“Đại gia khoe mẽ” qua góc nhìn một tỉ phú

Các tỉ phú ở Mỹ hoặc châu Âu có thể xài bạc tỉ nếu họ thích. Nhưng chắc chắn không cần thiết phải tạo ấn tượng sao cho hoành tráng để người ta biết.

“Theo kinh nghiệm ở Trung Quốc, những anh chị hay khoe mẽ thường dễ bị sờ gáy. Tôi để ý hai mươi mấy năm nay, mỗi năm tạp chí Forbes luôn có danh sách những người giàu nhất. Nhưng theo một thống kê thì có đến gần 20% đại gia trong danh sách này đã hay đang ở tù. Nên việc khoe của trong nhiều trường hợp có vẻ là việc không khôn ngoan lắm” - tỉ phú người Mỹ gốc Việt - TS Alan Phan, nhận định như vậy khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về hiện tượng gần đây có một số đại gia chơi trội, tổ chức đám cưới với mức chi phí lên đến hàng chục tỉ đồng; hay khoe siêu xe, "triển lãm" chân dài… trong các buổi PR hoành tráng.
 
“Đại gia khoe mẽ” qua góc nhìn một tỉ phú
(Ảnh minh họa)

Theo TS Alan Phan, ở Mỹ vào khoảng năm 1920 cũng có nhiều người trở thành đại gia nhờ bất động sản và hàng tiêu dùng. Vào những năm 1995-1999, lĩnh vực Internet và tài chính phát triển đã có các đại gia giàu lên nhờ ngành này như Bill Gates, Mark Zuckerberg… Cách đây 30 năm, Trung Quốc cũng có một lớp đại gia đầu tiên đi lên nhờ bất động sản và hàng tiêu dùng. Nhưng bên Trung Quốc ngoài hai lĩnh vực này, còn một lớp đại gia khác giàu lên nhờ có quan hệ với chính quyền. Từ những quan hệ đó họ tạo ra những tài sản khổng lồ.

“Có thể nói đó là quá trình phát triển tất yếu của mỗi một quốc gia. Việt Nam hiện nay đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển. Nên chuyện nổi lên nhiều đại gia bất động sản như vừa qua cũng không có gì lạ” - TS Alan Phan nói.
 
Giàu mới nên chưa kịp sang

Nếu đại gia kiếm tiền ở mỗi giai đoạn mỗi khác thì cách chơi cũng như đẳng cấp cũng khác nhau, thưa ông?

TS Alan Phan là doanh nhân Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên sàn chứng khoán Mỹ vào năm 1987. Năm 1999, Tập đoàn Harcourt của ông đạt mức thị giá 670 triệu USD (hơn 1,3 ngàn tỉ đồng). Ông là tác giả của tám cuốn sách Anh và Việt ngữ, tư vấn cho nhiều tập đoàn đa quốc gia về thị trường mới nổi. Ông cũng là người đầu tiên giới thiệu hệ thống bán cổ phiếu qua mạng và giáo dục online bên Trung Quốc vào năm 1997. Trước đó ông đã có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong các công ty đa quốc gia cũng như các ngân hàng lớn ở Wall Street. Hiện nay, TS Alan Phan đang là chủ tịch Quỹ đầu tư VIASA (quỹ riêng của gia đình) và là chuyên gia tư vấn về Emerging Markets cho nhiều tập đoàn đa quốc gia.

TS Alan Phan: Đẳng cấp là chuyện rất thừa thãi không có gì cần phải thể hiện cả. Mình thích cái gì thì mình làm thôi. Nhưng chuyện thể hiện thì mỗi người mỗi kiểu. Nói riêng về doanh nhân Á châu, phần lớn người Trung Quốc và Việt Nam gặp phải một vấn đề là sĩ diện. Có lẽ vì mặc cảm thôi. Đại gia Việt Nam đa số mới giàu, chứ thời bao cấp có ai giàu đâu. Bởi vì họ mới giàu lên nên thích khoe. Đó cũng là điều dễ thông cảm.

Khi tôi còn trẻ, khoảng 30 tuổi lúc ấy cũng mới giàu nên cũng hay khoe. Nó bắt đầu từ tiềm thức về một quá khứ thua kém. Khi tôi lên 12 gì đó, một thú vui của bọn trẻ chúng tôi quanh câu lạc bộ thể thao (Cercle sporttif Saigonnais - Cung VH Lao động) là trèo lên cây xem mấy bà đầm tắm trần nên bị mấy ông Tây mắt xanh mũi lõ đánh thường xuyên. Rồi những người Âu Mỹ lại ít tế nhị nên lối nói chuyện của họ hay xúc phạm người khác. Thêm vào đó, mình cũng hơi tự ti bởi dân tộc và vóc dáng mình thuộc loại bé nhỏ. Nên có thời kỳ mới ra trường, có lương cao, tôi thích đi với phụ nữ Tây phương xinh đẹp vào chốn sang trọng, nơi có những đại gia Mỹ để chọc tức họ. Nhưng có lẽ đó cũng không phải là chơi trội. Chỉ vài năm sau tôi bắt đầu chán nên thôi.

Vậy ông có suy nghĩ gì về hiện tượng một số đại gia khoe mẽ qua các đám cưới hàng chục tỉ đồng trong trời gian qua?

Cái này có thể là hiện tượng gây phản cảm trong xã hội. Nhưng dần dần nó cũng biến mất thôi. Vì sẽ có những thay bậc đổi ngôi về tiền bạc. Tiền không dính liền với bất cứ anh chị nào. Nay nó thuộc về người này, mai nó thuộc về người khác. Tiêu xài hoài cũng bớt tiền hay mất hết nên còn gì để khoe. Sau khi làm vài lần phản ứng dư luận sẽ không tốt cho tên tuổi nên rồi họ cũng sẽ không làm nữa.

Thưa ông, sau lớp đại gia phất lên nhờ bất động sản, chứng khoán thì đến bao giờ Việt Nam sẽ có lớp đại gia mới trong lĩnh vực khác?

Có thể phải đợi đến một thế hệ doanh nhân mới. Sự thay đổi sẽ khá chậm chạp trong cơ chế hiện tại. Nhưng thời để kiếm tiền bằng bất động sản và bằng quan hệ sẽ qua đi. Sau đó phải nhường chỗ cho sản phẩm mũi nhọn đặc sắc hơn để kiếm tiền. Nghĩa là không dừng lại ở hàng tiêu dùng đơn thuần mà là những sản phẩm thương hiệu đặc biệt, tạo thế cạnh tranh trên thị trường. Đó là những người kiếm tiền nhờ IT, nhờ những món hàng thương hiệu. Chẳng hạn như cà phê cũng cần một anh như Starbuck để đưa lên đỉnh cao.

Nghĩa là cách kiếm tiền của đại gia Việt Nam sắp tới cũng cần thay đổi thưa ông?

Đúng vậy, giai đoạn phá rừng, đào mỏ để bán cũng qua, giai đoạn công nghệ ô nhiễm phải qua đi để tiến tới một giai đoạn phát triển mới. Quá trình này không thể làm nhanh được, phải mất khoảng 10-20 năm. Khoảng năm 2030 sẽ có một lớp đại gia mới, thay lớp đại gia hiện nay. Tuy vậy so với thời bao cấp thì chúng ta cũng đang đi khá nhanh.

Giàu và sang từ cốt cách

Ở những nước phát triển trên thế giới, các đại gia thường chơi như thế nào và có chuyện khoe mẽ không thưa ông?

Ở xứ Mỹ và các nước châu Âu, thực tình ai muốn khoe cứ việc khoe. Vẫn có những người giàu khoe của chứ không phải không có. Nhưng vì một xã hội quá nhiều người giàu có nên bỏ ra 1-2 triệu USD để tổ chức tiệc cưới hay mướn siêu xe thì người Mỹ cũng không quan tâm. Báo chí chính thống cũng không đăng nên thành thử không có gì ồn ào và nó trở thành chuyện bình thường.

Ngược lại, những tỉ phú Mỹ sống tằn tiện thì lại được ca ngợi. Ví dụ như ông Warren Buffett, người giàu thứ nhì trên thế giới nhưng vẫn ở căn nhà mua đã 50 năm trước trị giá 31.000 USD (khoảng hơn 600 triệu đồng - PV). Hiện nay ông Buffett có tới 39 tỉ USD nhưng vẫn tự lái xe đi mỗi ngày. Chiếc xe này ông mua 15 năm trước với giá 18.000 USD. Thành ra nếu đem ông Warren Buffett đứng cạnh Cường đôla thì Cường đôla sẽ khóc ngay!

Ông có vẻ quan tâm đến Cường đôla nhỉ?

(Cười…) Nói đùa thế thôi, thấy người ta nhắc nên mình nói theo cho vui vậy. Nhiều người hay nói tôi có ý nghĩ xấu về doanh nhân nhưng thực tế không phải vậy. Với tôi, ai kiếm ra tiền muốn chơi thế nào là đời tư của họ. Nhưng cứ thấy người ta nhắc đến Cường đôla, cô Hà này Hà kia thì mình nói theo cho vui vậy.

Nghĩa là những đại gia thực sự họ không còn quan tâm nhiều đến vật chất để mà khoe. Vậy cách chọn hướng đến cộng đồng có phải là cách làm của những đại gia đẳng cấp?

Thực ra đã là đại gia thực sự thì họ không còn nghĩ đến tiền nữa mà họ quan tâm đến những sở thích của mình. Như ông Bill Gates thường luôn luôn say sưa với công nghệ mới. Nên ông dành nhiều thời gian để đọc sách cũng như nghiên cứu về công nghệ. Hay như tỉ phú Larry Ellison thì lại thích chơi đua thuyền buồm, dùng sức gió đẩy. Ông dùng thuyền này tham dự các cuộc đua khắp thế giới. Một đại gia khác, ông Cooperman đã âm thầm quyên hàng trăm triệu USD cho ngành y tế và giáo dục để hưởng ứng lời kêu gọi các tỉ phú làm từ thiện của Bill Gates và Warren Buffett. Điều đó cho thấy cách chơi của các đại gia trên thế giới chủ yếu là sở thích.

Từng làm chuyện “ngu xuẩn” tại Hollywood

Ông từng kể rằng thời ông sang Hollywood đầu tư vào điện ảnh, ông đã gặp một minh tinh người Venezuela. Ông đã hỏi người đẹp ước điều gì lúc này ông sẽ đáp ứng. Người đẹp bảo muốn đi Paris ngay tối nay. Thế là ông thuê chuyên cơ đưa người đẹp sang Paris chơi thỏa thích mấy ngày. Sau chuyến đi ấy ông cũng phải thanh toán một hóa đơn khá đậm. Đây là kiểu chơi trội hay là một cách hưởng thụ chính đáng từ đồng tiền của mình?

Thời trẻ tôi cũng có lúc bốc đồng như thế. Nhưng không phải là chơi trội mà vì tôi xúc động trước một sắc đẹp tuyệt vời Thượng đế đã sáng tạo. Nhưng tôi cũng vừa dư tiền qua một giao dịch rất lời. Cũng có thể lúc ấy tôi cũng uống hơi ngà ngà nên làm chuyện ngu xuẩn.

Nếu bây giờ có người đẹp như thế xuất hiện, liệu ông có “ngu xuẩn” thêm lần nữa?
 
Bây giờ nếu tôi còn cảm xúc thì có thể tôi cũng làm vậy lắm. Tuy nhiên, đến lứa tuổi này thì những cuộc tình nồng cháy trở nên ấm ớ và phức tạp. Thay vào đó mình xem một bộ phim hay, đọc một cuốn sách thú vị sẽ thoải mái hơn. Tôi vẫn hay nói đùa với người ở tuổi 67, người đẹp cũng giống như một bức tranh, đem treo ở bảo tàng thì được chứ khuân về nhà thì rắc rối to. Con người có rất nhiều ham muốn vì hormone. Khi hormone bớt rồi thì tài sản, danh vọng, xe đua hay phụ nữ cũng không còn nhiều hấp dẫn nữa. Vì thế, mình sẽ chọn đến những thú vui nhẹ nhàng hơn.

Tự sự về sự trả giá

Để trở thành một doanh nhân thành đạt như hôm nay, chắc chắn ông đã từng trả giá. Theo ông trả giá lớn nhất đối với một đại gia là gì?

Trả giá lớn nhất là áp lực về sức khỏe mà tôi phải hy sinh. Đó là cái giá lớn nhất khi chiêm nghiệm lại. Không những sức khỏe về vật chất mà còn tinh thần. Vì khi kiếm tiền, khi cạnh tranh để đạt đến thành công thì mình đôi khi làm việc 24/24 giờ, lúc ngủ cũng mơ thấy công việc. Tinh thần gần như bị đồng tiền chi phối kiểm soát. Mình trở thành khác biệt hẳn với con người thực của mình. Đó là cái giá phải trả lớn nhất trong việc săn đuổi tiền bạc.

Ông quan niệm thế nào về việc kiếm tiền?

Tiền đối với tôi là cuộc săn đuổi. Nó giống như mình đi săn thú. Mình thấy nó, rồi mình đuổi theo nó, nó lại chạy đi chỗ khác. Rồi mình lần mò theo dấu vết của nó cho đến khi mình đưa vào nòng súng, nhiều khi lại bắn trật nữa. Cuộc săn đuổi mỗi ngày cứ cuốn hút như một cơn lốc xoáy. Khi bắn trúng cũng là khi có nhiều tiền, nhìn lại thì mình đã phải trả giá rất nhiều.

Trong cuộc săn đuổi ấy vấn đề căn bản là gì?

Thời gian không thể tìm lại. Thay vì thời gian đó mình sống với con cái, đưa chúng đi chỗ này chỗ kia chơi đùa, hay lo cho vợ, gia đình, bạn bè… trong một mái ấm gia đình thì mình bỏ bê hy sinh kiếm tiền. Đến khi mình quay lại thì mất hết những cái đáng lẽ mình phải trân trọng. Đó lại là những cái hối tiếc nhiều nhất và là cái giá mình trả.

Trong tiền bạc thì vậy, còn đối với cuộc săn đuổi phái đẹp thì sức hấp dẫn của Alan Phan với phụ nữ là gì?

Điều duy nhất là vì tôi yêu quý đàn bà thực sự. Tôi cho họ thấy một Alan lãng mạn, đam mê, sẵn sàng đốt cháy đời mình cho tình yêu.

Xin cảm ơn ông.

TS Alan Phan du học ở Mỹ từ năm 1963. Ông tốt nghiệp bằng cử nhân tại Penn State (USA), lấy bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại American Intercontinental (USA), lấy bằng tiến sĩ tại Sussex (Anh quốc) và tiến sĩ quản trị kinh doanh tại Southern Cross (Australia). Ông cũng là giáo sư thỉnh giảng tại các ĐH Colorado, Columbia, Cal State (Mỹ) và Fudan, TongJi (Trung Quốc).

***

“Những đại gia mới giàu thường thích xài và hưởng thụ. Còn những đại gia đã giàu lâu rồi hoặc sinh ra đã quá giàu, hoặc đến một độ tuổi nào đó thì tiền bạc không có nghĩa lý gì nữa.

Một người bạn tôi rất mê tranh, ông ta đã bỏ ra tới 16 triệu USD để mua một bức tranh ông thích rồi tặng cho bảo tàng. Vấn đề ở đây là sở thích nhưng cũng sẵn sàng bỏ tiền vì sở thích đó. Thường thì càng về sau đại gia thực sự hướng đến cộng đồng, người thân hơn là cá nhân họ” - TS Alan Phan

***

TS LÊ ĐĂNG DOANH, chuyên gia kinh tế: Hãy nghĩ đến những giường bệnh 5-6 người nằm

Bill Gates là tỉ phú mà cả nhân loại biết đến nhưng khi đến Việt Nam, ông vẫn dùng chiếc xe 16 chỗ ngồi để di chuyển. Đến nơi, Bill Gates tranh thủ làm việc với các nhân viên ngay. Với số tài sản là 58 tỉ USD nhưng vợ chồng ông đã dành tới 38,7 tỉ USD cho các hoạt động nhân đạo. Warren Buffet cũng vậy, dù rất giàu có nhưng ông hầu như chưa bao giờ đi máy bay ghế hạng thương gia, vẫn đi vé hạng thường như nhiều người dân bình thường khác. Nhưng họ vẫn nổi tiếng bởi những đóng góp của họ với xã hội.

Mới đây tôi vừa gặp giám đốc quỹ từ thiện Quỹ Bill&Melinda Gates Foundation, họ nói sẽ cam kết giúp đỡ Việt Nam. Đây là một thông tin tốt lành với chúng ta. Điều đó cho thấy các tỉ phú thế giới nổi tiếng về những đóng góp của họ với cộng đồng chứ không phải là việc khoe tài sản triệu USD hay mua siêu xe, tiêu pha thái quá.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn này, khi một giường bệnh chứa tới 5-6 người mà có người lại tiêu tốn bạc tỉ chỉ để huênh hoang với thiên hạ là mình giàu. Trong khi đó hầu như sự giàu có của họ không làm khoa học công nghệ phát triển, trách nhiệm với cộng đồng không có. Mà khoảng cách giữa người giàu và người nghèo không hẳn thể hiện bởi thu nhập mà có ở trong văn hóa ứng xử và nhân cách con người.

Ông ĐOÀN NGUYÊN ĐỨC, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai: Tâm trí tôi chỉ hướng đến công việc

Đến giờ phút này, nhất là giai đoạn này tâm trí tôi tất cả chỉ hướng đến công việc chứ không quan tâm đến thú chơi của các đại gia. Cũng có những đại gia khi giàu thì dùng tiền vào sở thích của mình tôi thì đến giờ không có. Làm kinh doanh thì cứ chỉ chăm lo kiếm tiền để doanh nghiệp phát triển.

Với con cái, mỗi người có một cách giáo dục của riêng mình và tôi cũng vậy. Vì thế tôi tin rằng con cái mình không lụy vào tài sản bố mình.

***

Sáu kiểu đốt tiền “kinh điển” của các đại gia Việt

1. Đắp mặt nạ bằng vàng. Hiện ở TP.HCM và Hà Nội đã có một số trung tâm thẩm mỹ “nhập khẩu” dịch vụ đắp mặt nạ vàng từ Thái Lan, Hàn Quốc… về phục vụ chị em.

2. Ăn, uống… vàng. Từ năm 2005, một số “đại gia” Việt nhét vàng vào bánh hoặc tán nhuyễn để… ăn, uống.

3. Sắm hàng hiệu. Xuất hiện một tầng lớp người tiêu dùng không cần quan tâm đến giá cả, trung bình chi tới 80-100 triệu đồng/lần mua hàng. Có người chi hàng trăm triệu đồng cho nước hoa, giày dép tặng người yêu nhưng vẫn cho rằng “chưa bõ bèn gì”.

4. Mua SIM số đẹp. Các đại gia đưa ra nhiều lý do để mua SIM số đẹp với mức giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỉ.

5. Chơi siêu xe. Bỏ ra hàng tỉ đồng sưu tập xe khủng nhất thế giới, xe phục vụ các chính khách hàng đầu Việt Nam từ nhiều thập kỷ trước.
6. Chi hàng chục tỉ đồng chơi cây cảnh.

D.Trâm tổng hợp

Theo Yên Trang
Pháp luật TPHCM