Cô gái 8X gìn giữ âm nhạc dân tộc bằng đam mê và “chữ Tâm”

(Dân trí) - Sở hữu chất giọng alto nữ hiếm có, Nguyễn Thu Phương không chỉ mang trong mình tình yêu sâu sắc với âm nhạc dân tộc mà còn thổi tình yêu đó vào công chúng qua từng lời hát, điệu ca… bằng tất cả nhiệt huyết và say mê tuổi trẻ.

Ước mơ với áo nâu, guốc mộc

 

Gặp Phương trong buổi biểu diễn tại sân khấu chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội), với áo nâu, guốc mộc, đặc biệt là giọng hát làm mê đắm lòng người, hiếm ai có thể nghĩ rằng, cô gái 8X này lại bắt đầu nghiệp hát của mình từ một “nghệ sỹ” nghiệp dư.

 

Nguyễn Thu Phương sinh năm 1985 tại Uông Bí (Quảng Ninh) trong một gia đình thuần nông. Như bao bạn bè cùng trang lứa, tuổi thơ Phương gắn liền với những cánh cò, câu hát ru hời,... ngọt ngào, chan chứa. Cũng chính vì thế, trong sâu thẳm tâm hồn Phương đã sớm hình thành tình yêu với âm nhạc dân tộc.

 

Hồi đó, cứ đến tối thứ Bảy là truyền hình lại chiếu chương trình sân khấu, và khi mọi người trong nhà đều ngủ hết, thì Phương lại cùng bố say mê theo dõi những vở chèo, cải lương, chầu văn, hát xẩm,…

 
Cô gái 8X gìn giữ âm nhạc dân tộc bằng đam mê và “chữ Tâm” - 1
Thu Phương biểu diễn tại sân khấu chợ Đồng Xuân
 

Phương cho biết: “Bố là người có ảnh hưởng lớn nhất đối với mình. Bởi bố chính là người giải thích cho mình biết Thị Mầu thì phải diễn lả lơi ra sao, tay mắt, điệu bộ phải thế nào rồi mẹ Đốp hay Lý Trưởng phải thế nào cho phải kiểu…”. Và Phương mơ ước đến một ngày mình cũng sẽ được đứng trên sân khấu đem tiếng hát lời ca đến cho công chúng.

 

Hành trình đến với âm nhạc dân tộc

 

Thế nhưng, câu nói “cơm áo không đùa với khách thơ” dường như bắt đầu “vận” vào người Thu Phương. Điều kiện kinh tế gia đình không cho phép, cô bạn đành gác lại giấc mơ thời thơ bé để theo học CĐ Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh. Nói về quãng thời gian này, Phương chia sẻ: “Hồi đầu mình cảm thấy bế tắc lắm. Mỗi lần bật tivi lên, nhìn các anh chị hát chèo, quan họ, chầu văn,… mà thèm và ao ước mãi”.

 

Thế rồi, một lần Phương được gặp gỡ các liền anh liền chị trong các đoàn nghệ thuật. “Có lẽ tại ấn tượng vì một con bé cá tính nằng nặc đòi đi cùng xem biểu diễn dù vất vả đến đâu nên thi thoảng các anh chị trong đoàn cũng cho mình hát cùng. Và mình hát theo bản năng là chính. Tiền công cũng chả đáng là bao, nhưng bù lại, mình được hát”, Phương hồ hởi.

 
Cô gái 8X gìn giữ âm nhạc dân tộc bằng đam mê và “chữ Tâm” - 2
Giới thiệu âm nhạc dân tộc với bạn bè quốc tế.
 

Tốt nghiệp CĐ Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh, gánh nặng cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai khiến Phương không thể không suy nghĩ. Ước mơ thời thơ bé một lần nữa lại bị trì hoãn, song tình yêu đối với âm nhạc dân tộc trong Thu Phương không vì thế mà bị mất đi.

 

Cho đến 2008, trong khi đang loay hoay để trang trải cuộc sống, cô bạn 8X này biết được thông tin Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam tổ chức dạy âm nhạc dân tộc miễn phí. “Lúc ấy mình mừng đến nỗi nhảy cẫng lên và miệng thì cười mãi không thôi. Mình nhủ rằng cơ hội đây rồi và lần này mình sẽ không bao giờ từ bỏ nữa”, Phương kể lại.

 

Ngay lập tức, cô bạn khăn gói từ Quảng Ninh lên Hà Nội để đăng ký và theo học. Thầy Thao Giang (PGĐ Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam) nhớ lại lần đầu gặp Thu Phương: “Lúc đầu nói chuyện điện thoại với Phương, tôi cứ ngỡ Phương là con trai bởi chất giọng hiếm và đặc biệt quá”.

 

Là dân nghiệp dư nên khi đến với âm nhạc, Phương gặp phải rất nhiều khó khăn từ việc phân biệt các loại hình âm nhạc đến sửa sao cho giọng chuẩn, rồi cách nhả chữ, cách rung, luyến láy,… Thế nhưng, nhờ nỗ lực hết mình cộng với tài năng thiên bẩm nên chỉ sau một tháng học, Phương được các thầy cô trong trung tâm tin tưởng đưa lên sân khấu và trở thành một trong những giọng hát được khán giả chợ Đồng Xuân (HN) yêu mến.

 
Cô gái 8X gìn giữ âm nhạc dân tộc bằng đam mê và “chữ Tâm” - 3

Thu Phương (ngoài cùng bên trái) và các bạn diễn
 

Gìn giữ âm nhạc dân tộc qua từng câu hát

 

Hiện tại, Thu Phương không chỉ là một trong những nghệ sỹ trẻ tuổi nhất tại Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam mà còn là người góp phần giới thiệu quan họ, chầu văn, xẩm,… đến các nước trên thế giới qua các buổi lưu diễn tại nước ngoài.

 

Ngoài ra, cô gái 8X này còn cùng thầy cô và học viên trong trung tâm biểu diễn miễn phí âm nhạc dân tộc tại sân khấu chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào các tối thứ Bảy. Không chỉ vậy, Phương cùng các thầy cô tổ chức các lớp dạy miễn phí âm nhạc dân tộc cho những ai đam mê và yêu thích.

 

Tự nhận mình là người may mắn khi được đến và đắm mình trong từ trường của âm nhạc dân tộc, Thu Phương cho biết: “Để hát và cảm thụ được một bài hát cần rất nhiều thời gian, tình yêu và sự trải nghiệm. Thế nhưng, để gìn giữ và phát huy những gì thuộc về âm nhạc dân gian còn cần thêm cả cái tâm của những người trẻ tuổi”.
 
Cùng nghe Thu Phương cùng các bạn diễn tiết mục chầu văn
 

 

Hà Quyên