Chuyện tìm dầu ở “cường quốc hoa hậu”

Nói đến Venezuela là người ta dễ nghĩ ngay đến đây là “cường quốc Hoa hậu”. Cũng phải thôi, đất nước này sản sinh ra nhiều Hoa hậu Thế giới và Hoa hậu Hoàn Vũ nhất quả đất.

Nhưng Venezuela còn là cường quốc về dầu mỏ, với trữ lượng đứng hàng thứ 3 trên thế giới.

Ngày 19/4, tại lô Junin 2, Liên doanh PetroMacareo (Liên doanh giữa PVEP với Công ty Dầu khí Venezuela) bắt đầu khoan khai thác dầu.

Hơn 5 năm qua, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các Ban chuyên môn cùng đội ngũ cán bộ, kỹ sư PVEP đã nỗ lực không biết mệt mỏi, đã kiên nhẫn đến mức như… “ngồi thiền”, đã vượt qua vô vàn khó khăn, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng để có được ngày hôm nay.

Kỳ 1 – Chuyện cũ kể lại

Tôi đến giàn khoan PDV 39 vào lúc gần trưa ngày 19/4. Nắng như dội lửa. Gió thổi như bão. Giàn khoan cao sừng sững bằng ngôi nhà hơn chục tầng như đóng một chiếc đinh khổng lồ giữa một vùng bình nguyên bao la trải dài ngút tầm mắt.

Để đến được đây, các anh cán bộ của Văn phòng PVEP tại Venezuela đã phải lấy vé máy cho tôi bay nối chuyến từ Caracas đến thành phố Puerto Ordaz. Rồi từ sân bay Ordaz, anh em đưa tôi chạy luôn một mạch hơn 200km đến một thị trấn có cái tên mang danh loài thú dữ – “Tiger” để nghỉ đêm tại đó (mặc dù trên đất Venezuela không có sự hiện diện của loài hổ). Thế rồi 5 giờ sáng, chúng tôi lại vục dậy, chạy như cướp đường tiếp hơn 300km nữa để tới giàn khoan. Sở dĩ phải đi như vậy là vì theo kế hoạch, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Tổng giám đốc PVN Đỗ Văn Hậu cùng một số quan chức Chính phủ Venezuela sẽ tới giàn khoan bằng máy bay trực thăng lúc 10 giờ 30 phút để chứng kiến mũi khoan đầu tiên của những người thợ dầu khí Việt Nam và Venezuela xoáy vào lòng đất vùng Nam Mỹ. Cho nên, nếu không tranh thủ đi thì không kịp ghi lại những khoảnh khắc rất có ý nghĩa ấy.

Chuyện tìm dầu ở “cường quốc hoa hậu” - 1
Cán bộ, kỹ sư Việt Nam và Venezuela trên giàn khoan PVD 39 tại lô Junin 2.
 
Tổng cộng quãng đường từ thành phố Ordaz – nơi có văn phòng của Công ty Liên doanh PetroMacareo – đến giàn khoan là hơn 500 cây số, nghĩa là bằng từ Hà Nội lên… Điện Biên. Đường từ thị trấn Tiger xuống lô Junin 2 và ra giàn khoan khá hẹp, nhiều đoạn đang cải tạo nên xe phải chạy chậm.
 
Nhưng bù lại là đường cực kỳ vắng, có khi tới năm chục cây số mới thấy có vài ngôi nhà, cho nên xe chạy được với tốc độ khá cao. Còn từ giàn khoan, trong vòng bán kính bảy chục cây số, tuyệt nhiên không có ngôi nhà nào. Vì thế mà anh em của PVEP làm việc tại giàn khoan phải thuê nhà dân ở một ngôi làng cách giàn hơn 80 cây số. Và để đảm bảo thời gian làm việc, hàng ngày, anh em phải dậy từ hơn 5 giờ sáng, phóng ôtô đi tới giàn PVD 39, làm việc xong, chiều tối mới về. Làm báo cáo tình hình công việc với lãnh đạo xong, có khi là nửa đêm… và họ đã làm việc như thế gần hai năm nay.

Cũng phải nói thêm rằng, nơi đây không điện, không nước, không điện thoại di động, không có cả những cây cổ thụ, mà chỉ rặt một loài cây  giông giống như cây điều lộn hột ở xứ mình, nhưng cao không quá 3m. Cũng thi thoảng lắm mới thấy có vài cây Marincha, một loại cây họ dừa, gần giống như cây cọ vùng Trung du miền Bắc nước ta. Đây là loại cây được coi là “quốc mộc” của Venezuela.

Loại cây này được người dân kính trọng từ trong sâu thẳm của tiềm thức. Sự linh thiêng của nó đã được tôn trọng tuyệt đối và được đưa vào… luật một cách rất giản dị. Ấy là: Các nhà máy, xí nghiệp, các công trình xây dựng công nghiệp, phải được đặt cách xa cây Marincha… ít nhất 300m.
 
Thậm chí mở đường cao tốc, nếu gặp cây, phải làm tránh xa ra. Anh em PVEP tại đây bảo tôi rằng, muốn làm ăn ở Venezuela phải nhớ mấy con số này, đó là: Chỉ được góp vốn đầu tư vào khai thác dầu và khoáng sản không quá 40%; Chỉ được sử dụng không quá 10% lao động là người nước ngoài và làm gì cũng tránh xa bờ sông, cây Marincha… 300m. Đó là những nguyên tắc bất di bất dịch, không bao giờ được đưa ra bàn thảo. Tôi chưa có thời gian để tìm hiể u vì sao cây Marincha lại linh thiêng đến thế và anh em cũng chỉ mới cho hay rằng, nơi nào có cây này thì dưới đó có nguồn nước ngầm.
 
Chuyện tìm dầu ở “cường quốc hoa hậu” - 2
Một góc thủ đô Caracas

Gần trưa có thông tin từ Caracas cho biết là Phó Thủ tướng khả năng sẽ tới vào lúc… 16 giờ, bởi lẽ kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam – Venezuela khai mạc muộn mất… 3 giờ.

Lại muộn giờ - Với ở đâu, ít có chuyện sai lệch giờ giấc, còn ở “cường quốc hoa hậu” này, đó là chuyện… bình thường. Không cần chính xác lắm về giờ giấc; không quan trọng lắm về tính chuyên nghiệp trong công việc (trừ huấn luyện hoa hậu)… Thong thả, đủng đỉnh, tùy hứng, vui vẻ, thân tình trong giao tiếp; thích hùng biện, thích nói “những lời có cánh” – đó là những nét tạm gọi là “đặc trưng văn hóa” của người Venezuela.

Buổi trưa, nắng dã man. Trừ những cán bộ, kỹ sư của phía Venezuela là có nhà “kem” (Camp) để chui vào nghỉ - một kiểu nhà được chế bằng container loại 40 phít, trong đó có gắn máy lạnh đàng hoàng. Còn anh em cán bộ, công nhân Việt Nam thì đành ra bụi cây ngồi. Thực ra, bạn cũng chẳng cấm anh em ta vào tránh nắng, thi thoảng anh em vào xin ngụm nước, chứ ở lâu cũng bất tiện. Đã chịu cái nóng như vậy, lại phải mặc đồ bảo hiểm lao động là áo liền quần màu đỏ như lửa cháy và đi đôi giày nặng đến hơn 7 lạng một chiếc, quả thực là một cực hình.

Sở dĩ anh em ta chưa có nhà nghỉ tại giàn khoan là bởi phía Công ty Liên doanh chưa sắm về kịp. Theo kế hoạch, nếu được phía Venezuela thực hiện khẩn trương, thì khoảng nửa tháng nữa cảnh ăn nghỉ ngoài… bụi cây của anh em sẽ chấm dứt. Phải chờ đợi trong cảnh ấy, nhưng tôi tịnh không thấy có một ai thốt ra lời kêu ca, phàn nàn. Tôi tỉ tê hỏi chuyện về nỗi khổ cực ở đây, hóa ra, theo anh em thì nỗi khổ cực ở đây “chưa là cái đinh gì” so với những ngày “vạn dặm tìm dầu” ở Algeria, ở vùng cực Bắc nước Nga. Mà đa phần anh em làm việc tại đây từng có mặt ở những nơi đó.

Đói quá, thấy các công nhân Venezuela nướng thịt bò, một anh ra xin và được bạn cho một cục to tướng. Vậy là chúng tôi chia nhau xé ăn. Không dao, dĩa, không mâm bát, không có gia vị… Thịt bò họ ướp kiểu gì ấy, mặn như kho. Nhưng vẫn phải ăn. Một lát sau, các bạn Venezuela gọi vào lấy đồ ăn và mỗi người được hai miếng thịt bò nướng, ít rau cải bắp, cà rốt thái chỉ trộn dấm chua loen loét và dầu ăn.

Chuyện tìm dầu ở “cường quốc hoa hậu” - 3
Merei Lisa - Hoa hậu Venezuela năm 2009

Hôm nay, được có mặt tại đây, đối với tôi đó là sự may mắn hiếm có trong nghề. Nói là may mắn bởi vì tôi đã có cơ may được chứng kiến những buổi thương thảo bàn về Hợp đồng Liên doanh khai thác dầu ở lô Junin 2 từ tháng 6/2008, rồi được dự buổi ký bản hợp đồng lịch sử không chỉ của Petrovietnam mà còn là lớn nhất nước ta từ trước tới nay cho một dự án đầu tư tại nước ngoài vào mùa thu năm 2010. Và đến hôm nay, tôi lại có mặt tại đây để chứng kiến mũi khoan cắm vào lòng đất, lấy lên dòng dầu thương mại vào tháng 7 tới đây.

Tôi nhớ lần thương thảo năm ấy, đoàn PVN có anh Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên, anh Đỗ Văn Hậu, lúc đó là Phó tổng giám đốc cùng lãnh đạo PVEP, PV Oil, PVD và hàng chục cán bộ các ban nghiệp vụ của Tập đoàn, các chuyên viên cao cấp… Ngày nào cũng bàn bạc, thảo luận với phía bạn đến tận nửa đêm. Tới bữa thì xuống nhà ăn tập thể, hoặc bánh ngọt, hoa quả, nước ngọt bày sẵn đấy… Vừa ăn vừa bàn, vừa ăn vừa trình bày… Thống nhất với nhau được vấn đề nào, việc nào là làm biên bản, ký ngay lập tức. Được chứng kiến cảnh các anh, các chị ở Tập đoàn đàm phán trực tiếp với phía Venezuela bằng tiếng Anh, tôi phục lăn.

Cũng phải nói thêm rằng, ngày ấy, tôi cũng như rất nhiều người Việt Nam khác coi chuyện ngành Dầu khí kiếm tiền là “chọc mũi khoan xuống bể dầu, cho nó phun lên, múc đem đi bán… Có thế thôi, làm gì mà chả giàu? Thằng nào mà chả làm được”. Nhưng sau cái lần ấy, tôi mới ngộ ra rằng, hóa ra ngành công nghiệp Dầu khí là sự kết hợp giữa nhiều ngành công nghiệp, nhiều ngành kinh tế mà trong đó có cả kinh tế tri thức. Và cái chuyện tìm dầu đúng là thiên nan, vạn nan. Đầu tư cho một mũi khoan có khi tốn cả ngót trăm triệu đôla, mà tỉ lệ rủi ro thì không có ngành nào chịu đựng như thăm dò khai thác dầu khí. Chính vì thế mà ở Việt Nam, chẳng có đại gia nào dám bỏ tiền ra đầu tư vào khai thác dầu khí. Lắm tiền nhiều của như ông Hoàng Anh Gia Lai kia, chắc cũng không dám bỏ tiền ra đấu thầu một lô ngoài biển, đầu tư vài trăm triệu đôla, khoan lấy dăm mũi khoan thăm dò…

Và nếu cứ với tỉ lệ thông thường là 10 ăn 1, nghĩa là cứ 10 mũi khoan thì 1 mũi tìm thấy dầu và cứ 10 mũi tìm thấy dầu thì may ra có 2 mũi được dầu thương mại, thì chắc ông chủ Hoàng Anh Gia Lai cũng chạy… mất dép. Rủi ro trong ngành khai thác Dầu khí lớn đến mức mà rất hiếm công ty dám “đơn thương độc mã” bỏ tiền ra tìm kiếm, thăm dò, khai thác. Thường là các công ty cứ phải liên doanh, liên kết với nhau… để nhằm chia sẻ rủi ro. Nhiều người không biết, cứ lớn tiếng phê phán rằng, ngành Dầu khí là độc quyền Nhà nước… Họ có biết đâu rằng, việc đấu thầu quốc tế thăm dò khai thác dầu khí ở Việt Nam là điều được Chính phủ đặc biệt quan tâm và khuyến khích tất cả mọi doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhưng ở Việt Nam, không một ông chủ nào có đủ tiềm lực tài chính để khoan thăm dò lấy chục mũi khoan ngoài biển.

Chuyện tìm dầu ở “cường quốc hoa hậu” - 4
Các học viên tại Trung tâm đào tạo Hoa hậu Miss Venezuela

Cho đến giờ, mặc dù đã 4 năm trôi qua, nhưng trong tôi vẫn giữ nguyên những hình ảnh và lời nói của Tổng thống Hugo Chavez trong buổi lễ ký kết các văn kiện hợp tác giữa Chính phủ hai nước tại kỳ họp Ủy ban Liên Chính phủ lần thứ I.

Buổi lễ được tổ chức trong một hội trường của Phủ Tổng thống… Hội trường hơi chật, chỉ đủ chỗ cho khoảng 200 người được bài trí đơn giản, không có những băng rôn, khẩu hiệu. Một số bộ trưởng, tướng lĩnh quân đội thì ngồi phía trên, sát bên cánh gà. Còn Tổng thống Hugo Chavez, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Dầu khí Venezuela, ông Rafael (giờ ông là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) thì ở vị trí chính giữa, trước bức hình người Anh hùng dân tộc Simon Bolivar.

Mọi người ổn định chỗ ngồi xong và hồi hộp chờ Tổng thống xuất hiện thì có một cô gái còn rất trẻ, nom như người dẫn chương trình truyền hình lên bục và dõng dạc… điểm danh! Cô gọi tên từng vị trong chính phủ. Tới ai, người đó đứng dậy và hô: “Có!”. Nhưng sau khi điểm danh “quân nhà” xong, cô lại dõng dạc xướng tên các cán bộ của đoàn Việt Nam, mà người đầu tiên là Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, rồi kế đến là Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng… Điểm danh xong, cô mời Bộ trưởng Hoàng lên đoàn Chủ tịch… 5 phút rồi 10 phút trôi qua, vẫn chưa thấy Tổng thống tới. Tôi và một số phóng viên của Venezuela thì cứ ngóng ra ngoài. Nhưng bỗng thấy hội trường vỗ tay vang dậy, cánh phóng viên quay lại thì đã thấy Tổng thống Hugo Chavez ôm hôn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng (chẳng rõ ông đi vào bằng đường nào). Không hiểu ông nói gì với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhưng cứ nhìn ánh mắt, nụ cười, những động tác ôm vai, bắt tay ấm áp thì đủ biết Tổng thống đang rất vui vì được gặp những người bạn Việt Nam.

Sau bài phát biểu ngắn của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là lễ ký kết các văn bản hợp tác giữa một số bộ, ngành của Việt Nam với các đối tác Venezuela. Lễ ký diễn ra nhanh chóng và sau đó, Tổng thống Hugo Chavez phát biểu.

Sau khi nhắc lại những kỷ niệm của lần sang thăm Việt Nam lần trước và đặc biệt là được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông nói với vẻ xúc động: “Tôi không may mắn là chưa được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng tôi đã được đọc một số tác phẩm của Người. Người dạy chúng ta là phải thương dân, chăm lo cho nhân dân… Tôi luôn trung thành với lý tưởng của Người và nguyện học theo những lời Người dạy. Vào giờ này, những ngọn đèn trên đại lộ Simon Bolivar đã tỏa sáng. Ánh sáng trên đại lộ là từ những bóng điện của Việt Nam… Và đó là ánh sáng của tư tưởng Hồ Chí Minh đang chiếu rọi trên đất nước Venezuela”.

Nói đến đó, Tổng thống ngừng lại im lặng giây lát rồi ông cất tiếng hát, một bài hát ca ngợi Hồ Chí Minh. Cả hội trường lặng đi xúc động rồi vang dậy tiếng vỗ tay. Rồi ông nói tiếp: “Sắp tới, tôi sẽ sang thăm Việt Nam, tôi sẽ phải dành thời gian để các đồng chí cho tôi biết kinh nghiệm làm thế nào mà một nước Việt Nam bị kiệt quệ qua hàng chục năm chống lại kẻ thù, từng thiếu gạo trầm trọng mà nay trở thành một quốc gia đứng thứ nhì thế giới về xuất khẩu gạo? Các đồng chí phải cho tôi biết kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo…”.

Sau đó Tổng thống quay sang ông Rafael, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Dầu khí Venezuela: “Mấy ngày vừa qua, các đồng chí đã làm được rất nhiều việc để chuẩn bị cho những hợp tác kinh tế to lớn trong tương lai. Nhưng… đồng chí Bộ trưởng, tôi yêu cầu các đồng chí phải khẩn trương hơn nữa, phải hoàn tất các thủ tục thật nhanh. Tôi muốn tất cả các hợp đồng quan trọng nhất phải được ký vào dịp anh Nguyễn Minh Triết sang thăm Venezuela. Tôi và anh Triết sẽ chứng kiến lễ ký đó… Đồng chí Rafael, có làm được không?”.

Bộ trưởng Rafael, đứng lên: “Thưa Tổng thống, chắc chắn là được”.

Rồi Tổng thống lại hỏi: “Với số lượng dầu lớn như vậy, chúng ta phải thành lập một đội tàu chuyên chở, có đúng không, đồng chí Rafael?”.

Bộ trưởng Rafael lại đứng lên: “Thưa Tổng thống, đúng như vậy”.

Tổng thống quay lại nói với một cán bộ: “Mang cho tôi tấm bản đồ thế giới và cây bút lại đây”.

Vài phút sau, một tấm bản đồ thế giới cỡ nhỏ được đưa tới cho Tổng thống. Ông giơ tấm bản đồ lên: “Đội tàu của chúng ta sẽ không đi qua Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương… chúng ta phải chọn con đường ngắn hơn, theo tôi, có lẽ phải đi qua kênh đào Panama và vượt Thái Bình Dương… Lúc đó con đường sẽ thẳng tưng như thế này…”. Ông lấy cây chì đỏ vạch một đường dứt khoát trên tấm bản đồ.

Nhưng sau cái đận ấy, các đoàn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, của PVEP vẫn bay đi bay về như con thoi và đến ngày 27/10/2010, việc ký hợp đồng mới được thực hiện. Chuyện ký kết hôm ấy cũng vui đáo để.
 
Theo Nguyễn Như Phong
Petrotimes