1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

Nửa giờ với phạm nhân Trần Thúy Liễu

“Trong phòng giam có treo tấm lịch blốc. Sáng nào dậy Liễu cũng tự tay bóc 1 tờ lịch, đếm 1 ngày nữa đã đi qua. Nhưng không biết đến bao giờ mới tới tờ lịch cuối cùng..." - vừa nói, Trần Thúy Liễu vừa đầm đìa nước mắt.

“Ngày cuối cùng,... vì Liễu bị xử án chung thân... Liễu sẽ cố gắng cải tạo thật tốt để được giảm án... Điều mong ước lớn nhất của Liễu là trong đời sẽ còn có ngày về với các con, lo cho các con...”- Thúy Liễu nói trong nước mắt. Như có hẹn, bên ngoài trại giam Thạnh Hòa trời cũng bất ngờ đổ mưa.
Chắt chiu tương lai
Chị Trần Thúy Liễu lúc tẩm liệm chồng.

Chắt chiu tương lai

Là bạn thân của vợ chồng Hoàng Hùng - Thúy Liễu, nhưng sau khi Hoàng Hùng chết, Thúy Liễu bị tạm giam ở “159 Nguyễn Đình Chiểu” thuộc Công an tỉnh Long An, TP.Tân An, tôi đã vài lần thử xin vào thăm chị, nhưng đều không thành. Sau khi tòa xử phúc thẩm, chị chính thức thụ án, được chuyển lên trại giam Thạnh Hòa (phân trại 3, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, Long An), lúc này tôi mới được phép thăm chị.

“Hồi đó Liễu thường nặng 64 – 65 ký, mới đây cân ở trạm y tế trong trại, còn chưa tới 58 ký”- Thúy Liễu nhỏ nhẹ giải thích khi tôi nhận xét chị gầy đi nhiều so với hồi ở bên ngoài. Chị liệt kê hoạt động của mình trong trại giam hằng ngày: 5 giờ sáng dậy – tập thể dục – ăn sáng – đi lao động – ăn trưa – nghỉ trưa – đi lao động – tắm giặt – ăn chiều – xem tivi – ngủ. Hằng tuần chị được sinh hoạt, nghe cán bộ nhận xét, đánh giá về mình, rồi xếp loại.

Chỉ có tuần đầu tiên chị bị xếp loại “trung bình” vì chưa đóng xong án phí ở tòa án, còn các tuần sau này chị đều được xếp loại khá.

“Liễu nghe nói kết quả xếp loại hằng tuần là cơ sở để được xét giảm án sau này. Đối với Liễu, 1 ngày giảm án cũng quý, vì vậy mà Liễu luôn lao động, chấp hành tốt nội quy”.

Khi đến thăm chị, tôi thấy xung quanh trại giam có nhiều phạm nhân mặc đồ “Juventus” (màu áo của CLB Bóng đá Juventus – Italia) lao động trên các ruộng mía. Thúy Liễu không phải đi làm ngoài đồng, chị được giao làm vệ sinh trong khuôn viên trại giam, cụ thể là làm cỏ và quét dọn.

Trong khi tôi ái ngại hoàn cảnh một người phụ nữ quen được cưng chiều, ăn chơi phóng túng, giờ phải lao động ngoài nắng suốt ngày, thì chị kể về công việc của mình một cách nhẹ nhàng: “Việc cũng không có gì nặng, chỉ phải ở ngoài nắng. Nhưng em được đội nón, che kín mặt mày, mang bao tay, nên không bị nắng ăn...”.

Chị cho biết, chính nhờ lao động hằng ngày mà chị thấy nguôi ngoai những chuyện đã qua, cảm thấy thời gian qua nhanh hơn, thấy tin tưởng về một điều tốt đẹp hơn ở tương lai. Hằng tháng, 2 con chị và các chị em trong gia đình đều đến thăm, gửi quà “thăm nuôi” cho chị. Niềm an ủi lớn nhất của chị hiện nay là đứa con nhỏ Hồng Châu của chị học giỏi ở một trường nội trú TPHCM, còn đứa con lớn Hồng Nhung cũng chăm học nghề uốn tóc.

Buổi chiều định mệnh

“Nếu chiều hôm ấy anh không tình cờ ghé đốt nhang cho anh Hoàng Hùng thì Liễu có đi đầu thú không?” - tôi đã buột miệng đặt cho chị câu hỏi mà tôi luôn tìm câu trả lời suốt hơn một năm rưỡi qua. Chị hơi bất ngờ trước câu hỏi của tôi, nên lặng đi một lúc, rồi trả lời: “Nếu bữa đó anh không ghé nhà, rồi vận động Liễu đi đầu thú, chắc là đêm ấy em đã tự tử”.

Đường vào phân trại 3 – Trại giam Thạnh Hòa. Ảnh: Kỳ Quan

Đường vào phân trại 3 – Trại giam Thạnh Hòa. Ảnh: Kỳ Quan


Rồi chị kể tiếp, sau khi chôn cất chồng là nhà báo Hoàng Hùng, cảm giác tội lỗi ngày càng đè nặng lên chị, nhất là mỗi khi nhìn thấy 2 đứa con thơ dại, nhìn thấy mẹ của anh Hoàng Hùng. Chiều hôm ấy (20.2.2011) từ Cơ quan CSĐT trở về nhà, chị thấy 2 đứa con đang đợi mẹ, trên bàn thờ Hoàng Hùng là mâm cơm đạm bạc các cháu vừa nấu cúng bữa chiều, cảm giác tội lỗi càng dằn vặt chị. Chị nảy sinh ý định “tự giải thoát” bằng cách “đi theo chồng”.

Không nuốt nổi chén cơm các con dọn sẵn, chị nằm vùi trên võng và tính cách “tự giải thoát”: Đợi các con ngủ xong, chị đốt cho chồng cây nhang, rồi leo lên tầng 3, bước ra lan can, buông tay... Hai đứa con nài nỉ mẹ dậy ăn cơm, chị ngồi dậy ôm Hồng Nhung, Hồng Châu vừa khóc vừa nói: “Chắc mẹ không còn ở bên các con nữa...”. Thái độ lạ lùng của chị đã không qua mắt được người chị kế của mình tên là Thúy Loan ở nhà kề bên.

Đúng lúc ấy, tôi đã tình cờ ghé đốt nhang cho người bạn đồng nghiệp xấu số. Từ khi Hoàng Hùng mất, mỗi lần có dịp đi ngang nhà anh, tôi đều ghé đốt cho bạn vài nén nhang. Hôm ấy tôi đi công tác về tới TP.Tân An, ngang nhà Hoàng Hùng lúc gần 8 giờ tối. Ghé nhà chỉ thấy 2 cháu Hồng Nhung, Hồng Châu, tôi xin phép các cháu đốt nhang bàn thờ Hoàng Hùng.

Nghe có tôi ghé, chị rời khỏi võng lên chào tôi, mắt đỏ hoe. Tôi hỏi thăm chị đôi câu rồi chào về. Khi tôi dắt xe ra tới cổng, người chị của Thúy Liễu là Thúy Loan chạy theo kéo tôi lại, nói nhỏ: “Hình như con Liễu đang có ý định tự tử. Anh là bạn thân của vợ chồng nó, anh khuyên giúp một tiếng, có thể nó nghe anh”.

Tôi quay trở vào, đốt thêm cho Hoàng Hùng 3 cây nhang, xong nhấc ghế ngồi gần đầu võng nơi chị đang nằm trùm kín mặt mày. Tôi khuyên chị đại ý: Nếu chị không giết chồng thì không có lý gì phải tự tìm đến cái chết, nếu chị tự tử, người đời sẽ nghĩ rằng chính chị đốt chết Hoàng Hùng, rồi 2 đứa con ở lại bơ vơ không cha không mẹ... Những ngày trước đó, dư luận cho rằng chính Thúy Liễu là thủ phạm đốt chồng, vì vậy mà tôi cũng động viên chị theo hướng đó: “Còn nếu như em có lỡ đốt chết chồng, tốt hơn hết là nên đi đầu thú để còn hưởng chính sách khoan hồng, còn có ngày về với các con...”.

Tôi lặp đi lặp lại các lời động viên trên vài ba lần, bất ngờ chị kéo tấm võng che mặt, hỏi: “Liễu có bị xử tử hôn anh?”. Vậy là mọi chuyện đã rõ. Tôi cố giữ bình tĩnh để động viên tiếp: Luật pháp sẽ khoan hồng, không có bản án tử... Chị đã đồng ý để cho tôi chở đến Cơ quan CSĐT để trình diện.

Ngày TAND tỉnh Long An xử phiên sơ thẩm, rồi TAND Tối cao xử phúc thẩm, tôi đã cầu nguyện cho chị thoát án tử hình, ngoài việc để cho 2 cháu Hồng Nhung, Hồng Châu không phải mất cả cha lẫn mẹ, còn có lý do là để những lời động viên của tôi ngày nào không phải là lời động viên “suông”!

Chuyện bây giờ mới kể

Vụ án Thúy Liễu đốt chết chồng là nhà báo Hoàng Hùng đã kết thúc, tình tiết vụ án đã được bị cáo khai tỉ mỉ trước các phiên tòa. Mọi chuyện dường như đã quá rõ ràng, mọi người đã hài lòng với bản án đã tuyên. Khi nhắc về quá trình xử án, chị tỏ vẻ “tâm phục khẩu phục”, cho rằng tòa xử “đúng người đúng tội”. Tôi cũng vậy, nhưng vẫn còn một điều làm tôi mãi băn khoăn, định khi nào gặp chị hỏi cho ra lẽ, đó là: Động cơ thật sự nào đã khiến chị đốt chồng? Tại các phiên tòa, chị cho rằng mình đốt chồng vì những lý do: Bị Hoàng Hùng đánh đập, xúc phạm, nên đốt Hoàng Hùng để “cảnh cáo”... Nếu chị muốn “cảnh cáo” thì cứ công khai đốt chồng, cớ sao lại bày ra chuyện dựng hiện trường giả?

Ngôi nhà của Thúy Liễu – Hoàng Hùng (bên trái) giờ suốt ngày đóng cửa im lìm. Ảnh: Kỳ Quan

Ngôi nhà của Thúy Liễu – Hoàng Hùng (bên trái) giờ suốt ngày đóng cửa im lìm. Ảnh: Kỳ Quan


Tôi đã từng đặt ra giả thiết về động cơ đốt chồng của Thúy Liễu như sau: Chị đang mang nợ khá nhiều, có nguy cơ phải bán nhà trả nợ, đó là điều cả chị và Hoàng Hùng đều khó có thể chấp nhận. Nếu một nhà báo vì chống tiêu cực mà bị trả thù, nằm bệnh viện, có khả năng sẽ được cơ quan, đồng nghiệp, những nhà hảo tâm giúp đỡ. Và chị đã dựng lên một vụ “trả thù” như vậy. Sở dĩ trước tòa chị không dám nhận động cơ đích thực giết chồng, vì điều ấy nghe có vẻ nhẫn tâm quá. Tôi đã thẳng thắn nói với chị nhận định của mình về động cơ đích thực của vụ án. Chị lắng nghe, nước mắt rưng rưng, không phủ nhận mà cũng không xác nhận.

Tôi hỏi thăm về nợ nần của chị, trong đó có số nợ mà “người tình” của chị đã kiện đòi ra tòa. Chị nhìn xa xăm, mắt thật buồn, nói nhỏ: “Để tòa người ta giải quyết”. Chị cũng cho biết, gia đình chị bên ngoài đã giúp thu xếp tạm ổn chuyện nợ nần của chị, còn số phận của ngôi nhà nơi đang đặt bàn thờ Hoàng Hùng thì hãy còn quá sớm để chị nghĩ tới.

Thời gian 30 phút cho “thăm nuôi” sắp hết, tôi hỏi thêm một câu mà sau khi ra về mới thấy vừa thừa, vừa vô duyên: “Người ấy có đến trại thăm em lần nào không?”. Vẫn với đôi mắt buồn nhìn xa xăm, Thúy Liễu lắc đầu.

Tôi biếu 1 triệu đồng để chị cần gì thì mua, nhưng theo quy định phạm nhân không được nhận tiền trực tiếp, nên tôi phải đi gặp người có trách nhiệm đăng nộp. Tôi xin phép cán bộ quản giáo chụp ảnh chị, nhưng cũng không được chấp nhận.
 
Theo Kỳ Quan
Lao Động