Chuyện về người tù tổ chức đào hầm vượt ngục Phú Quốc

(Dân trí) - 4 đường hầm được đào nhưng chỉ có “công trình” của Chi bộ 7 hoàn thành và đi đến cái đích cuối cùng, đưa 22 tù nhân Phú Quốc thoát ra ngoài an toàn. Trong thời khắc đó, ông quyết định ở lại nhà tù để tránh gây trở ngại cho cuộc vượt ngục.

Tổ chức đào hầm cho tù binh vượt ngục

Chúng tôi gặp ông trong một ngày đầu xuân, giữa cái rét rất ngọt. Người ông như rung lên, tiếng nói nhiều khi như không rõ lời nhưng hành trình tổ chức vượt ngục cho các tù nhân nhà giam Phú Quốc lại được ông tái hiện một các rõ ràng. Chuyện đã 40 năm rồi nhưng cứ như thể nó vừa diễn ra ngày hôm qua. 

Chuyện về người tù tổ chức đào hầm vượt ngục Phú Quốc - 1

Ông Thuận và người vợ đã 4 năm làm giỗ cho chồng

19 tuổi, chàng thanh niên Vương Đức Thuận (SN 1935, trú tại xóm Thái Bình, xã Nghi Thái, Nghi Lộc, Nghệ An) lên đường nhập ngũ, biên chế vào Trung đoàn 264 rồi được điều sang đơn vị trinh sát Trung đoàn 925, tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào. Tháng 8/1964, ông được rút về tiểu đoàn 1, Quân khu 4, vào chiến đấu ở chiến trường Trị - Thiên. Là lính trinh sát, ông được bố trí vào đơn vị Lũy Thừa 1 nhận nhiệm vụ “tập kích” vào khách sạn Hương Giang. “Năm 67-68, để tránh sự “xâm nhập” của Việt Cộng vào nội thành Huế, gây nguy hiểm cho vùng chiến thuật số 1, Mỹ đã tăng cường đến Huế 140 sỹ quan cố vấn cho lực lượng ngụy quân. Đội cảm tử quân gồm 24 chiến sỹ chúng tôi được lệnh tiêu diệt số cố vấn này”.

Đội cảm tử quân chia làm 3 mũi tấn công, ông Thuận và 16 đồng chí khác đóng giả làm sỹ quan ngụy rồi đàng hoàng tiến vào khách sạn Hương Giang - nơi toàn bộ sỹ quan cố vấn Mỹ trú ngụ. Sau khi tiêu diệt 2 tên lính gác, 24 chiến sỹ cảm tử được phân công mỗi người một phòng (nơi có 4-5 cố vẫn Mỹ ở) và tiêu diệt hoàn toàn đội cố vấn này trước khi chúng kịp trở tay. Thế nhưng trên đường rút khỏi khách sạn Hương Giang, 22 đồng chí hy sinh, ông Thuận và một y sỹ bị thương. Khi tỉnh dậy ông thấy mình đang ở trong nhà giam Đà Nẵng. 3 tháng sau, nghi ngờ về chiến dịch lớn sắp nổ ra, Việt Công sẽ đánh vào trại giam Đà Nẵng để giải thoát cho các tù binh, địch đã chuyển toàn bộ tù binh gần 1.000 người ra nhà ngục Phú Quốc (Kiên Giang).

Đảng bộ nhà tù Đà Nẵng được chuyển đến trại B2 và chỉ thị: phải tổ chức cho anh em tù binh vượt ngục! Cách duy nhất để thoát khỏi đây chính là đào đường hầm ngầm từ trong phòng giam ra ngoài. Nhưng khi công việc mới tiến hành thì bị bại lộ. Địch bắt toàn bộ tù nhân nhiều tuổi nhất trại và đưa vào phòng biệt lập tra tấn.

“Đồng chí Long - Bí thư chi bộ bị chúng tra tấn dã man, kẹp 2 chân, chết đi sống lại mấy lần. Không khai thác được gì, chúng dùng đinh 10 đóng thẳng từ đỉnh đầu xuống trán đồng chí ấy, như chúng gọi là “phương pháp đục óc cộng sản”. Đồng chí Long hy sinh, chúng đưa tôi vào tra tấn. Không khai thác được gì, chúng lấy đinh đóng vào đầu gối của tôi để “cho mày tàn phế, đừng hòng nuôi mộng làm cộng sản”. Sau 2 tháng tra tấn dã man với đủ loại nhục hình mà không thu được kết quả gì, chúng buộc phải thả các tù nhân “đặc biệt” này về các trại tập trung tại Khu A5.

2 tháng sau, ông Thuận đã móc nối được với Đảng bộ trại A5 và được bầu vào BCH Đảng bộ, phụ trách Chi bộ 7. Nhiệm vụ đặt ra là phải đào đường hầm để tổ chức cho anh em vượt ngục. 4 chi bộ được giao đào 4 đường hầm, ông Thuận phụ trách chỉ huy đào đường hầm của chi bộ 7. “Cái khó nhất là dụng cụ để đào. Anh em tù khỏe mạnh bị bắt ra lao động ở ngoài đã tìm cách dấu và mang về phòng giam bì tải, cọc sắt. Anh em ở trong trại có nhiệm vụ dùng đá đập cọc sắt bẹp thành những cái thuổng. Nhưng dụng cụ phổ biến nhất và hữu hiệu nhất là nắp cà-mèn. 

Chuyện về người tù tổ chức đào hầm vượt ngục Phú Quốc - 2

Những tháng ngày ở trại giam, địch đã từng đóng đinh vào đầu gối hòng khuất phục người tù binh này

Cứ 3 người xuống hầm, vừa đào, vừa vận chuyển đất lên. Những người ở trên có nhiệm vụ gạt lớp đất khô xung quanh nền nhà, đổ đất mới đào xuống nén thật chặt rồi rải lớp đất khô lên một lần nữa. Sau cái vụ đào hầm bị phát hiện, lính cai ngục đi tuần dữ hơn nên anh em nghĩ ra một cách, buộc cái lon sữa bò rồi thòng dây xuống hầm. Khi nào lính ngục đi kiểm tra phải giật dây báo hiệu để anh em nhanh chóng lên “điểm danh”. Cứ như thế, ròng rã 3 tháng trời chúng tôi đã đào được đường hầm từ phòng giam, qua bãi mìn và ra vùng an toàn. Con đường hầm dài 150m, cao chừng 1m, rộng 60cm ở đoạn đầu, đến đoạn cuối cùng chỉ đủ để 1 người bò ra được”, ông Thuận nhớ lại.

Sau khi đường hầm của Chi bộ 7 hoàn thành sớm hơn các chi bộ khác, Đảng bộ quyết định cho anh em vượt ngục bằng con đường này. Toàn bộ anh em đào hầm (12 người), BCH chi bộ 7 và BCH Đảng bộ trại A5 cùng với anh hùng quân đội Doãn Hữu Thắng (quê Quảng Nam) được tổ chức đưa ra ngoài. Đến phút chót, ông Thuận xin ở lại trại giam: “Tôi bị thương ở chân, nếu đi cùng sẽ vướng víu cho anh em, có khi sẽ khiến cuộc vượt ngục thất bại. Tôi sẽ ở lại, nếu bị phát hiện tôi sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn. Các đồng chí vượt ra được ngoài đó hãy chiến đấu và giải thoát cho chúng tôi”.

Đó là một ngày cuối năm 1972. Các tù binh vượt ngục thành công trước khi bọn cai ngục phát hiện ra đường hầm này. Không làm được gì, chúng đành chuyển ông Thuận và các anh em tù miền Bắc vào một trại riêng. Đầu năm 1973, ông được trao trả theo Hiệp định Pari. Sau này ông mới biết, 22 tù nhân sau khi ra được vùng an toàn đã tìm cách liên lạc với Tỉnh đội Kiên Giang và thành lập một đơn vị ở lại Phú Quốc chiến đấu cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Người chết trở về

Được trao trả theo Hiệp định Pari, Vương Đức Thuận theo đoàn thương binh, tù nhân ra an giưỡng tại Hà - Nam - Ninh. Ra đến nơi an dưỡng, việc đầu tiên là ông biên thư gửi về nhà báo tin. Nhưng ông đâu có ngờ, bố mẹ và vợ con ông đã nhận được giấy báo tử của ông từ 4 năm trước. Bà Vương Thị Hồng - vợ ông Thuận nhớ lại: “Năm 1969, gia đình tôi nhận được giấy báo tử của ông Thuận. Đồng đội của ông ấy cũng tìm về tận nhà thăm hỏi và khẳng định chính ông ấy đã an táng cho ông Thuận nhà tôi. Đau đớn lắm, hai bố mẹ già, 2 đứa con dại... Nhưng rồi nỗi đau cũng nguôi ngoai thì đùng một cái, đầu năm 1973 chúng tôi nhận được thư của ông ấy gửi về, bảo đang an dưỡng tại Hà - Nam - Ninh. Đến bố chồng tôi lúc đó cũng không tin là ông Thuận còn sống. Có giấy báo tử, lại có người đến bảo tận tay chôn chồng tôi rồi, vết thương bắt đầu liền da thì lại bị bức thư kia đào xới lại, đau gấp trăm lần. Vẫn hy vọng là chồng còn sống nhưng tôi không dám tin”. 

Chuyện về người tù tổ chức đào hầm vượt ngục Phú Quốc - 3

Sau bao sóng gió của cuộc đời, giờ ông bình yên bên những đứa cháu, chắt của mình

Thư gửi về mà không thấy hồi âm, ông xin đơn vị về quê. Lúc đó, ở nhà vợ ông đã làm được 4 cái giỗ cho chồng. Chịu bao khổ ải trong ngục tù, người ông gầy xọp, râu ria đâm tua tủa. Bước chân vào đến cổng đứa con gái lúc đó đã 10 tuổi khóc thét lên vì sợ. Còn bà Hồng thì được thằng con cả chạy ra tận đồng để báo tin. Sấp ngửa về đến nơi, thấy ông chồng đã làm 4 lần giỗ đang đứng trước mặt, bà chỉ kịp lao đến mà đấm vào người ông túi bụi và khóc.

Tất cả mọi người đều vui mừng trước sự trở về của ông nhưng cô con gái Vương Thị Minh thì không. Khi ông đi, chị Minh mới tròn 1 tuổi. “Hồi bố tôi đi, tôi còn nhỏ quá không còn nhớ được gì cả. Lớn lên một chút thì nghe mọi người bảo bố tôi hi sinh trong chiến trường rồi. Tất cả hình ảnh của bố trong tâm trí tôi là từ một tấm ảnh ông chụp trước khi đi B, hồi đó ông trắng trẻo, đẹp trai, vạm vỡ chứ không gầy guộc như lúc về. Thấy bố không giống với người trong ảnh nên nhất quyết tôi không nhận. Bố cứ sán lại gần vồ vập, ôm ấp là tôi chạy mất. Mẹ có sai đưa gì cho bố cũng chỉ dúi một cái rồi chạy, thậm chí đến bữa cơm tôi cũng không mời bố”, chị Minh kể lại.

Chuyện về người tù tổ chức đào hầm vượt ngục Phú Quốc - 4

Ông Vương Đức Thuận (đứng giữa) chụp hình chung với những người bạn tù trong một dịp ông trở lại Phú Quốc

Nhìn con “từ” mình, ông xót lắm. Xót nhưng không làm gì được, ông càng gần thì nó càng đẩy ông ra xa. Mãi cho đến khi đứa em gái thứ 3 chào đời, chị Minh mới chịu gọi ông Thuận bằng bố. “Bố tôi về, mẹ sinh được 3 người em nữa. Hồi đó mọi người thường đùa tôi và anh Bình là con của “người”, còn 3 đứa em sinh sau này là con của “ma”, chị Minh cười phá lên với câu chuyện ngộ nghĩnh của mình.

Còn ông Thuận, sau khi trở về từ cõi chết, ông công tác tại tỉnh đội Nghệ An. Chiến tranh biên giới bùng nổ, ông xung phong ra trận nhưng vì là thương binh nặng nên không được chấp nhận. Tự ái, ông xin xuất ngũ, về quê làm một anh nông dân chính hiệu. Ngay dưới mắt cá chân phải của ông vẫn còn một cái đầu đạn “yên vị” trong đó. Vì ở phần mềm nên cũng không ảnh hưởng gì lắm đến sức khỏe. Cũng có mấy lần định phẫu thuật để gắp nó ra nhưng rồi ông quyết định “sống chung” với nó, giữ nó lại để làm “kỷ niệm” cho một thời máu lửa chiến tranh.

“Giờ con cái ra cửa nhà hết rồi, hai vợ chồng già chúng tôi cũng sống không đến nỗi thiếu thốn với 3,5 triệu tiền trợ cấp thương binh của tôi. Thỉnh thoảng vết thương ở đầu gối giở chứng, đau không thể ngủ được nhưng cuộc sống cũng không có gì để phàn nàn nữa”, ông Thuận tâm sự. Ông nói vậy nhưng tôi vẫn thấy trong ánh mắt già nua ấy vẫn còn canh cánh một nỗi niềm. Với những đóng góp của ông trong cuộc vượt ngục ở Phú Quốc, BLL cựu tù Phú Quốc ở Sài Gòn và BLL cựu tù Phú Quốc ở Nghệ An đã làm hồ sơ đề nghị phong tặng ông là anh hùng. Hồ sơ đã gửi hơn 1 năm rồi nhưng vẫn chưa thấy hồi âm.

Hoàng Lam