Đại lộ Thăng Long đội giá nghìn tỷ vì chậm tiến độ
(Dân trí) - Cơ quan chức năng xác định, trong quá trình thực hiện Đại lộ Thăng Long, các đơn vị liên quan đã không làm đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dẫn tới chậm tiến độ dự án, tăng tổng mức đầu tư do biến động giá tới hơn 1.000 tỷ đồng.
“Mất oan” nghìn tỷ từ khâu chuẩn bị đầu tư
Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Hà Nội) được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt ngày 11/7/2003 với tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng. Ngày 11/10/2007, dự án được điều chỉnh với tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng lên đến hơn 7.500 tỷ đồng.
Cụ thể, đến thời điểm Bộ GTVT có quyết định phê duyệt dự án đầu tư (ngày 11/7/2003) vẫn chưa xác định cụ thể nguồn vốn của dự án do chưa có phương án huy động theo phương thức đổi đất đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc ra quyết định đầu tư của Bộ GTVT là chưa đủ cơ sở và điều kiện khả thi để thực hiện dự án do chưa xác định được nguồn vốn, chưa có đánh giá khả năng tài chính của nhà đầu tư so với quy mô của dự án.
Về công tác thiết kế, theo quyết định của Bộ GTVT, chiều rộng nền đường tối thiểu là 140m, song thực tế, chiều rộng nền đường tối đa theo bản vẽ được phê duyệt chỉ có 134m.
Một số khu đô thị và khu công nghiệp dọc 2 bên không có đường gom nội bộ mà kết nối trực tiếp với đường gom thuộc tuyến Láng - Hoà Lạc. Tại hầu hết cá đoạn từ km4+990 đến km30+180, cao độ đường gom thấp hơn cao độ nền xây dựng 2 bên đường Láng - Hoà Lạc từ 0,5m đến 1,5m. Việc thiết kế các hạng mục nêu trên sẽ ảnh hưởng tới nhiều hệ thống thoát nước, gây mất an toàn giao thông khi tuyến đường đi vào khai thác sử dụng.
Đối với các cầu vượt, hầm, cống chui dân sinh, hiện còn 2 cầu vượt (gồm cầu Hoàng Xá, cầu nối tỉnh lộ 80) và hầm chui vào khu đô thị ĐH Tây Nam chưa có dự án xây dựng đường nối vào cầu và hầm.
Việc thiết kế hạng mục hầm chui đường sắt cũng thể hiện sự bất cập. Cơ quan chức năng xác định, vị trí hầm chui đường sắt là vị trí thấp, trũng so với các khu vực lân cận, trước đây thường xuyên xảy ra hiện tượng ngập úng vào mùa mưa. Việc thay đổi phương án từ cầu vượt sang hầm chui đường sắt làm tăng chi phí xây lắp hơn 174 tỷ đồng.
Về tổng mức đầu tư, khi lập tổng mức đầu tư điều chỉnh, đơn vị tư vấn thiết kế chưa loại trừ giá trị khối lượng đã thực hiện trong tổng mức đầu tư điểu chỉnh để tính giá trị dự phòng, làm tăng sau tổng mức đầu tư điều chỉnh hơn 56 tỷ đồng. Việc tính toán giá trị khối lượng của 16/121 hạng mục công trình trong tổng mức đầu tư điều chỉnh so với bản vẽ thiết kế thi công được duyệt có sự sai khác với tổng giá trị tuyệt đối là hơn 187 tỷ đồng, từ đó làm tăng sai tổng mức đầu tư là hơn 33 tỷ đồng…
Tổng đầu tư dự phòng về giá “đội” lên hơn 1.387 tỷ đồng
Những việc làm này là một trong những nguyên nhân dẫn đến trong quá trình đầu tư không có đủ quỹ đất để khai thác tạo vốn đầu tư cho dự án, nhà đầu tư không đủ khả năng về tài chính để tiếp tục thực hiện dự án, phải thay đổi phương án huy động vốn, thay đổi hình thức đầu tư, làm tăng tổng mức đầu tư và chậm tiến độ dự án khoảng hơn 2 năm.
Việc lựa chọn và ký kết hợp đồng với các nhà thầu phụ chưa được Tổng thầu và Ban QLDA quản lý và kiểm tra chặt chẽ, dẫn đến trong quá trình thi công, 17/62 đơn vị bị loại hoặc buộc phải rút khỏi dự án do không đủ năng lực hoặc không đáp ứng được yêu cầu, tiến độ của hợp đồng. Tính đến 30/4/2010, tổng số tiền tạm ứng cho các đơn vị này chưa được thanh quyết toán là hơn 82 tỷ đồng.
Việc thi công vỉa hè, đường gom chưa đủ so với thiết kế, chất lượng thảm bê tông nhựa đã được thi công hoàn thành tạo một số đoạn chưa đảm bảo chất lượng phải sửa chữa, phát sinh chi phí, gây thiệt hại cho nhà thầu. Tiến độ thực hiện của toàn dự án chậm, làm tăng tổng mức đầu tư do biến động về giá hơn 1.387 tỷ đồng.
Tiến Nguyên