1. Dòng sự kiện:
  2. Xuyên Việt Oil

TPHCM:

Những vụ đòi nợ “sặc mùi xã hội đen”

(Dân trí) - Không đi đến được những thỏa thuận cuối cùng, bị con nợ “cù nhầy” không trả, khá nhiều chủ nợ đã tìm đến các băng nhóm giang hồ để “hợp đồng” đòi nợ thuê. Dù biết phạm pháp nhưng họ vẫn “làm liều” nhằm vớt vát lại số tiền đã hùn hạp trước đó.

Những vụ đòi nợ “sặc mùi xã hội đen” - 1
Các đối tượng bắt giám đốc K. để buộc trả nợ bị bắt tại cơ quan công an

Những vụ đòi nợ kiểu giang hồ                                                                                                                 

Nhận một dự án tại Nha Trang, ông N.H.K - Giám đốc Công ty chuyên về thiết kế, xây dựng (trụ sở trên đường Nguyễn Cảnh Chân, quận 1, TPHCM) đã mời một đối tác tên T. cũng hùn vốn thực hiện và được ông này đồng ý góp 500 triệu đồng nhưng để cho em ruột của mình là Nguyễn Quốc Tiến (ngụ phường 5, quận 8) đứng tên trên hợp đồng.

Do dự án triến khai chậm nên Tiến một mực đòi rút vốn. Trước tình huống này ông K. đã viết giấy nhận nợ và hứa đến tháng 3/2011 sẽ trả.

Quá hẹn 1 tháng vẫn không thấy ông K. chuyển tiền. Tiến tìm đến gặp ông K. và buộc ông này phải trả nợ gấp. Vẫn chưa thể lo đủ tiền nên ông K. đã giải quyết bằng cách bán cho Tiến căn hộ tại chung cư Minh Thành (quận 7) với giá 2 tỉ đồng để cấn trừ nợ. Ban đầu, Tiến đồng ý nhưng chỉ vài ngày sau lại thay đổi không chịu mua nhà của ông K. Về số nợ mà ông K. đang thiếu, Tiến đã buộc ông phải viết giấy nợ cả tiền gốc và tiền lãi là 583 triệu đồng, thời hạn trả nợ trong vòng 1 tháng.

Chờ đến 2 tháng, Tiến vẫn chưa thấy ông K. trả tiền. Cho rằng ông K. đang “cù nhầy” nên Tiến đã tìm cách đòi lại số nợ trên theo kiểu “xã hội đen”. Nghĩ là làm, thông qua sự giới thiệu, Tiến tìm gặp một băng nhóm giang hồ có gốc gác từ Hải phòng. Băng nhóm này đã khống chế ông K. đưa về giam giữ tại một quán cà phê rồi buộc vợ ông K. phải chuẩn bị tiền chuộc chồng.

Những vụ đòi nợ “sặc mùi xã hội đen” - 2
Không đòi được nợ, Tiến đã dùng đến “xã hội đen”

Chỉ khi các trinh sát hình sự vào cuộc, ông K. mới được giải cứu. 6 đối tượng liên quan đến vụ băt cóc tống tiền cũng bị bắt để điều tra về hành vi “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản”.

Trước đó, nhiều vụ đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” cũng đã xảy ra. Trong số đó phải kể đến vụ Lê Thị Thùy Trang (35 tuổi, nhân viên kinh doanh một công ty đóng trên địa bàn thành phố) thuê một băng giang hồ bắt anh Đặng Văn T. (đối tác làm ăn) đưa về một khách sạn ở quận 10. Tại đây bọn chúng đánh đập, uy hiếp, buộc anh T. gọi điện thoại cho gia đình mang 1,1 tỷ đồng đến trả nợ. Nhóm bắt cóc đang nhận tiền thì bị các trinh sát ập vào bắt giữ.

Hay vụ đòi nợ thuê do băng Nguyễn Văn Hùng (tức Hùng “Trắng” quê Hải Phòng) cùng 30 đàn em gây ra. Nhận được “hợp đồng” của Lê Trọng Nam (ngụ quận Bình Thạnh) để đòi số tiền 3,5 tỷ đồng mà ông H.V.N (ngụ quận Tân Phú) nợ, Hùng “trắng” cùng đám đàn em đã theo dõi và bắt được ông N. Bọn chúng dùng roi điện, nắm đấm buộc ông N. viết giấy nợ lên đến 5,5 tỷ đồng. Hùng “trắng” còn đe dọa nếu trong thời gian ngắn mà ông N không trả, chúng sẽ cho cả nhà ông “ăn kẹo đồng”.

Khi lực lượng trinh sát Bộ Công an bắt Hùng “trắng” cùng một số đối tượng khác về hành vi “bắt giữ người trái pháp luật” đã thu giữ được một khẩu súng ngắn và 7 viên đạn.

Chủ nợ “trần tình”

Theo một cán bộ nhiều năm tham gia phá các vụ án kiểu “hợp đồng” đòi nợ thuê giữa chủ nợ và các băng nhóm, hầu hết phía chủ nợ đều khai nhận do người mượn tiền đến hạn thanh toán mà không chịu trả, sau khi áp dụng nhiều cách mà không đòi được tiền họ mới tìm đến các băng nhóm “xã hội đen”.

Những vụ đòi nợ “sặc mùi xã hội đen” - 3
Một băng nhóm giang hồ chuyên thực hiện các “hợp đồng” đòi nợ thuê bị bắt trước đó

Nhiều chủ nợ khác thì cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc họ phải dùng đến “luật rừng” là do phía nợ tiền quá “cù nhầy”. Nhiều người có đủ khả năng trả nợ nhưng vẫn không chịu trả nhằm mục đích sử dụng số tiền đó đầu tư vào những việc khác; khi bị đòi gắt thì chỉ trả một phần nhỏ.

Các chủ nợ dùng đến “xã hội đen” khi bị bắt đều cho rằng, họ biết làm như vậy là sai pháp luật nhưng nếu làm đúng, gửi đơn đến cơ quan chức năng nhờ giải quyết, khởi kiện thì ít nhất cũng phải mất vài tháng, nhiều khi vài năm mà chưa có kết quả cuối cùng. Thậm chí, lúc đi đòi nợ phía người cho vay không đòi được tiền mà khi nhắc đến đưa ra pháp luật họ còn được các con nợ thách thức “Đi mà kiện”!

Khi chọn “giải pháp” dùng đến giang hồ, phía chủ nợ phải chấp nhận mức ăn chia “cắt cổ” với nhóm đòi nợ thuê để vớt vát lại. Từ những “hợp đồng” đòi nợ thuê được công an triệt phá cho thấy, tình hình tội phạm chuyên thực hiện các vụ đòi nợ thuê tại TPHCM trong thời gian gần đây diễn biến rất phức tạp. Nhiều băng nhóm bất chấp pháp luật, dùng mọi thủ đoạn để thực hiện mục đích.

 Dưới góc nhìn của các luật sự về thực trạng này, nhiều luật sư cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chủ nợ có hành động đi thuê giang hồ mà không tin vào khả năng đòi nợ của tòa án. Đơn cử, để khởi kiện một vụ án đòi nợ, theo quy định thì cơ quan tòa án phải thụ lý trong vòng 5 ngày từ khi nhận đơn. Khi giải quyết thì có thể kéo dài đến 1- 2 năm mà vẫn chưa có hồi kết.

Có nhiều trường hợp, khi đương sự khởi kiện ra tòa đòi nợ, đóng án phí đầy đủ nhưng vì các thủ tục phức tạp, rườm rà và quan trọng nhất là kết quả thu lại sau phiên tòa không như ý nên người khởi kiện đã rút đơn, không nhờ sự can thiệp của cơ quan xét xử.

Trung Kiên