1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Vì sao xử kín vụ Nguyễn Hữu Linh?

(Dân trí) - Vụ án được xử kín theo yêu cầu của người đại diện theo pháp luật của cháu bé, người bị hại trong vụ án.

Theo dự kiến, sáng 25/6, TAND quận 4 (TPHCM) sẽ mở phiên tòa xét xử  bị cáo Nguyễn Hữu Linh (sinh năm 1958, cựu Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân TP Đà Nẵng) về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.

 Hiện dư luận đang bức xúc việc tại sao phải xử kín? Liệu việc xử kín hành vi phạm tội của 1 bị cáo nguyên là cán bộ tư pháp có khách quan, đủ sức răn đe?

Vì sao xử kín vụ Nguyễn Hữu Linh? - 1

Gia đình nạn nhân có đơn yêu cầu xử kín.

Chủ tọa phiên tòa, Phó chánh án TAND quận 4, ông Nguyễn Hải Nam cho biết vụ án được xử kín theo yêu cầu của người đại diện theo pháp luật của cháu bé, người bị hại trong vụ án.

Ngoài ra, thẩm phán Nguyễn Hải Nam cho biết gia đình cháu bé cũng làm đơn xin xét xử vắng mặt người bị hại. Lý do là cháu bé đang được nghỉ hè nên gia đình đã đưa cháu bé về quê chơi, đồng thời gia đình không muốn việc xét xử một lần nữa sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý cháu bé.

Về phần hình sự và dân sự trong vụ án, gia đình người bị hại không yêu cầu gì và đề nghị HĐXX xử lý theo quy định pháp luật.

Bị cáo  Nguyễn Hữu Linh bị TAND quận 4 đưa ra xét xử theo khoản 1 Điều 146 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù. Quyết định đưa vụ án ra xét xử đã được tòa tống đạt cho bị cáo Nguyễn Hữu Linh.

Về việc tác nghiệp tại phiên tòa, thẩm phán Nguyễn Hải Nam cho hay sau khi HĐXX công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử và mời mọi người ra ngoài phòng xử, trừ những người liên quan đến vụ án được HĐXX triệu tập. “Sau phần thẩm vấn, tranh luận, khi đến phần tuyên án, HĐXX sẽ tuyên án công khai theo luật định”, chủ tọa nêu.

Theo luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Đoàn Luật sư TPHCM) xét xử kín được hiểu là không phải tất cả mọi người đều có quyền tham dự phiên tòa như trường hợp xét xử công khai, nhưng phải tuyên án công khai.

Trong phiên tòa xét xử kín, chỉ có Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, thư ký phiên toà và những người tham gia tố tụng cần thiết khác, không một ai khác được ở lại phòng xét xử để theo dõi diễn biến phiên tòa, kể cả nhà báo hay người thân của đương sự. Việc xử kín đối với các vụ án xâm hại tình dục trẻ em khi có yêu cầu của gia đình là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.

Luật sư Toàn cho biết Điều 25 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định: “Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi hoặc để giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì tòa án có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai”.

Khoản 2 Điều 423 luật này cũng quy định: “Trường hợp đặc biệt cần bảo vệ bị cáo, bị hại là người dưới 18 tuổi thì tòa án có thể quyết định xét xử kín.”

Ngoài ra, luật sư Lưu Tấn Anh Toàn còn thông tin rằng tại điểm d, khoản 1, Điều 7, Thông tư 02/2018/TT-TANDTC quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán: Tòa án phải xét xử kín; đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi, người đại diện của họ hoặc để giữ bí mật đời tư, bảo vệ người dưới 18 tuổi thì tòa cũng có thể xét xử kín nhưng phải tuyên án công khai theo quy định tại Điều 327 của Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Xuân Duy