Giáo dục trực tuyến Việt sôi động, bạn trẻ “đau đầu” lựa chọn?

Manh nha xuất hiện từ năm 2007, giáo dục trực tuyến (e-Learning) đã và đang bùng nổ tại Việt Nam với giá trị ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng (gần 50 triệu USD). Nhưng liệu đây đã là cơ hội vàng cho các nhà đầu tư, đặc biệt khi so với thương mại điện tử và game trực tuyến?

Đầu tư cho e-Learning: “Đúng thời điểm!”

 

Thường được biết đến với hình ảnh một đất nước chậm phát triển, nhưng Việt Nam lại đang chứng minh điều ngược lại khi trở thành thị trường dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực e-Learning với tỷ lệ 46%, vượt trên Thái Lan, Malaysia và Trung Quốc. Đây là con số mới được công bố vào tháng 3/2014 theo báo cáo của mạng lưới giáo dục trực tuyến toàn cầu Docebo.

 

Tốc độ tăng trưởng này đi liền với tốc độ tăng trưởng của người dùng internet tại Việt Nam. Theo công bố trong Sách Trắng về CNTT-TT Việt Nam 2014 do Bộ TT&TT phát hành, tính đến hết năm 2013, Việt Nam có hơn 33 triệu người dùng Internet, tăng từ 31 triệu năm 2012, chiếm 37% tổng dân số.

 

Nhờ vậy, Việt Nam hiện đang nằm trong top 10 nước châu Á có tốc độ tăng trưởng người dùng Internet nhanh nhất, xếp thứ ba Đông Nam Á, thứ 7 châu Á và thứ 18 thế giới về số người dùng Internet.

 

Mặt khác, Việt Nam với 90 triệu người đang trong thời kỳ dân số vàng (nhóm dân số 15-64 chiếm trên 50% tổng dân số). Nhiều người trẻ trong số đó có tư tưởng tiến bộ, sẵn sàng tiếp nhận phương pháp học mới, thay thế cho cách học truyền thống.
 
Nhu cầu học trực tuyến của bạn trẻ Việt là rất lớn.
Nhu cầu học trực tuyến của bạn trẻ Việt là rất lớn.

 

Ông Jacob Stiglitz, đồng sáng lập Rockit Online, mang học trực tuyến tương tác đầu tiên tại Việt Nam, cho rằng: “Đối với e-Learning, để đầu tư thành công, quan trọng là đúng thời điểm. Việt Nam hiện đang hội tụ rất nhiều yếu tố thuận lợi để phát triển mô hình đào tạo trực tuyến, từ nền tảng công nghệ dựa trên internet (tốc độ băng thông ngày càng cao) đến số lượng người học trẻ tuổi tăng nhanh qua từng năm”.

 

Từ phía cơ quan quản lý, ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT, Bộ GD-ĐT, khẳng định Việt Nam cần thúc đẩy việc áp dụng công nghệ giáo dục, dạy và học điện tử e-Learning, bởi nó là một trong những mấu chốt quan trọng để phát triển giáo dục và đẩy mạnh sự phát triển CNTT. “Chúng ta cần xây dựng nội dung, chương trình, bài giảng và tổ chức triển khai các khóa học theo mô hình e-Learning”, ông Ngọc nói.

 

Tuy nhiên, không phải không có những lo lắng cho mô hình học trực tuyến tại Việt Nam. Theo Giám đốc điều hành công ty cổ phần DeltaViet Education – Nguyễn Thanh Minh: “Vấn đề là người học muốn học nhưng chưa sẵn sàng trả tiền để học online”. Đây rõ ràng là rào cản không hề nhỏ, đặc biệt đối với các doanh nghiệp start-up (khởi nghiệp) vốn yếu thế hơn về năng lực tài chính.

 

Thêm nữa, định kiến về loại hình học online của các bậc phụ huynh tại Việt Nam còn lớn. Nhiều người tỏ ý lo ngại về chuyện không thể kiểm soát con em mình khi cho chúng sử dụng máy tính và lên mạng để học. “Con tôi nói lên mạng để học bài, nhưng tôi không chắc nó có lén chơi game hay tán gẫu với bạn bè không?”, chị Lê Bình sống tại quận Tân Bình, TP.HCM hoài nghi.

 
Lĩnh vực giáo dục trực tuyến Việt Nam đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Lĩnh vực giáo dục trực tuyến Việt Nam đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
 

Ai đang là số 1?

 

Tại Việt Nam, hiện đang có 3 loại hình e-Learning phổ biến, bao gồm: mô hình lai giữa học trực tuyến và học truyền thống trên lớp, mô hình có Web tham gia và mô hình online. Trong đó, mô hình online nổi trội với trên 80% kiến thức giảng dạy trở lên được đưa qua mạng, giảng viên và học viên thường không phải gặp nhau.

 

Mô hình có Web tham gia đưa 30 – 79% kiến thức qua mạng. Con số này ở mô hình lai chỉ chiếm từ 1 – 29%. Một số tên tuổi lớn trong ngành đào tạo trực tuyến trong nước có thể kể đến như hocmai.vn, Topica, tienganh123.com, hocduong.vn…

 

Topica là cái tên không xa lạ đối với những người ưa thích loại hình học trực tuyến với mô hình online.  Tổ hợp công nghệ giáo dục này là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam kết hợp với các trường đại học cấp bằng được Bộ GD&ĐT công nhận cho học viên theo học chương trình cử nhân.

 

Hay mô hình có Web tham gia của tienganh123.com hiện đã phát triển được hơn 1 triệu thành viên tham gia trang tư liệu tự học của mình. Website tập trung vào tất cả các nhóm đối tượng có nhu cầu học tiếng Anh với các bài giảng xoay quanh nội dung về từ vựng, ngữ pháp, nghe - nói - đọc - viết, luyện thi, phát âm và giao tiếp…

 

Trong khi đó, hocmai.vn đang được đánh giá là đơn vị chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường e-Learning (mô hình tương tự tienganh123.com). Ra đời vào năm 2007, hocmai.vn gây ấn tượng với các chương trình luyện thi đại học trên mạng theo hình thức Video Streaming. Đây là hình thức số hóa nội dung bài giảng dưới dạng video để đưa lên mạng.

 

Sự ra đời của các mạng học trực tuyến mới, như Viettel Study với nhiều nội dung giảng dạy miễn phí, hay Rockit Online với nền tảng công nghệ dạy trực tuyến có tương tác… cũng là thách thức không nhỏ đối với hocmai.vn, nếu đơn vị này muốn tiếp tục dẫn dầu trong lĩnh vực đào tạo trực tuyến.

 
Lĩnh vực giáo dục trực tuyến Việt Nam đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Bà Đào Thu Hiền, CEO Rockit Online đánh giá mô hình học trực tuyến tương tác (người - người) có nhiều ưu điểm nổi trội.
 

Tương tác “người – người” lên ngôi

 

Thay đổi công nghệ để tồn tại trong ngành đào tạo trực tuyến là điều bắt buộc. Ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch kiêm CEO Topica cho rằng: “Cạnh tranh giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ không phải là thách thức lớn nhất với những nhà cung cấp dịch vụ, mà là việc họ phải chạy đua để theo kịp với tốc độ thay đổi chóng mặt của công nghệ”.

 

Đồng tình với quan điểm trên, bà Đào Thu Hiền, CEO Rockit Online đánh giá rằng nhìn vào thực tế hiện nay cách học đơn thuần qua video đã không còn phù hợp, công nghệ thay đổi từng ngày giúp kết nối giảng viên và học viên gần tương tự như học trực tiếp trên lớp. Nếu không thay đổi, các doanh nghiệp sẽ tụt hậu so với nhu cầu của khách hàng.

 

“Mô hình học trực tuyến tương tác (người – người) có ưu điểm lớn là tạo cơ hội cho học viên được đặt câu hỏi cho giảng viên, cũng như thảo luận trực tiếp với các học viên khác. Nhờ đó, thông tin bài giảng sẽ được các học viên tiếp thu nhanh và hứng khởi hơn nhiều”, bà Hiền nói.

 

Cũng theo bà Hiền, Rockit Online hiện là doanh nghiệp đi đầu tại thị trường Việt Nam triển khai đồng loạt 3 loại hình học trực tuyến, gồm Video Streaming, tương tác người – máy và tương tác người – người, trong đó Rockit ưu tiên phát triển loại hình học trực tuyến tương tác giữa học viên và giảng viên.

 

Không chỉ thừa hưởng công nghệ và kinh nghiệm từ đối tác Rockit Online Inc. có trụ sở chính tại Mỹ và chi nhánh tại Singapore, Rockit Online còn có nền tảng tài chính vững chắc nhờ nằm trong dự án đầu tư của Quỹ đầu tư giáo dục Learn Capital, John Katzman và Quỹ đầu tư mạo hiểm Formation 8 từ Thung lũng Silicon (Mỹ).

 

Sau hơn 1 năm hoạt động, Rockit Online đã cán mốc 4.000 học viên đăng ký trên cả nước (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Nghệ An…), 40% học viên tiếp tục đăng ký học khóa tiếp theo, sau khi hoàn thành khóa đầu tiên. Con số 4.000 học viên dự kiến sẽ tăng lên gấp 3 lần, từ nay đến hết năm 2015.

 

Một số mạng giáo dục trực tuyến khác cũng bắt đầu chọn hướng đi như Rockit Online, phải kể đến Topmito, Langtip, IBI, Viettel Study… nhằm đáp ứng hiệu quả nhu cầu ngày càng cao của học viên, đa phần trong số này tập trung vào dạy tiếng Anh. Nhìn tổng quan, thị trường e-Learning đang dần trở thành miếng bánh màu mỡ cho các doanh nghiệp khai thác.

 

So với game online, e-Learning có nhiều điều kiện thuận lợi hơn để phát triển. Vấn đề thuộc về các doanh nghiệp khi có thể biến lợi thế trong ‘lý thuyết’ thành lợi nhuận trong ‘thực tế’ hay không?

 

P.T