Sân khấu và những bi hài đằng sau chuyện sáp nhập
(Dân trí)- Sau những tranh cãi nảy lửa, Bộ VH-TT-DL đã quyết định hủy quyết định sáp nhập hai nhà hát: Nhà hát Tuổi trẻ và nhà hát Kịch VN. Từ chuyện sáp nhập đến việc hủy sáp nhập đã xảy ra biết bao chuyện bi hài ở sân khấu kịch phía Bắc.
Đã qua rất lâu những ngày vàng son ở sân khấu kịch nói miền Bắc. Hơn 10 năm nay, sân khấu phía Bắc với trụ cột chính là nhà hát Tuổi trẻ, nhà hát Kịch VN, nhà hát Kịch Hà Nội… đã rơi vào im lìm, vẳng vẻ. Khán giả không còn mặn mà, kịch mục ế ẩm, nhà hát vắng tanh, nghệ sỹ vất vả với mưu sinh “cơm, áo, gạo, tiền”. Đó là bi kịch đã kéo dài cả thập niên.
Nhắc lại những ngày hoàng kim của sân khấu, NSƯT Chí Trung từng ứa nước mắt nhớ lại những tháng năm đêm nào sân khấu cũng sáng đèn, những đêm khán giả xếp hàng dài mua vé, những đêm nghệ sỹ được khóc cười, được thăng hoa, được “lên đồng” với từng vai diễn.
Vào thời điểm sân khấu gần như bế tắc ấy, đạo diễn- NSND Lê Hùng trở thành cái tên được nhắc đến nhiều nhất. Trở thành Giám đốc nhà hát Tuổi trẻ, NSND Lê Hùng dựng hàng loạt vở kịch kinh điển Mác- bét, Con cáo và chùm nho, Nhà búp bê, Âm mưu và Tình yêu, 100 phút cuối cùng của Hàn Mặc Tử… Khoảng thời gian ấy, Lê Hùng được ví là “sói già” của kịch nói phía Bắc, là người cứu nhà hát Tuổi trẻ vượt qua giai đoạn khủng hoảng.
Không chỉ chăm chút cho nhà hát Tuổi trẻ những vở kịch kinh điển, Lê Hùng dàn dựng Đời cười với những chùm tiểu phẩm hài để nhà hát có thể bán vé- “lấy ngắn nuôi dài”. Đời cười sau này trở thành thương hiệu của nhà hát Tuổi trẻ.
Từ khi NSND Lê Hùng đảm nhận cùng lúc vị trí Giám đốc hai nhà hát đã có những mâu thuẫn âm ỉ trong nội bộ hai nhà hát, nhưng bi kịch chỉ xảy ra khi Bộ VH-TT-DL quyết định sáp nhập hai nhà hát và lập ra Nhà hát Kịch Quốc gia VN. Quyết định được công bố vào tháng 4/2012. Cùng với quyết định được công bố là sự phản đối dữ dội từ phía các nghệ sỹ.
Từ đây là những lời chỉ trích, những lời tố cáo, những phê bình… khiến Lê Hùng không còn là Lê Hùng như những gì người ta vẫn biết. Lê Hùng không còn là “sói già” oai hùng lẫm liệt của sân khấu. Lê Hùng không còn là nghệ sỹ tài ba. Lê Hùng không còn người đưa sân khấu vượt qua khó khăn… Lê Hùng bị tố trên báo chí với đủ nhược điểm, với đủ mọi tính xấu.
NSND Lan Hương đã dùng cách nói điển tích, bà lấy ví dụ về vị hoàng đế cởi truồng- một nhân vật kinh điển của sân khấu kinh điển để so sánh với Lê Hùng. Ông hoàng đế ngốc nghếch luôn nghĩ mọi người không nhìn thấy gì, nhưng cả triều đình lại nhìn thấy tất cả!
Trong một buổi trò chuyện với phóng viên, NSƯT Trung Anh cũng kể về việc làm Giám đốc của NSND Lê Hùng đã mắc những sai lầm. Việc Lê Hùng dựng vở nhưng chẳng có tiền cho anh em nghệ sỹ. Việc Lê Hùng thâu tóm mọi việc trong nhà hát. Với Trung Anh, “Khi lãnh đạo thâu tóm mọi việc, không cho ai tham gia quản lý, không đào tạo lớp quản lý kế cận… Như thế là quá ác với nhà hát”.
Trung Anh kể về việc sáp nhập hai nhà hát không có lợi, kể những sai lầm đã khiến Lê Hùng lạc lối… Nhưng trên tất cả, Trung Anh có nói “Với tôi, anh Lê Hùng luôn là một người anh trong nghề. Bản thân tôi không bao giờ muốn nói về Lê Hùng những điều như thế này. Khi nói những điều không hay về Lê Hùng, tôi thực sự cảm thấy đau xót…”.
Nói như NSƯT Trung Anh, “Câu chuyện đau lòng nhất là khi những nghệ sỹ phải nói những điều chẳng ra gì về nhau trên báo chí. Anh Lê Hùng ra đi, một lần nữa nhà hát Kịch VN lại bơ vơ. Chúng tôi không có lớp kế cận tiếp quản công tác quản lý. Đã không có ai đào tạo cho nhà hát những nhân sự quản lý kế cận. Dù đã có những sai lầm, nhưng tôi vẫn luôn coi anh Lê Hùng là anh em, đồng nghiệp”.
Và Trung Anh nhắc lại, “Tôi xót xa khi phải nói về Lê Hùng những điều không mong muốn. Nghệ sỹ tố nhau trên báo chí… Điều ấy thật đau lòng”.