Gà thải TQ tràn ngập: Thảm họa không được kiểm soát

(Dân trí) - "Gà ốm, gà chết, gà thải loại cứ tuồn qua biên giới mà chẳng ai kiểm soát. Thậm chí có chợ tập trung rồi chở hàng về đó cũng không kiểm soát nổi".

Gà thải TQ tràn ngập: Thảm họa không được kiểm soát
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN, ông Trần Công Xuân cho rằng việc kiểm soát gà thải hiện nay không hiệu quả là một thảm họa với chăn nuôi trong nước (Ảnh: TBKD)
 
TS Trần Công Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN tỏ rõ bức xúc trước tình trạng gà thải loại Trung Quốc tràn ngập thị trường.
 
Gà thải tràn ngập, phải chăng chăn nuôi gia cầm trong nước không đáp ứng đủ?
 
Về sản phẩm chúng ta giá thành cao, bao giờ cũng vượt các nước trong khu vực tới 20 đến 25%. Vậy nên xuất khẩu gặp khó về giá. Vì xuất khẩu khó nên sản phẩm trong nước nguồn cung tương đối lớn, có thể đáp ứng đầy đủ thị trường trong nước.
 
Tuy nhiên chúng ta vẫn nhập khẩu, nhập khẩu chính ngạch của chúng ta cũng đã rất lớn. Bởi những hàng thải của nước ngoài như chân, cánh, đùi thì ở VN là những món khoái khẩu. Mua bên đó rất là rẻ hơn sản phẩm trong nước, nên thương lái đổ xô vào buôn.
 
Vậy gà thải nhập khẩu gây thiệt hại gì tới chăn nuôi trong nước?
 
Thiệt hại thấy rõ nhất là nâng cung trong nước lên, khiến trong nước phải bán giá thấp, người chăn nuôi chịu lỗ.
 
Nguy hiểm hơn nữa là những hàng thải qua biên giới mang bệnh tật. Đấy là thảm họa dễ dàng nhận ra nhất. Gà ốm, gà chết, gà thải loại cứ tuồn qua biên giới mà chẳng ai kiểm soát. Thậm chí chợ tập trung rồi chở hàng về đó cũng không kiểm soát nổi.
 
Như ông nói chúng ta đang không kiểm soát được việc nhập khẩu gà thải vào Việt Nam?
 
Rất khó khăn là một dải biên giới dài không kiểm soát được. Giá thành quá chênh lệch, thương lái một thì bán tại VN gấp đôi, lãi này thương lái hưởng. Việc này không phải bây giờ mới xảy ra, Hội đã nhiều lần đề nghị Chính phủ xem xét có những biện pháp thỏa đáng ngăn chặn cái này.
 
Chỉ đạo thì rất quan tâm, còn thực tiễn thì bất cập. Thể hiện ở chỗ, chưa thúc đẩy quản lý được những chuyến hàng nhập lậu qua biên giới.
 
Ước lượng, số lượng nhập khẩu trên dưới 10% tổng số đàn gia cầm. Hiện nay đàn gia cầm kiểm kê thời điểm là 300 triệu, nhưng trong 1 năm thì lên tới 900 triệu vì 1 năm thường trải qua 3 lứa gà (nuôi rồi giết mổ 3 lần). Dự báo mỗi năm khoảng trên 100 triệu con gà nhập vào Việt Nam.
 
Gà thải TQ len lỏi vào thị trường được bán tại các quán cơm dán mác gà ta
Gà thải TQ len lỏi vào thị trường được bán tại các quán cơm dán mác gà ta
 
Theo ông, nguyên nhân nào khiến việc kiểm soát gà lậu chúng ta không hiệu quả?
 
Hàng ngày hàng trăm chuyến ô tô thải loại không có nguồn gốc về các chợ, như chợ Hà Vỹ buổi sáng không biết bao nhiêu chuyến.Nếu bắt chuyến xe ấy, phạt thì số tiền rất ít nhưng tiền để xử lý cho xe gà đó như thế nào thì lại phức tạp. Tiền nhân công đào hố, tiền phun dịch tiêu hủy…
 
Những chi phí đó phức tạp tốn kém.Bởi vậy, những chốt kiểm soát đã ít, xử lý lại phức tạp thì cuối cùng nên nhắm mắt cho qua.
 
Muốn giải quyết thì phải đặt vấn đề bắt được gà lậu thì phạt cao và có nguồn kinh phí để tiêu hủy.Tất cả phải làm quyết liệt và cụ thể.
 
Thứ hai là thưởng cho người bắt được, phát hiện. Chứ hiện tại thì bắt cũng được, không bắt cũng được thì chả ai dại gì bắt để làm phức tạp thêm tình hình.
 
Qua thực tế PV khảo sát tại chợ đầu mối Hà Vỹ (xã Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội) thì gà thải TQ khi vào chợ thì đội lốt gà mía TQ, khi len lỏi vào các chợ dân sinh thì lại dán mác gà ta xịn. Trải qua hai lần nhập nhèm như vậy làm sao để phân biệt được gà thải và gà ta?
 
Gà mía bán ra thị trường là gà chưa sinh sản, tỷ lệ bán ra trên thị trường nhiều lắm chỉ độ vài % thôi, lượng cung ra hiếm lắm. Giá gà mía trên thị trường khoảng 130 nghìn đồng/kg.
 
Gà TQ là gà thải loại sau khi đẻ trứng, Loại gà này thải ra thì đồng loạt với nhau, cả xe gà trăm con như một vậy. Đặc điểm nhận dạng là gà thải thì màu lông nâu. Thứ hai là đẻ rất nhiều rồi nên lỗ hậu môn rộng, nhiều con đã rụng lông.
 
Thông Chí