Nghệ An

Điêu đứng sinh viên tìm nhà trọ sau Tết

(Dân trí) - Thành phố Vinh hiện có 3 trường đại học, 1 phân hiệu đại học, cùng nhiều trường cao đẳng, trường trung học chuyên nghiệp, trung tâm dạy nghề với hàng vạn sinh viên theo học. Theo đó, sau Tết sinh viên điêu đứng đi... tìm nhà trọ.

Điêu đứng sinh viên tìm nhà trọ sau Tết - 1
Ra tết sinh viên điêu đứng tìm phòng trọ.

Trong đó, đa phần sinh viên đều đến từ nhiều địa phương khác nhau, chính vì thế nhu cầu nhà trọ đối với sinh viên là rất lớn. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ Tết, nhiều chủ nhà trọ quyết định tăng giá, khiến không ít sinh viên gặp khó khăn, phải nháo nhác đi tìm phòng trọ khác phù hợp với điều kiện của mình. Nhưng từ nhu cầu thực tế này đã vô tình gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý sinh viên ngoại trú của nhà trường và chính quyền sở tại.

Trường hợp của Lê Kiều Ly (SV năm thứ nhất, trường ĐH Vinh), do lạ nước lạ cái, không có người thân ở đây nên đã không tìm được cho mình một phòng trọ ưng ý, phải ở ghép với mấy người khác lớp, khác khoa.
 
Hơn nữa, phòng trọ chưa đầy 8m2 mà Ly cùng người bạn đã phải trả mỗi người 250 nghìn, ra năm chủ trọ đòi tăng thêm mỗi người 100 nghìn nữa. Chính vì thế mà, dù đến ngày 14/2 (12/AL) mới đến ngày trở lại trường, nhưng từ mồng 6 tết Ly đã phải xuống Vinh để tìm nhà trọ. Sau mấy ngày vất vả, cuối cùng cô cũng tìm được phòng trọ ở phường Bến Thủy, mặc dù giá phải trả hàng tháng là gấp đôi so với trước đây.

Hay Nguyễn Quang Thăng (ở Đô Lương, hiện là SV năm thứ 3 trường ĐH SPKT Vinh), cũng xuống sớm hơn lịch học để tìm nhà trọ, nhưng khác với Ly, đây là lần thứ 3 Thăng tìm để chuyển nhà trọ. Khi chuẩn bị về tết thì chủ trọ "ra tối hậu thư" rằng ra năm tiền nhà sẽ tăng thêm 100.000 đồng, (từ 500.000 lên 600.000), cùng với đó tiền điện, tiền nước, tiền vệ sinh cũng tăng theo. Điều đó đồng nghĩa với việc nhu cầu chi tiêu sẽ bị hạn hẹp hơn, chính vì thế Thăng đã chủ động ra đi để tìm một phòng trọ vừa tầm mới mong các khoản chi hàng tháng không phình ra, trong khi tiền chu cấp của bố mẹ ở quê thì vẫn thế.

Có nhiều lý do để sau tết sinh viên phải tất bật đi tìm phòng trọ, như chỗ trọ cũ quá ồn ào, an ninh trật tự không đảm bảo,... nhưng lý do chính là do giá tiền phòng tăng nhanh một cách quá vô lý mà các chủ nhà trọ đưa ra. Đến nỗi, đây gần như đã trở thành điều tất yếu diễn ra hàng năm, đặc biệt sau tết.
 
Đó là chưa kể đến việc các khoản chi tiêu khác cũng đang rục rịch tăng giá. Trong khi thông tin về việc nhà nước tăng giá điện chưa được tuyên bố chính thức thì nhiều chủ trọ đã chủ động "tăng trước đón đầu", với mỗi số trước đây là 2000 đồng thì nay lên thành 3000 đồng.
Tiền nước cũng thế, từ mỗi đầu người 30.000 đồng lên 50.000 đồng. Với những người thuê nhà trọ đang là sinh viên, tằn tiện lắm hàng tháng họ cũng phải bỏ ra trên 600 nghìn đồng cho các chi phí về nhà ở (chiếm hơn 1 nửa khoản phụ cấp từ gia đình), chưa kể khoản tiền ăn, tiền học, tiền mua sắm tài liệu học tập.

Điêu đứng sinh viên tìm nhà trọ sau Tết - 2
Nỗi lo phòng trọ sau tết...

Những tưởng chuyện sinh viên thay đổi chỗ ở là chuyện bình thường, nhưng trên thực tế điều này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của chính sinh viên và với công tác quản lý của nhà trường, của chính quyền địa phương sở tại nơi sinh viên cư trú.

Thứ nhất, với việc thay đổi chỗ trọ liên tục (có thể là 2 đến 3 lần trong một học kỳ), ở nhiều nhà trọ, trên các địa bàn các phường khác nhau sẽ làm cho học sinh không thể có được đánh giá của chính quyền địa phương vào sổ quản lý sinh viên ngoại trú mà nhà trường phát cho mỗi sinh viên đầu năm học. Bởi vì mỗi học kỳ chỉ đóng dấu một lần, nếu thay đổi phòng trọ ở hai phường khác nhau thì sẽ không phường nào chấp nhận xác nhận cho sinh viên đó.

Thứ nữa, với muôn vàn điều luật bất thành văn ở mỗi nhà trọ như phải đóng tiền trước nhiều tháng, đóng một lần trong một kỳ, thậm chí là phải đóng tiền phạt khi tự ý trả phòng mà không thông báo trước vài tháng (thường là chủ trọ vin vào lý do nếu sinh viên trả phòng giữa chừng thì sẽ không có người thuê, gây thiệt hại cho chủ, chủ trọ sẽ tha hồ đưa ra mức phạt), gặp những trường hợp đó, chắc chắn sinh viên sẽ là người chịu thiệt, và nhà trường, chính quyền cũng sẽ không can thiệp được.

Đó là chưa kể đến những phức tạp nảy sinh trong công tác quản lý xã hội, gây xáo trộn không nhỏ trong một môi trường vốn được ưu tiên cho công tác học tập. Gặp phải trường hợp sinh viên có hoạt động phạm pháp, như vừa gây án ở phường này, liền chuyển đến trọ ở phường khác, sẽ khiến cho công tác điều tra, xử lý gặp khó khăn.

Đặng Cường - Nguyễn Phê