Đà Nẵng:
Gần 500 tiểu thương đối thoại “nảy lửa” với Sở Công thương TP
(Dân trí) - Hầu hết các tiểu thương đều mong muốn khi di dời đến nơi buôn bán mới, họ phải được đảm bảo về mọi chính sách, tiền thuê mặt bằng, thuế má… để yên tâm làm ăn buôn bán.
Sau lời phát biểu về các vấn đề khi dời chợ của Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng - ông Lữ Bằng - hàng chục cánh tay của tiểu thương đưa lên mong được phát biểu những băng khoăn của mình.
Nhiều tiểu thương đã chuẩn bị sẵn văn bản dài với hàng chục thắc mắc, đọc rành mạch cho lãnh đạo ngành công thương nghe. Hầu hết các ý kiến đều nêu băn khoăn về giá thuê mặt bằng tại địa điểm buôn bán mới. Đặc biệt, bà con tiểu thương rất boăn khoăn khi chợ vốn đang được Nhà nước quản lý nay lại chuyển cho một công ty tư nhân (Công ty Nguyễn Kim)...
Sở dĩ tiểu thương rất băn khoăn vì Chợ siêu thị (khu B) mà họ đang buôn bán này đã được gom từ nhiều chợ lại với nhau trên địa bàn TP Đà Nẵng trong quá trình chỉnh trang lại bộ mặt đô thị Đà Nẵng.
Tuy nhiên, khi dời vào đây, nhiều năm qua công việc làm ăn của tiểu thương rất ế ẩm, nhất là các hộ tiểu thương ở các tầng trên. Hơn nữa, khi khu B này được quản lý bởi Công ty Bài Thơ (quản lý siêu thị Bài Thơ tại địa điểm này, còn gọi là khu A) thì xảy ra nhiều mâu thuẫn giữa chủ đầu tư với bà con tiểu thương, nay chuyển chủ đầu tư mới nên bà con cũng mang nhiều lo âu.
Bà Hiền cũng cho rằng khi một cá nhân hay tổ chức bỏ vốn xây dựng rồi khai thác và cho thuê mặt bằng, các phí dịch vụ đảm bảo có lợi và thu hồi vốn đầu tư một cách nhanh nhất thì các khoản đầu tư đó đều đổ lên đầu chị em tiểu thương chúng tôi thông qua giá cho thuê mặt bằng và phí dịch vụ là đương nhiên.
Rất nhiều tiểu thương phản đối rằng nếu việc di dời mà không được giải quyết rõ ràng, ổn thỏa thì họ sẽ cương quyết không di dời.
Đại diện Công ty Nguyễn Kim Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT - ông Đoàn Minh Thư - cho rằng việc hôm nay gặp bà con tiểu thương là để chủ đầu tư cũng như Sở Công thương cùng nhau bàn bạc để đi đến thống nhất những vấn đề khúc mắc trong quá trình di dời qua địa điểm kinh doanh mới. Nếu có gì khúc mắc thì cùng nhau ngồi lại trao đổi tiếp để tiểu thương không bị thiệt thòi.
Phó Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng, ông Lữ Bằng cho rằng đây là chủ trương của TP Đà Nẵng và hy vọng đây là cuộc gặp cuối cùng với bà con tiểu thương. Tuy nhiên ông cũng cho biết sắp đến Sở Công thương phối hợp với các đơn vị liên quan phát phiếu thăm dò ý kiến của bà con rồi từ đó tập hợp lại để trình các cấp thẩm quyền quyết định lần cuối.
Ông Lữ Bằng cũng khẳng định việc di dời chợ sang địa điểm mới sẽ không có gì thay đổi về giá dịch vụ, các quầy hàng cũng được bố trí theo yêu cầu của từng ngành hàng và theo nguyện vọng của bà con, BQL cũng vẫn như cũ khi chuyển giao cho đơn vị quản lý mới là Công ty Nguyễn Kim…
“Việc di dời chợ trước ngày 1/12 là chúng tôi đã cân nhắc vì thời gian này là vào mùa buôn bán cuối năm, nếu để qua tết mới di dời thì việc buôn bán sẽ còn khó khăn hơn vì là mùa thấp điểm. Chính quyền thành phố sẽ hết sức tạo điều kiện để bà con tiểu thương ổn định buôn bán lâu dài. Ai quản lý cũng được nhưng phải theo nguyện vọng của chị em tiểu thương ở đây”, ông Lữ Bằng kết luận.
Khu siêu thị Bài Thơ cũ có diện tích hơn 15.400m2 tọa lạc tại số 46 Điện Biên Phủ (quận Thanh Khê) được Công ty CP thương mại Nguyễn Kim (TP HCM) mua lại và đầu tư thành khu Trung tâm thương mại. Trước đây, tại đây có hai phần gọi là khu A và B. Khu A được Công ty Bài Thơ cải tạo xây dựng thành siêu thị Bài Thơ phía mặt tiền đường Điện Biên Phủ. Khu B phía sau lưng (mặt tiền đường Võ Văn Tần) dành cho 497 hộ tiểu thương ở các chợ được di dời vào đây kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, việc kinh doanh của siêu thị Bài Thơ một thời gian không hiệu quả và được Công ty Nguyễn Kim mua lại. Khu B của bà con tiểu thương cũng kinh doanh không hiệu quả. Khi mua lại, Công ty Nguyễn Kim đã xây dựng một khu gọi là khu D ngay bên cạnh với 1 tầng hầm và 4 tầng lầu để dời toàn bộ bà con tiểu thương vào buôn bán. Khi dời xong, tại đây nhà đầu tư sẽ xây dựng thành Trung tâm thương mại cao 12 tầng, còn khu C bên cạnh cũng đang được xây dựng để Nguyễn Kim kinh doanh hàng điện máy. |
Công Bính