Hà Nội:
Phá đường dây nghi làm giả vật tư y tế “khủng” phòng, chống Covid-19
(Dân trí) - Sau khi mua các trang phục, vật tư y tế trôi nổi trên thị trường, các đối tượng in nhãn mác gần giống và đóng gói làm giả sản phẩm của một công ty được cấp phép.
Ngày 8/4, Công an TP Hà Nội đã phát hiện vụ sản xuất, buôn bán hàng nghìn trang phục, thiết bị y tế nghi làm nhái, làm giả, liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Đức Anh (Công ty Đức Anh, địa chỉ tại số 5, ngõ 178, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội).
Đây được xác định là một trong những vụ sản xuất thiết bị y tế giả lớn nhất từ trước đến nay do Công an Hà Nội triệt phá.
Trước đó, sáng 8/4, tổ công tác Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra chiếc xe tải BKS-29C-222.98 nghi vấn.
Thời điểm lực lượng chức năng kiểm tra, chiếc xe tải trên đang nhập hàng trước cửa Công ty Đức Anh. Lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 30 thùng các-tông chứa 1.200 bộ quần áo bảo hộ phòng, chống dịch. Trên bao bì ghi hàng hóa sản xuất tại Công ty cổ phần dược và thiết bị y tế Phúc Hà.
Đại diện Công ty Đức Anh không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến số hàng này. Trước những dấu hiệu vi phạm, lực lượng chức năng đã lập biên bản, đồng thời thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp công ty và kho của công ty này.
Tại kho của công ty, lực lượng chức năng phát hiện số lượng lớn sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch như quần áo bảo hộ, kính, găng tay, khẩu trang, giầy và nhiều thùng tem, nhãn mác.
Bước đầu, bà Trương Thị Bình (SN 1982, Phó Giám đốc Công ty Đức Anh) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số hàng trên. Bà Bình cho biết, các sản phẩm trên được mua trôi nổi trên thị trường rồi in nhãn mác, đóng gói bán kiếm lời.
Theo Đại tá Phùng Anh Lê, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (Công an TP Hà Nội), sau khi mua các sản phẩm trôi nổi trên thị trường với giá chỉ bằng khoảng 40-50% giá trị của sản phẩm thật, các đối tượng in nhãn mác gần giống và đóng gói làm giả sản phẩm của Công ty Vũ Hà để bán ra thị trường. Để tránh bị phát hiện, các đối tượng đã còn bán sản phẩm sát với giá của Công ty Phúc Hà đưa ra.
Vụ việc đang tiếp tục được làm rõ.
Tiến Nguyên