Sự đáng sợ của U22 Việt Nam từ các tình huống bóng bổng

(Dân trí) - So với các kỳ giải trước, U22 Việt Nam tại SEA Games 30 hiện nguy hiểm hơn trong các pha tấn công bóng bổng, nhờ vào dàn cầu thủ có thể hình đẹp và có khả năng không chiến tốt.

U22 Việt Nam 1-0 U22 Singapore: Đức Chinh mở tỉ số

Thấy rõ là trong 2 trận đấu gần nhất trước Indonesia và Singapore, khi bế tắc trong các tình huống phối hợp nhóm nhỏ, đội tuyển U22 Việt Nam chuyển sang đá bóng bổng, cố gắng khai thác các tình huống cố định, và thành công.

Ở trận đấu với Indonesia, trung vệ Thành Chung lên tham gia tấn công, đánh đầu ghi bàn gỡ hoà cho đội bóng của HLV Park Hang Seo trước đội bóng xứ vạn đảo.

Còn trong trận đấu với Singapore, đến lượt hậu vệ trái Đoàn Văn Hậu, cũng trong một pha lên tham gia tấn công, từ tình huống đá phạt góc của đồng đội, đánh đầu chuyền bóng cho Hà Đức Chinh, bằng một pha đánh đầu khác, đưa bóng vào lưới Singapore.

Sự đáng sợ của U22 Việt Nam từ các tình huống bóng bổng - 1
U22 Việt Nam hiện thiện chiến hơn trong các pha không chiến (ảnh: An An)

Để chơi bóng bổng tốt, các đội bóng cần đến những cầu thủ có thể hình đẹp, U22 Việt Nam hiện sở hữu dàn cầu thủ như thế, so với mặt bằng bóng đá Đông Nam Á. 

Khác với các kỳ giải trước, hiện tại, thể hình của các cầu thủ Việt Nam tốt hơn nhiều. Trong từng trận đấu, đội bóng của HLV Park Hang Seo có thể sử dụng cùng lúc 6 – 7, thậm chí 8 cầu thủ cao từ 1m80 trở lên.

Nhóm cầu thủ này gồm thủ môn (Bùi Tiến Dũng hoặc Nguyễn Văn Toản), 3 trung vệ (Thành Chung, Tấn Sinh, Đức Chiến), hậu vệ trái Đoàn Văn Hậu, hậu vệ phải Hồ Tấn Tài, tiền vệ Nguyễn Hoàng Đức và trung phong Nguyễn Tiến Linh.

Không đội nào ở Đông Nam Á, hay chí ít không đội nào ở SEA Games 30 có nhiều cầu thủ có thể hình tốt như và đều như U22 Việt Nam, kể cả các đội Singapore và Philippines, những đội bóng nổi tiếng về thể hình trong khu vực.

Sự đáng sợ của U22 Việt Nam từ các tình huống bóng bổng - 2
Không chiến tốt giúp U22 Việt Nam có thêm phương án tiếp cận khung thành đối phương (ảnh: An An)

Đấy chính là một trong những nguyên nhân mà so với nhiều giải đấu trước đây, tại kỳ SEA Games đang diễn ra, U22 Việt Nam không chiến tốt hơn hẳn. 

Riêng tiền đạo Hà Đức Chinh dù cao không tới 1m80, nhưng với chiều cao 1m76, anh cũng không phải dạng tiền đạo lùn ở khu vực Đông Nam Á. Vả lại, một khi đối thủ phải chú ý kèm nhiều cầu thủ cao lớn bên phía U22 Việt Nam trong các pha không chiến, tự nhiên Đức Chinh sẽ có nhiều khoảng trống hơn để chiếm lĩnh bóng tầm cao.

Cộng thêm việc Đức Chinh có sức bật rất tốt, chọn điểm rơi tốt, nên anh cũng là cầu thủ nguy hiểm trong các pha bóng bổng, mà 4/5 bàn thắng của cầu thủ này từ đầu giải đến giờ phản ánh điều đó.

Có thêm phương án tấn công bóng bổng, U22 Việt Nam sẽ có thêm một phương án giải quyết bế tắc khi cần, làm đa dạng hơn nữa lối chơi và cách tiếp cận khung thành đối thủ từ phía chúng ta. Đó sẽ là miếng đánh hứa hẹn sẽ hữu dụng, khi đối đầu U22 Thái Lan lúc 15h hôm nay.

Nếu đội bóng của HLV Park Hang Seo củng cố thêm khả năng phòng ngự, không lặp lại các sai lầm dẫn đến các bàn thua trong những trận đấu với Lào và Indonesia, chúng ta sẽ còn khó đánh bại hơn nữa!

Kim Điền