“Cơn điên” của dòng tiền
Ngày 2/3, hàng loạt diễn đàn chứng khoán và báo chí trích dẫn bài báo của tờ báo nổi tiếng "Nhật báo Phố Wall” kêu gọi "chứng khoán Việt Nam – không mua bây giờ sẽ hối hận”. Tâm lý nhà đầu tư càng bùng nổ và thị trường như được đổ thêm dầu vào lửa.
Cuốn bay mọi ngưỡng kháng cự, xóa tan những nghi ngờ bằng dòng tiền cuồn cuộn chảy vào chứng khoán khiến nhà đầu tư mơ tưởng lại con sóng thần năm 2009 khi thị trường chứng khoán cất cánh từ đáy khủng hoảng. Thực ra sự ngờ vực vẫn còn, đâu đó vẫn có những lời khuyên cẩn trọng, nhưng những lời nói đó trở nên lạc lõng trước cơn lốc tăng giá hàng ngày. Điều khiến nhà đầu tư trở nên tự tin hơn bao giờ hết, là nguồn tiền quá lớn đang chảy trong thị trường, của cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài.
Cổ phiếu tăng ào ào bất kể tốt xấu là biểu hiện
của sự tham lam tột đỉnh - Ảnh: Hoàng Long
Những đợt điều chỉnh giảm đều rất ngắn và mức phục hồi thì quá nhanh và quá mạnh. Trong bối cảnh tiền tệ vẫn thắt chặt, tín dụng cho chứng khoán và bất động sản vẫn eo hẹp, lượng tiền giao dịch hàng ngày trên thị trường là một bất ngờ rất lớn. Tính ra trong 10 phiên giao dịch bùng nổ gần đây, bình quân mỗi ngày có khoảng 1.800 tỷ đồng được giao dịch. Có những ngày giao dịch bùng nổ tới gần 2.900 tỷ đồng. Không thể nói rằng lượng tiền trên là từ nguồn "tín dụng phi sản xuất”.
Tiền nằm trong tài khoản của nhà đầu tư, cả cá nhân lẫn tổ chức, đã được đánh thức cùng với lòng tham. Hàng loạt khuyến cáo của các tổ chức đầu tư quốc tế "đột nhiên” chỉ ra rằng, chứng khoán Việt Nam đang quá rẻ. Điều này đâu có gì mới vì ai cũng biết là thị trường vừa trải qua một năm giao dịch thảm hại. Nhưng lúc này, những phân tích đó lại được đón nhận nồng nhiệt. Hết Dragon Capital, Manulife Asset Management rồi Citigroup liên tục bày tỏ sự lạc quan vào triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam năm nay.
Việt Nam "có một vị trí tốt trong số các thị trường sơ khai xét về triển vọng kinh tế dài hạn” bất chấp những rủi ro như lạm phát cao, một hệ thống ngân hàng còn yếu và mức độ thanh khoản còn thấp của thị trường - báo cáo của Citigroup nói. Bài viết trên tờ Nhật báo Phố Wall hôm 1/3 còn chỉ rõ, "chứng khoán Việt Nam - không mua bây giờ sẽ hối hận. Kể cả khi mức giá các cổ phiếu đã tăng 20% từ đầu năm, thì giá hiện tại vẫn là rất thấp”. Điều này có lẽ giúp lý giải phần nào việc nhà đầu tư nước ngoài giải ngân rất mạnh trong hai tháng trở lại đây. Riêng trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, lượng tiền bỏ ra mua ròng khớp lệnh trong hai tháng đầu năm khoảng 1.800 tỷ đồng. Một vài giao dịch thỏa thuận thoái vốn lớn không khiến thị trường nghi ngại hơn.
Dạo qua một vài diễn đàn chứng khoán, có thể cảm nhận một "cơn điên” của lòng tham đang lớn lên. Rất nhiều chủ đề hô hào mua vào chứng khoán, khuyên mua đăng nhan nhản mỗi ngày. Điều này cũng không khó hiểu vì đã ba năm nay, nhà đầu tư chứng khoán phải sống trong cảnh đói ăn và có lẽ bây giờ là lúc "ăn trả bữa”. Cổ phiếu tăng ào ào bất kể tốt xấu là biểu hiện của sự tham lam tột đỉnh. Giá không bao giờ tăng mãi và cũng không bao giờ giảm mãi. Ngoài yếu tố dòng tiền, lòng tham của nhà đầu tư có thể tạo nên những con sóng thần thực sự. Tuy nhiên sóng kéo dài đến lúc nào và ai sẽ là người cuối cùng lướt trên đỉnh sóng thì không thể tìm thấy câu trả lời vào lúc này, khi mọi người đang hưởng cảm giác vi vu với lợi nhuận.
Theo Hoàng Ngân
Đại Đoàn Kết