng cũng phải trả lại hết. Ông Hạnh cho biết đã báo cáo các ngân hàng chưa thực hiện việc chuyển tiền đồng thành vàng trở lại cho Ngân hàng Nhà nước nhưng hiện vẫn chưa nhận được chỉ đạo gì từ trên.

 

Hiện tại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã không thể cho vay vàng nữa, còn huy động vàng bằng cách phát hành chứng chỉ vàng thì có thể được tiếp tục thực hiện từ nay đến tháng 5/2012. Sau thời điểm đó, hoạt động huy động và cho vay vàng của ngân hàng sẽ chấm dứt.

 

Theo Ngân hàng Nhà nước TPHCM, tính đến ngày 30/6, thành phố có 14 ngân hàng còn thực hiện huy động và cho vay vàng, với tổng huy động vàng nằm trong các ngân hàng là gần 2,43 triệu lượng và tổng dư nợ vàng khoảng 1,12 triệu lượng.

 

Theo Thủy Triều

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm