Thanh Hóa:
Gần 8 năm đi kiện đòi suy tôn liệt sỹ cho chồng
(Dân trí) - Gần 8 năm qua, bà Bùi Thị Hồng, thôn Hưng Long, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân cầm đơn “gõ cửa” nhiều cơ quan kiến nghị đòi quyền lợi cho chồng mình là thương binh, đã chết do vết thương chiến tranh tái phát. Nhưng đến nay việc vẫn chưa được giải quyết.
Theo phản ánh của bà Bùi Thị Hồng, ở thôn Hưng Long, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân, đã 8 năm qua, bà đã nhiều lần mang đơn “gõ cửa” chính quyền địa phương đề nghị giải quyết chế độ chính sách cho chồng bà nhưng vẫn chưa được.
Chồng bà là ông Quách Công Tân (sinh năm 1958), từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, bị cụt chân trái, theo kết quả giám định của cơ quan chức năng, ông Tân bị mất sức lao động 61%.
Ngày 7/4/2004, ông Tân vào Bệnh viên Đa khoa huyện Thường Xuân điều trị do đau đầu, cẳng chân cụt (chỗ vết thương cũ) liên tục rỉ máu, sưng tấy. Sau khi nhập viện điều trị, do tình trạng sức khoẻ ông Tân nguy kịch, bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân quyết định điều xe và bác sĩ chuyển ông Tân lên tuyến trên. Tuy nhiên, trên đường đi đến khu vực thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn thì ông Tân chết trên xe cứu thương.
Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân cũng đã có đầy đủ hồ sơ và công nhận thương binh Quách Công Tân chết do “Shock nhiễm trùng, nhiễm độc nặng do vết thương tái phát”.
Sau đó, gia đình ông Tân đã làm hồ sơ đề nghị chính quyền địa phương xét làm chế độ cho ông Tân. Tuy nhiên sau khi tiếp nhận hồ sơ, xã Ngọc Phụng vẫn không làm chế độ chính sách cho ông Tân. Trong quá trình làm hồ sơ, cán bộ xã Ngọc Phụng đã cố tình viện ra nhiều lý do để phủ nhận chế độ liệt sĩ mà Nhà nước quy định cho gia đình nạn nhân.
Xét theo Nghị định 28-CP năm 1995 của Chính phủ, thương binh bị giảm khả năng lao động từ 21% trở lên mà chết tại các bệnh viện tuyến huyện trở lên do vết thương chiến tranh tái phát thì được suy tôn liệt sĩ, hưởng chế độ như liệt sĩ (từ năm 2006, Nghị định 28 được thay thế bằng Nghị định 54/2006/NĐ/CP, phải điều trị và chết ở bệnh viện tuyến tỉnh mới được hưởng chế độ như liệt sĩ).
Theo quy định tại điểm h, Điều 11, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với Cách mạng của UB Thường vụ Quốc hội số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29/6/2005 quy định: “Thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 19 của Pháp lệnh này chết vì vết thương tái phát”, thì được suy tôn là Liệt sĩ.
Để tìm hiểu cụ thể sự việc, phóng viên đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Ngọc Phụng. Sau khi xem xét hồ sơ và các bằng chứng do phóng viên cung cấp, lãnh đạo xã Ngọc Phụng đều khẳng định: Theo hồ sơ, thương binh Quách Công Tân xứng đáng được suy tôn liệt sĩ, vợ con ông Tân xứng đáng được hưởng chế độ theo quy định của Nhà nước.
Nhưng theo ông Đào Đức Đảm, cán bộ chính sách xã Ngọc Phụng, vụ việc không được giải quyết là vì ông Quách Công Tân chết là do say rượu, bị ngã chết tại nhà chứ không phải điều trị vết thương tái phát tại bệnh viện? Có lúc ông Đảm lại nói chết do bị cảm. Khi phóng viên trình hồ sơ và bệnh án của bệnh viện với dấu đỏ, ông Đảm khẳng định đó là hồ sơ giả?
Để làm rõ nhận định về “hồ sơ giả” như nhận định của ông Đảm, chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân. Qua xác minh, tất cả các thủ tục, hồ sơ gốc và cả chữ ký các bác sĩ đã điều trị cho bệnh nhân Quách Công Tân vào ngày 7/4/2004 đều rất khớp, rõ ràng và đúng quy trình, thủ tục.
Trao đổi với phóng viên, ông Cầm Bá Thể, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thường Xuân khẳng định: “Việc bệnh nhân chết trên đường chuyển lên tuyến tỉnh nhưng có bác sĩ của bệnh viện đi cùng trên xe cứu thương của bệnh viện thì thủ tục ghi là điều trị và chết tại bệnh viện là việc bình thường, không có gì sai”.
Một lý do nữa mà ông Đảm đưa ra là, ông Tân chết tại thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn chứ không phải chết tại Bệnh viện Đa khoa Thường Xuân. Trên thực tế, khi tình trạng sức khoẻ ông Tân nguy kịch, bệnh viện quyết định điều xe và bác sĩ chuyển bệnh nhân Quách Công Tân xuống viện tỉnh. Trên đường đi đến thị trấn Rừng Thông thì ông Tân chết. Bệnh viện cho chở xác ông Tân quay về và làm thủ tục báo tử tại bệnh viện.
Trao đổi với ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thường Xuân, ông Phương cho biết: “Xã Ngọc Phụng không báo cáo sự việc, chúng tôi hoàn toàn không hay biết. Tôi sẽ báo cáo UBND huyện, tổ chức điều tra, xem xét, nếu đúng chế độ phải giải quyết ngay cho gia đình bà Hồng”.
Ông Cầm Bá Đứng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, cũng khẳng định: “Những người như ông Tân đã cống hiến một phần thân thể cho đất nước. Bản thân ông và gia đình đã chịu mất mát không gì có thể bù đắp được. Nếu đúng đối tượng hưởng chế độ, không thể vì lý do gì mà không giải quyết cho họ. Chúng tôi sẽ chỉ đạo ngành chức năng vào cuộc ngay”.
Hoàng Trung - Duy Tuyên