Rộ phong trào học múa dân gian dân tộc trong giới trẻ
“Ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm đến múa dân gian dân tộc” - Đó là ý kiến của bà Lê Thùy – Giám đốc Trung tâm Múa & Biên đạo Hà Nội trong chương trình biểu diễn báo cáo tốt nghiệp các khóa đào tạo Múa của Trung tâm tại sân khấu Hà Nội vào ngày 02/11/2013 vừa qua.
Theo bà Lê Thùy, Trung tâm Múa & Biên đạo Hà Nội được thành lập nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và đào tạo các loại hình Múa dành cho đối tượng không chuyên. Chỉ cần tới trung tâm, các bạn yêu thích nghệ thuật múa có thể học Ballet, dân gian dân tộc, đương đại, nhảy…
Trong các loại hình trên, các bạn trẻ đặc biệt yêu thích với loại hình Múa Dân gian dân tộc. Đó là các điệu Múa đồng bằng Bắc Bộ như Hái đào, Đu tiên, Soi Gương, Quả trám kết hợp Hạ trung thượng, Quay ngang di động, bình sang… đến các điệu múa Tạp lào, Mường Lay, Phong Thổ…của dân tộc Thái đến các điệu Múa của dân tộc Mèo, Tây Nguyên, Tày…
Mặc dù kỹ thuật của các điệu Múa Dân gian dân tộc rất khó, đòi hỏi người học phải tỉ mỉ, chịu khó tập luyện từ các đốt tay, ngón tay nhưng các học viên lại rất yêu thích. Bạn Nguyệt Ánh – sinh viên Đại học ngoại thương cho biết: “Mặc dù học múa dân gian dân tộc rất khó, không được sôi động thoải mái như học Ballet hay đương đại nhưng em rất thích. Sắp tới đi Anh học thạc sĩ, em cũng muốn giới thiệu cho bạn bè quốc tế các động tác Múa của dân tộc mình”.
Cũng giống như Nguyệt Ánh, Thùy Dương – sinh viên học viện Ngoại giao cũng đang tập bài múa của dân tộc Mèo để giới thiệu với bạn bè quốc tế.
Múa dân gian dân tộc không chỉ thu hút rất đông các bạn trẻ thủ đô theo học mà những người có tuổi cũng đặc biệt yêu thích. Cô Thanh Vân – Viện Khoa học Công nghệ đã theo học ở Trung tâm được một sô buổi về Múa dân gian dân tộc. Hiện cô đã chuẩn bị về hưu nhưng vẫn muốn tìm hiểu loại hình này. Theo cô Vân, thì múa loại hình này giúp cơ thể dẻo dai, mềm mại; các động tác nhẹ nhàng phù hợp với lứa tuổi. Sau mỗi buổi học, về nhà cô thấy ăn ngon miệng hơn, cũng không còn nhức các cơ và khớp nữa.
Bên cạnh các học viên lớp lớn, Trung tâm cũng đào tạo lớp học viên Nhí với nghệ thuật Múa dân gian dân tộc. Ngoài được học Ballet, hiện đại, các em đặc biệt yêu thích các bài Múa như: Trống Cơm, Múa quạt, Múa nón… mang đậm bản sắc Việt Nam.
Chị Thu Hà – phụ huynh bé An Khanh cho hay: Dù ban đầu con gái thích học Ballet và hiện đại nhưng dần dần, khi được các thày cô ở trung tâm hướng dẫn các điệu múa dân gian dân tộc bé An Khanh lại thẩy rất thích thú. Sau mỗi buổi học, An Khanh lại về nhà múa cho mẹ xem và còn biết rất rõ điệu nào của dân tộc nào.
Các học viên nhí trong giờ học
Bà Lê Thùy cho rằng, ở Việt Nam có 1 số trường đào tạo chuyên về Múa nhưng chỉ đáp ứng được số lượng nhỏ những người theo học chuyên nghiệp. Đại bộ phận khác đều yêu thích nhưng không đáp ứng điều kiện thi tuyển hoặc năng khiếu để thi vào các trường này. Trong khi phong trào văn nghệ thì trở nên phổ biến ở bất cứ đơn vị nào. Nhiều học viên gọi tới trung tâm nói rằng rất lo lằng khi bản thân mình không xinh, không cao, chân không thẳng, không xoạc được chân… thì có thể múa hay không?. Trung tâm đều trả lời, không có điều kiện nào với các bạn học viên khi đi học Múa ở đây. Chỉ cần các bạn yêu thích thì đều có thể đăng ký tham gia học.
Hiện Trung tâm Múa & Biên đạo Hà Nội đã mở được 22 lớp Múa với gần 100 học viên thuộc mọi lứa tuổi. Bà Lê Thùy cho biết, lớp học ban đầu chỉ có 1 người, sau một thời gian, người này giới thiệu người kia thế là lớp học đông lên dần. Trung tâm có đội ngũ các giảng viên là các thạc sĩ, giảng viên Múa các trường nghệ thuật và các biên đạo Múa về giảng dạy kịp thời.
Bà Lê Thùy trao bằng khen cho đội ngũ CTV
Mặc dù việc đào tạo nhằm thỏa mãn sở thích và năng khiếu của mọi học viên nhưng Trung tâm vẫn chau chuốt những học viên có năng lực và năng khiếu thực sự, muốn tiếp tục phát triển trên con đường nghệ thuật Múa. Trung tâm đã thành lập Nhóm Múa gồm 20 học viên để đi diễn thường xuyên. Các em vừa được học, vừa được đi biểu diễn và vừa có cát xê. Cho đến nay, nhóm Múa Hà Nội không thua kém một nhóm Múa nào về các thể loại, thậm chí đều có chương trình diễn đều đặn hàng tuần.
Hy vọng rằng,sẽ còn có nhiều các lớp đào tạo về loại hình Múa đặc biệt là Múa dân gian dân tộc để các bạn trẻ và những người yêu thích có cơ hội được tìm hiểu và trải nghiệm loại này này. Để những điệu múa truyền thống không bị mai một mà trở nên phổ cập
“Tôi mong muốn sẽ giảng dạy cho nhiều người hơn nữa biết tới các điệu múa dân gian dân tộc Việt Nam. Tôi ước một ngày các điệu múa cổ truyền sẽ được đưa vào trường học như một môn học chính thức để tất cả mọi người đều hiểu và có thể giao lưu biểu diễn Múa tại bất cứ nơi đâu. Yêu Múa Việt Nam cũng là yêu văn hóa và đất nước Việt Nam. Trong khi nhiều loại hình truyền thống khác bị mai một dần, các bạn trẻ thủ đô tích cực tìm hiểu múa Dân gian dân tộc là tín hiệu rất đáng mừng”. Bà Lê Thùy cho hay.