Du học tại đất nước của Thành Cát Tư Hãn

(Dân trí) - Nhắc đến Mông Cổ, có lẽ phần lớn chúng ta thường nghĩ đến một dân tộc với cuộc sống du mục, phóng khoáng trên thảo nguyên. Du học tại Mông Cổ có lẽ còn xa lạ với nhiều bạn trẻ Việt Nam.

Mông Cổ có số dân chưa đến 3 triệu người, là một trong những nước lạnh nhất trên thế giới. Trong những năm gần đây kinh tế Mông Cổ đã phát triển khá tốt. Nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp chăn nuôi, khai khoáng. Là một dân tộc có lịch sử lâu dài và truyền thống văn hóa phong phú, Mông Cổ là một trong vài nước còn giữ văn hóa và truyền thống du mục từ ngàn xưa.

Hiện nay, tại Mông Cổ có khoảng 18 lưu học sinh Việt Nam đang theo học tại thủ đô Ulan Bator. Các bạn đều là du học sinh học bổng theo diện Hiệp định của Bộ GD- ĐT Việt Nam, hoặc học bổng do chính phủ Mông Cổ đài thọ, và chủ yếu học  ngành ngoại giao và nông nghiệp như thú y, công nghệ sinh học,…

Các du học sinh Việt Nam tại Mông Cổ

Các du học sinh Việt Nam tại Mông Cổ
 

Nguyễn Thị Minh Lương ( sinh viên tại Mongolian State University of Agriculture) chia sẻ về việc học của mình: “Việc học tập thì với bất kì một lưu học sinh nào, năm thứ nhất cũng là năm khó khăn nhất do  khả năng giao tiếp và vốn từ còn hạn chế. Tuy nhiên qua thời gian thì các năm sau đó  cũng dễ dàng hơn. Các thầy cô giáo bản địa cũng đa phần là các đồng môn cùng với các du học sinh Việt cách đây 40-50 năm về trước nên rất hiểu, thông cảm và giúp đỡ sinh viên nước ngoài.

Nếu được hỏi về sinh viên Việt Nam ở Mông Cổ, các thầy cô thường sẽ nói đây là những sinh viên rất chăm chỉ, cần cù. Đã có rất nhiều LHS Việt Nam để lại ấn tượng rất tốt trong lòng các thầy cô giáo bản địa về thành tích học tập, phương pháp học tập nghiên cứu và quan điểm sống”.

Ở Mông Cổ, người Việt không nhiều, chỉ có khoảng 400 người đang sinh sống và làm ăn tại Ulan Bator. Do đó tinh thần đoàn kết tương thân tương ái của cộng đồng người Việt ở đây rất cao. Hàng năm cộng đồng người Việt thường kết hợp với Đại sứ quán tổ chức  giải bóng đá giao lưu giữa sinh viên và cộng đồng người Việt.

 Các sinh viên Việt Nam tại Mông Cổ trong 1 buổi dã ngoại

 Các sinh viên Việt Nam tại Mông Cổ trong 1 buổi dã ngoại
 

Ngoài ra sinh viên Việt cũng rất tích cực tham gia các hoạt động ngoại khoá do trường, khoa tổ chức như  vệ sinh bảo vệ môi trường, trồng cây xanh quanh khuôn viên trường. Một trong những hoạt động khác không thể không nhắc tới đó là tham gia hội chợ ẩm thực quốc tế do ĐSQ các nước ở thủ đô Ulan Bator kết hợp với liên đoàn phụ nữ Bộ ngoại giao Mông Cổ tổ chức hàng năm.

“Trong hoạt động này chúng mình đã kết hợp với ĐSQ làm các món ăn truyền thống của quê hương đem bán trong hội chợ, mục đích của hoạt động này là thu quỹ cho trẻ em mồ côi ở Mông Cổ và cũng góp phần giới thiệu ẩm thức, văn hóa và hình ảnh Việt Nam tới cho bạn bè quốc tế”, Minh Lương kể.

“Theo mình cuộc sống tại Mông Cổ rất yên bình. Ở đây con người không sống xô bồ bom chen. Không chỉ với mình mà với bất kì một sinh viên Việt nào đã, đang học tập tại đây, 6 năm học sinh sống học tập trên đất nước này, ngoài kiến thức chuyên ngành tích luỹ được, ai cũng trưởng thành hơn rất nhiều từ cách sống tự lập xa gia đình, khả năng nấu ăn.

Các bạn tham gia lao động dọn vệ sinh tại ký túc xá

Các bạn tham gia lao động dọn vệ sinh tại ký túc xá
 

Tất cả sinh viên Việt Nam đều sống trong ký túc xá. Các bạn thường tự đi chợ mua thực phẩm rồi nấu cơm theo từng nhóm. Chợ ở đây khá nhiều và phổ biến, tuy nhiên sinh viên chúng mình thường chọn thực phẩm ở chợ Mercury do ở đó có hầu hết các thực phẩm Việt Nam từ nước mắm, mì chính, bánh đa nem, bún phở khô”, Lương nói.

Minh Lương cũng mạnh dạn chia sẻ về những khó khăn trong cuộc sống du học của mình tại một trong những đất nước lạnh nhất thế giới này. Ví dụ như thời tiết tại Mông Cổ rất khắc nghiệt, và tại đất nước này cũng có một số người bản địa có tư tưởng bài trừ người nước ngoài.

“Một khó khăn không thể bỏ qua đó là sinh hoạt  phí quá thấp. Khủng hoảng kinh tế, lạm phát,… làm cho giá cả leo thang chóng mặt vậy mà  sinh hoạt phí của du học sinh diện Hiệp định của chúng mình ở đây trong 4 năm chỉ tăng thêm 24 $. Hiện giờ một tháng mỗi sinh viên chỉ nhận được 144$ do Bộ GD&ĐT chuyển sang và phải 6 tháng mới nhận được một lần. Do đó chúng mình hầu hết phải thường xuyên cầu cứu gia đình”.

Ngân Giang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm