Bước chân đến bờ sông Âm, đoạn chảy qua xã Giao An, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa), chúng tôi rất kinh ngạc khi nhìn thấy hàng chục em học sinh trong các thôn, bản đang “gồng mình” băng qua sông trên một chiếc bè mảng để tới trường, nhiều em đã ướt sũng áo quần vì những lần trượt chân, té ngã…
Nhìn thấy ống kính của chúng tôi, một vài em học sinh nữ tỏ ra dè dặt vì bộ quần áo đang mặc trên người đã ướt nhẹp. Một số em học sinh nam vẫn gắng sức đánh đu trên một sợi dây dài nối ngang sông và chiếc bè mảng để nhanh chóng qua sông đến trường cho kịp giờ học.
Một em học sinh nói vọng: “Anh chị đừng chụp hình chúng em nữa, quần áo chúng em ướt hết rồi, lên hình xấu các bạn sẽ cười. Anh chị chụp hình các bạn đang đạp xe trên con đường dài kia kìa, chúng em chỉ ước có con đường đi học như các bạn ấy thôi”.
Con sông Âm chảy qua địa bàn xã Giao An, huyện Lang Chánh chia cắt xã thành hai nơi. Bên tả sông gồm 3 làng: làng Trô, làng Ang và làng Pắc Nặm với hơn 300 hộ dân đang sinh sống; trung tâm xã Giao An lại nằm bên hữu sông Âm nên mọi sinh họat chợ búa, giao lưu buôn bán, học hành của con em trong 3 làng bên tả đều phải qua sông.
Con sông có bề rộng mặt nước chừng 100 mét. Mùa khô nước sông cạn, chảy nhỏ, nhưng mùa lũ về là nước sông dâng cao, chảy xiết rất nguy hiểm. Phương tiện đi lại của hơn 300 hộ dân nơi đây chỉ là một cái bè luồng được ghép từ 13 cây luồng, dài khoảng 9 mét. Để an toàn hơn, người dân dùng thêm một dây điện to bằng ngón tay, dài hơn 100m, chăng ngang sông để làm điểm vịn tay. Người nào muốn qua sông cứ đứng trên cái bè luồng ấy, bám theo sợi dây mà qua - người lớn cũng như trẻ nhỏ.
Nếu may mắn, các em sẽ qua sông an toàn với bộ quần áo khô ráo
Hàng trăm học sinh THCS xã Giao An cũng qua sông đi học như thế, chân đứng trên bè luồng, tay bám vào sợi dây chăng ngang.
“Nếu là sức người lớn thì khoảng 15 - 20 phút là kéo bè qua được bờ sông bên kia, nhưng là sức các cháu học sinh thì phải mất chừng 30 - 35 phút mới sang được sông, với điều kiện nước sông chảy nhẹ”, chị Lương Thị Phòng, một người dân sống trong làng Trô tính toán.
Các em học sinh hò nhau lấy đà để kéo bè. Các lớp “đàn anh” có sức khỏe sẽ đứng ra kéo, còn các em học sinh nhỏ đứng nép vào giữa chờ anh chị kéo qua sông. Qua được bờ sông bên kia cũng là lúc hai lòng bàn tay các em đỏ rát, cũng có em áo quần ướt sũng...
Em Phạm Văn Duyệt, học sinh lớp 9 chia sẻ: “Mùa này nước cạn nên chúng em chỉ mất khoảng nửa tiếng đồng hồ để qua sông, còn nếu mùa nước lũ về thì vất vả lắm, nước chảy xiết nên bè cứ trôi xuôi theo dòng nước, có khi còn bị lật bè. Biết là rất nguy hiểm, nhưng chúng em vẫn muốn được đến trường để tìm cái chữ, sau này về làm giàu quê hương, xây dựng cầu mới cho dân làng”.
Hàng trăm học sinh xã Giao An vẫn đến trường theo cách này
Xót lòng hơn ai hết chính là các bậc phụ huynh. Mỗi ngày các em đến trường là một ngày mẹ cha thấp thỏm, nhưng họ không còn cách nào khác bởi còn phải bươn bả với cuộc mưu sinh, sao có thể ngày mấy buổi đưa con qua sông.
Người dân trong 3 làng tả sông Âm đã từng nhiều lần làm cây cầu bằng luồng bắc qua sông nhưng chỉ cần một cơn lũ hoặc trận mưa lớn là cầu bị cuốn phăng. Một cây cầu kiên cố vẫn là ước mơ quá xa vời.
“Cứ vào mùa mưa lũ là chúng em phải nghỉ học cả tuần, cả tháng, không được đến trường như các bạn bên hữu sông Âm. Chúng em chỉ ước có một cây cầu bắc qua sông, để chúng em yên tâm đi học”, em Hùng tâm sự.
Đôi khi bè bị lật, các em cứ ngâm người trong nước, bám theo sợi dây mà bơi qua sông
Ông Lê Hồng Chuyên , Bí thư Đảng ủy xã Giao An cho biết: “Hiện nay có khoảng 119 em học sinh THCS của 3 làng Trô, Pắc Nặm, Anh phải vượt sông Âm bằng bè đến trường với rất nhiều nguy hiểm. Không những thế, vào mùa lũ thì ba làng tả sông Âm luôn trong tình trạng bị cô lập, thầy, trò không thể đến lớp. Huyện cũng đã lập dự án và trình lên cấp trên, nhưng vẫn phải chờ. Một cây cầu kiên cố vượt sông Âm vẫn đang là ước mơ của người dân xã Giao An chúng tôi và những đứa trẻ đến trường mỗi ngày”.
Lan Anh