Trải nghiệm "nhớ đời" với nghề gia sư!

(Dân trí) - Đang học năm hai ngành sư phạm Văn, nó bắt đầu thử sức với công việc gia sư ở một trung tâm gần trường. Tuy nhiên liền sau đó là một chuỗi những ngày trải nghiệm “nhớ đời” có đến chết chắc nó cũng không quên

Lớ ngớ đến trung tâm gia sư đăng kí được đi dạy và một ngày nó nhận được cú điên thoại thông báo đã xếp được lớp. Tim nó nhảy lên vui sướng như muốn vỡ òa, nó cầm điện thoại khoe toáng lên với mẹ: “Mẹ ơi, con bắt đầu đi làm kiếm tiền rồi nhé”. Liền sau đó là cảm giác tự hào, hãnh diện và bắt đầu mường tượng ra những ngày tươi đẹp sắp đến.

Như lịch đã hẹn trước, nó phóng xe một mạch đến gặp anh quản lí trung tâm và được giải thích phải nộp lệ phí số tiền ứng với 30% lương tháng đầu tiên. Như thế theo như trong hợp đồng mỗi tháng nó dạy được 500.000 đồng thì phải đóng phí là 180.000 đồng. Số tiền không hề nhỏ đối với một con sinh viên năm 2 như nó, nhưng quy định đã thế nó buộc phải theo cho dù trong lòng xót lắm.

(Ảnh nguồn Internet)

(Ảnh nguồn Internet)

Từ chỗ nó đến nhà học sinh mất 5km và ngay buổi tối hôm đó nó đã đích thân đạp con xe cọc cạch đến gặp phụ huynh. Bằng tất cả kinh nghiêm sống và vốn giao tiếp của mình nó đã vận dụng rất thành công và tạo dấu ấn tốt với gia đình nên phần nào yên tâm. Trên đường về nó mừng thầm trong bụng và mong thật nhanh đến ngày đầu tiên đi dạy.

Đi dạy nó sửa soạn thật kĩ và mua thêm mấy quyển sách tham khảo đề phòng học sinh hỏi các vấn đề ngoài sách giáo khoa. Bấm chuông, cậu nhóc ra mở cửa và chào cô rõ oai khiến nó như mở cờ trong bụng.
 
Gương mặt sáng sủa và có vẻ biết nghe lời nó trộm nghĩ “chắc cậu này ngoan và học được” tuy nhiên sự thật lại trái ngược hoàn toàn. Kiểm tra vở viết, nó tá hỏa khi thấy chữ nghĩa cậu học sinh xấu xí loằng ngoằng và thêm thông tin em đã chuyển trường đến 5 lần cho dù mới đang học lớp 6.
 
Lúc giảng bài và hỏi “Con hiểu chưa?”. Ngay lập tức nó nhận được câu trả lời như tiếng sét đánh ngang tai “Cô nói thì nghe dễ nhưng mà con không biết làm. Con không cần học, chỉ cần có cái máy tính này chơi điện tử là vui lắm rồi”.
 
Câu trả lời của cậu học sinh khiến nó sốc và phải sau mấy phút định thần lại mới tiếp tục giảng bài được. Nhưng cũng từ lúc đó nó biết rằng ngoài việc dạy kiến thức ra nó còn phải kiêm luôn là cô giáo tâm lí cho cậu học sinh khó bảo này.
 
Về phía gia đình, sau lần đầu tiên gặp gỡ hứa sẽ cùng cô bảo ban cháu học hành, nó gần như chẳng khi nào gặp nữa. Mải mê với công việc kiếm tiền, họ phó mặc hoàn toàn con cho cô giáo trẻ.
 
Có lần thằng bé học sinh khóc lóc nói với cô “Con ước được hằng ngày ăn cơm mẹ nấu và đi đá bóng với ba như mấy đứa trong lớp” nhưng mà lâu lắm rồi nó cũng không gặp bố mẹ. Nghe thằng nhóc kể, tự nhiên nó thương cu cậu lắm. Trong ánh mắt non dại kia là cả niềm khao khát tình cảm của người lớn nhưng lại thật khó khăn cho dù vẫn ở cùng bố mẹ.

Thế là hai tuần trôi qua mọi việc có vẻ khả quan, suy nghĩ của học sinh có vẻ  khá hơn đồng thời cũng ít chơi game hơi. Nhưng đến tuần thứ ba nhóc lại dỡ chứng không ưng học nữa mà tìm mọi cách thoái thác nhiêm vụ làm bài tập và có thái độ không tôn trọng cô giáo. Bực mình, nó quát lại thằng nhỏ rồi vội vàng lấy xe lao một mạch về nhà trong tâm trạng tức tối.

Nó nghĩ rằng nó đã hết lòng với thằng bé nhưng cu cậu lại nói ra những lời làm nó tổn thương ghê gớm. Vì thế nó đã quyết định bỏ nghề nữa chừng. Bây giờ nghĩ lại nó vẫn thấy nó còn quá trẻ con để trở thành cô giáo, nó quá bồng bột và cảm xúc quá mà đáng nhẽ ra cần phải bình tĩnh để giải quyết. Rứa là mất toi 180.000 đồng tiền  nộp lệ phí và hai tuần hùng hục đạp xe đi dạy tràn đầy nhiệt huyết.

 

Với việc ra mắt mục Phóng sự trẻ, đúng như tên gọi, chuyên mục mong muốn có được một sân chơi cho các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên có đam mê với công việc của người làm báo. Chúng tôi muốn gọi họ như những “người làm báo trẻ” kế cận để hòa với nhịp chuyển động của thông tin.

 

Phóng sự trẻ muốn đón nhận những tác phẩm qua lăng kính của các bạn trẻ về các mảng nội dung liên quan đến chân dung con người, sự việc, hiện tượng, tập quán… mà bạn có dịp khám phá, tìm hiểu.

 

Phóng sự trẻ - tiếng nói của giới trẻ, sân chơi của giới trẻ. Và vì thế, để chia sẻ “sắc trẻ” đó tới hàng triệu độc giả, hãy bắt đầu từ hôm nay để thử sức viết của mình trên chuyên mục.

 

Cùng với việc ra mắt thêm nhiều nội dung mới trên trang Văn hóa, Giải trí, Phóng sự trẻ ra mắt không nằm ngoài mục đích đáp ứng đầy đủ hơn nhu cầu thông tin và văn hóa đọc tới độc giả khắp mọi nơi, trong đó có giới trẻ.

 

Tham gia Phóng sự trẻ, những bài được chọn đăng của các bạn sẽ được trả nhuận bút hấp dẫn theo quy định của Tòa soạn.

 

Tin, bài, hình ảnh, video xin gửi về hòm thư: nhipsongtre@dantri.com.vn và xin đề mục cần gửi tới Phóng sự trẻ.

 

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

 

 

Như Ái (Thừa Thiên Huế)