Giới trẻ Hà thành và tình yêu âm nhạc truyền thống

(Dân trí) - Trong khi bạn bè quay cuồng với rock, rap thì lại có không ít bạn trẻ tìm đến âm nhạc truyền thống như quan họ, chầu văn, xẩm,… như tìm đến sự đồng điệu với tâm hồn và thể hiện tình yêu với văn hóa dân tộc.

Từ thích thú…

 

Tuần nào cũng vậy, cứ đến 7h tối thứ Bảy là sân khấu chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lại đông nghẹt người. Ai cũng háo hức chờ đón những tiết mục văn nghệ dân gian của những nghệ sỹ đến từ TT phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam. Trong đó, khán giả phần lớn là các bạn trẻ.

 

Đoàn Hồng Hạnh (ĐH Văn Hóa Hà Nội) cho biết: “Ban đầu, mình chỉ tình cờ cùng bạn đi chơi chợ đúng vào ngày biểu diễn âm nhạc truyền thống. Mình thấy thích thú và thường xuyên đến xem rồi đam mê lúc nào không biết”.

 
Giới trẻ Hà thành và tình yêu âm nhạc truyền thống - 1

Đội biểu diễn không thể thiếu bóng dáng của các bạn trẻ.

 

Không giống như Hạnh, Đặng Thị Nhung (HV Báo chí và tuyên truyền) lại đến với âm nhạc dân tộc trong trường hợp khá đặc biệt. Xuất thân từ một vùng đất thấm đẫm văn hóa truyền thống dân gian với những làn điệu quan họ ngọt ngào, sâu lắng, nhưng Nhung lại không biết một câu quan họ nào.

 

Cho đến khi gặp gỡ với CLB hát quan họ Hà Bắc, Nhung bỗng thấy yêu tha thiết lời ca dân tộc và bắt đầu học hát bằng tất cả niềm đam mê của mình. Nhung chia sẻ: “Khi hòa vào những làn điệu ngọt ngào đó, mình thấy tâm hồn như phong phú hơn và cảm thấy tự hào hơn về mảnh đất đã nuôi mình khôn lớn”.

 

Được biết, Nhung cũng chọn hát quan họ để thể thể hiện trong phần thi năng khiếu ở cuộc thi MC truyền hình TP.HCM 2011.

 

Trở thành “nghệ sỹ” nghiệp dư

 

Từ việc xem biểu diễn, thích thú, rồi tìm hiểu, không ít bạn quyết định đăng ký các lớp học về âm nhạc dân gian và trở thành những “nghệ sỹ” nghiệp dư.

 

Đoàn Hồng Hạnh ở trên là một ví dụ điển hình. Sau nhiều lần đến xem biểu diễn, Hạnh quyết định theo học âm nhạc truyền thống. Hạnh chia sẻ: “Mình chỉ là dân nghiệp dư. Vì thế, khó khăn lớn nhất đối với mình trong thời gian đó là mình phải sửa sao cho về giọng chuẩn rồi phân biệt được các nhạc cụ truyền thống,…”.

 
 
Giới trẻ Hà thành và tình yêu âm nhạc truyền thống - 2
Biểu diễn âm nhạc truyền thống ở chợ Đồng Xuân
 

Hiện tại, bên cạnh việc học chính khóa ở trường, cứ cuối tuần, Hạnh lại cùng chính các thầy cô, bạn bè của mình đi biểu diễn âm nhạc truyền thống. Hạnh cho biết thêm: “Lớp học nhạc của mình cũng có rất nhiều bạn đến từ các trường ĐH, CĐ ở Hà Nội. Nhưng tất cả đều có chung tình yêu với xẩm, chầu văn, quan họ,…”.

 

Có lẽ tại TT phát triển nghệ thuật âm nhạc VN, hiếm có trường hợp nào đến với hát xẩm một cách đặc biệt như Thu Phương. Sinh ra và lớn lên tại Uông Bí (Quảng Ninh), từ nhỏ Thu Phương rất yêu thích và đam mê hát xẩm.

 

Song, do điều kiện kinh tế gia đình không cho phép nên tốt nghiệp cấp III, Thu Phương theo học chuyên ngành điện công nghiệp- CĐ Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh. Ra trường nhưng không xin được việc, Thu Phương cùng bạn mở quán cắt tóc gội đầu.

 
 
Giới trẻ Hà thành và tình yêu âm nhạc truyền thống - 3

Giao lưu với khán giả

 

Cho đến khi, biết được thông tin TT phát triển nghệ thuật Âm nhạc VN mở lớp dạy hát xẩm miễn phí, ngay lập tức, Thu Phương khăn gói từ Quảng Ninh lên Hà Nội và theo học.

 

Hiện tại,Thu Phương đã trở thành một trong những nghệ sỹ trẻ tuổi nhất tại trung tâm. Thu Phương chia sẻ: “Hát xẩm cũng như những loại hình âm nhạc dân tộc khác, ăn sâu vào máu thịt của người Việt như một dòng chảy, nếu được khơi thông sẽ phát triển không ngừng”.

 

Góp phần bảo tồn và phát huy

 

Nhạc sỹ Thao Giang (PGĐ TT phát triển nghệ thuật Âm nhạc VN) cho biết: “Theo điều tra gần đây nhất của Trung tâm thì có đến 85% thanh niên yêu thích âm nhạc truyền thống.

 

Trước đây, nhiều người nghĩ rằng nó chỉ dành cho những người cao tuổi, hoặc hoài cổ về những điều cũ. Nhưng bây giờ âm nhạc truyền thống lại khiến nhiều bạn trẻ đam mê. Điều đó đủ chứng tỏ sự lan tỏa và sức hấp dẫn của các loại hình nghệ thuật này”.

 
Giới trẻ Hà thành và tình yêu âm nhạc truyền thống - 4

Trang điểm trước giờ diễn

 

Không dừng lại ở việc trở thành “nghệ sỹ” nghiệp dư, với tình yêu âm nhạc truyền thống, nhiều bạn trẻ đã tình nguyện gìn giữ nét văn hóa dân tộc trong từng câu hát, điệu hò,… Không chỉ bằng cách bảo ban những người mới tham gia lớp học, những bạn trẻ này thậm chí còn sẵn sàng cùng với đoàn đi biểu diễn không công, miễn sao tìm thấy ở đó những ánh mắt lấp lánh niềm vui, đón chờ của công chúng.

 

Anh Đoàn Minh Thông (Trưởng đoàn nghệ thuật TT phát triển nghệ thuật Âm nhạc Việt Nam) cho biết: “Những bạn đến đây, trước giờ diễn là những bạn rất trẻ, rất teen. Thế nhưng, khi lên sân khấu họ lại là những anh nông dân chân chất, những cô thôn nữ e lệ đến đằm thắm, mặn mà”.

 

Hà Quyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm