Đau đáu Trường Sa!
(Dân trí) - 64 người con Việt Nam đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988. Nỗi đau rồi sẽ nguôi ngoai, những người mẹ liệt sĩ Trường Sa vẫn gửi về nơi tiền tiêu của Tổ quốc một ước vọng duy nhất: Sớm tìm được hài cốt các anh.
Chúng tôi về thăm nhà mẹ Hồ Thị Khuyên - mẹ liệt sĩ Trường Sa Nguyễn Tất Nam ở xóm 7, xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) trong không khí cả nước đang tri ân các anh hùng. Mẹ Khuyên năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi, khuôn mặt khắc khổ, dày những nếp nhăn rưng rưng khóe mắt khi chúng tôi gợi nhắc tới người con đã hy sinh gần 1/4 thế kỷ.
“Tui có 5 người con, thằng Nam là con cả. Ở nhà hắn siêng năng, chăm chỉ mà thương các em lắm. Hồi đó đói lắm, chỉ toàn ăn cơm độn sắn, độn khoai, phần cơm hắn nhường cho mẹ, cho em hết. Vừa đủ 18 tuổi, hắn xung phong đi bộ đội, ngày lên đường hắn cứ động viên tôi: con làm nhiệm vụ xong sẽ về thay mẹ nuôi các em...”, mẹ Khuyên kể.
Tạm biệt mẹ và những đứa em thơ, tháng 2/1985 chàng thanh niên Nguyễn Tất Nam lên đường nhập ngũ. Đầu năm 1988, anh được cử chiến đấu trên tàu HQ 604 - Hải đội 1 - Lữ đoàn 125 tham gia bảo vệ đảo Gạc Ma trước sự tấn công của hải quân được trang bị nhiều vũ khí hiện đại của Trung Quốc. Cuộc hành quân gấp rút, Nam chỉ kịp gửi về cho mẹ và các em chiếc xe đạp và mấy dòng chữ ngắn ngủi “Con chiến đấu ở ngoài đảo nên chắc không dùng đến chiếc xe đạp này nữa đâu mẹ ạ, con gửi về để các em con có cái xe đạp để tập đi, chắc bọn chúng sẽ thích lắm mẹ nhỉ”.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ lá cờ Tổ quốc trên đảo Gạc Ma vào ngày 14/3/1988, chiếc tàu HQ 604 đã bị địch bắn chìm cùng với nhiều thủy thủ trên tàu. Nhận hung tin, mẹ như đứt từng khúc ruột. 3 năm đi lính, anh chưa về thăm nhà một lần, chỉ 3 tháng nữa anh sẽ xuất ngũ để về với mẹ. Mẹ hy vọng con trai mẹ nằm trong số 9 chiến sĩ Hải quân Việt Nam bị địch bắt làm tù binh. Bởi vậy dù có thư thăm hỏi, chia buồn của Chuẩn đô đốc Hải quân Việt Nam, mẹ vẫn cố níu vào niềm tin mơ hồ ấy. Mẹ vẫn hy vọng sẽ có một phép màu đưa anh về với mẹ, với các em thế nhưng niềm hy vọng đó cứ bị bào mòn theo ngày tháng…
Ngày ngày, mẹ mang chiếc xe đạp mà anh Nam gửi về lau chùi cẩn thận để vơi đi nỗi nhớ con. Mẹ bảo, phải giữ gìn thật cẩn thận, biết đâu anh Nam về lại không có cái để đi. Sau 2 năm kể từ khi nhận được hung tin, chính quyền tổ chức lễ truy điệu trọng thể cho liệt sĩ Nguyễn Tất Nam. Dù không muốn tin nhưng mẹ phải gạt nước mắt để chấp nhận sự thật: con trai mẹ đã không còn. Từ đó, mẹ sống với những hoài niệm đẹp đẽ về cậu con trai và lấy tấm gương hy sinh anh dũng của anh để dạy các con biết sống tốt hơn. Đã 24 năm trôi qua, chiếc xe đạp của anh Nam vẫn được mẹ gìn giữ cẩn thận như một báu vật vô giá trong nhà.
Sau khi người chồng qua đời, mẹ sống với người con trai thứ. “Hai năm trước, thấy có đoàn về lấy máu xét nghiệm AND để xác định danh tính hài cốt tìm thấy ở Trường Sa tui mừng lắm. Biết đâu, đó là thằng Nam của tui. Nhưng đợi mãi, đợi mãi đến giờ vẫn không thấy tin tức chi cô ạ”, mắt mẹ buồn rười rượi.
Chia tay mẹ Khuyên, ngược lên Yên Thành, chúng tôi ghé thăm căn nhà của mẹ liệt sĩ Trường Sa Hoàng Thị Thìn. Mẹ sống với người con gái út trong ngôi nhà khá khang trang tại xóm 5 xã Trung Thành, Yên Thành. 17 tuổi, cái tuổi vẫn còn bé bỏng trong mắt người mẹ, Cao Đình Lương lên đường nhập ngũ. “Hồi đó hắn vừa trúng tuyển vào Đoàn dân ca Nghệ An. Hắn hát hay, đàn giỏi lại hiền lành nên nhiều cô ưng lắm. Giục hắn lấy vợ, hắn chỉ cười: “Đời lính, bắt người ta vò võ đợi mình là làm khổ họ”.
Nhà mẹ Thìn có 10 người con thì có đến 4 người phục vụ trong quân ngũ, người anh trai cả Cao Đình Cựu hy sinh tại chiến trường miền Nam năm 1971, bởi vậy anh Lương thuộc diện “được miễn nghĩa vụ quân sự”. Nhưng anh vẫn nhất quyết đi để tiếp nối truyền thống vẻ vang của gia đình.
“Năm 1986 hắn về phép, mọi người bàn lấy vợ, hắn bảo “Khi mô hết nghĩa vụ con về, khi đó lấy vợ cũng chưa muộn”. Nhưng hắn đi, đi mãi, nỏ chộ (không thấy - PV) về”, nước mắt lại trào ra trên gương mặt của người mẹ già năm nay đã 85 tuổi khi kể cho chúng tôi nghe về chuyện tình còn dang dở của con trai mình. Đó cũng là lần cuối cùng mẹ được ôm đứa con trai tài hoa của mình trước khi anh chuyển vào Khánh Hòa, tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma, bảo vệ Trường Sa, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Tất cả kỷ vật về anh chỉ có vỏn vẹn là tấm ảnh chân dung trong bộ quân phục Hải quân. Nhìn ảnh con, mẹ nghẹn ngào nấc lên, ngày xưa nhà nghèo, mẹ không đủ gạo nấu cho con ăn. Bây giờ, cuộc sống no đủ rồi thì con không còn nữa.
Con mẹ đã sống hết mình vì lý tưởng, dành trái tim mình dâng tặng cho quê hương, dù đau đớn lắm nhưng mẹ cũng rất tự hào bởi con mẹ đã ngã xuống để góp phần giữ gìn giữ yên bình cho biển đảo Việt Nam. Tuổi tác đã đè nặng lên mái đầu nhưng trong sâu thẳm đôi mắt mờ đục của mẹ, vẫn chất chứa một nỗi niềm. Một nỗi niềm không phải của riêng mẹ mà còn là nỗi niềm của mẹ Khuyên, của biết bao bà mẹ liệt sĩ Trường Sa khác, khi xương cốt con họ còn nằm lại đâu đó dưới đáy biển khơi.
Ở tuổi “xưa nay hiếm”, mẹ Khuyên, mẹ Thìn chỉ có một ước vọng duy nhất là tìm được hài cốt của con trai mình đưa về an táng tại quê nhà. “Khi Tổ quốc cần, mẹ không ngăn cản con trai mình bởi nó phải hoàn thành trách nhiệm của mình đối với đất nước, mẹ chỉ mong những ngày cuối đời, được một lần nhìn thấy con…”.