Những thủ đoạn để ma túy được "xách tay" đường hàng không
(Dân trí) - Số lượng ma túy thu giữ được trên tuyến đường hàng không trong ba tháng đầu năm 2023 bằng số lượng ma túy thu giữ của 5 năm trước cộng lại.
3 tháng bắt lượng ma túy qua đường hàng không bằng 5 năm trước
Ngày 27/4, Thượng tá Đoàn Tất Nam, Phó trưởng Phòng 7, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, tình hình tội phạm ma túy trên tuyến đường hàng không thời gian qua diễn biến rất phức tạp.
Theo Thượng tá Nam, nghi can cầm đầu các đường dây tội phạm này hầu hết là người Việt sinh sống, học tập, lao động ở nước ngoài, sau đó móc nối với đồng phạm ở trong nước để vận chuyển ma túy về Việt Nam.
"Số lượng ma túy thu giữ được trên tuyến đường hàng không trong 3 tháng đầu năm 2023 bằng số lượng ma túy thu giữ của 5 năm trước cộng lại. Đặc biệt, trong 5 tháng gần đây, lượng ma túy vận chuyển qua đường hàng không bị bắt giữ rất lớn, có vụ vận chuyển cả trăm kg ma túy tổng hợp", Thượng tá Nam cho biết.
Theo C04, trong 3 tháng đầu năm, chỉ tính riêng lượng ma túy qua đường hàng không qua sân bay Nội Bài, lực lượng chức năng đã bắt giữ 10 vụ, thu giữ gần 600kg ma túy tổng hợp.
Phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy trên tuyến đường hàng không rất đa dạng, phức tạp. Nghi can thường lợi dụng loại hình du lịch, lợi dụng mua bán hàng ký gửi ở sân bay, lợi dụng vận chuyển hàng hóa qua công ty logistics để vận chuyển ma túy vào Việt Nam.
Lý giải nguyên nhân tội phạm ma túy trên tuyến đường hàng không diễn biến phức tạp, Thượng tá Nam cho biết do áp lực từ bốn trung tâm sản xuất ma túy của thế giới rất lớn, giá thành rẻ và đặc biệt từ châu Âu về Việt Nam đường hàng không rất thuận tiện nên tội phạm lợi dụng để vận chuyển ma túy về sân bay Nội Bài (Hà Nội), sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM).
"Với hơn 200.000 người nghiện và gần 60.000 người sử dụng trái phép chất ma túy trong nước, các nghi phạm lợi dụng dịch vụ vũ trường, quán bar, karaoke để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Trước nhu cầu lớn, nhiều đường dây tội phạm được thiết lập để thường xuyên cung cấp ma túy về trong nước để đáp ứng nguồn cầu", Thượng tá Nam phân tích.
"Bên cạnh đó, việc chấp hành pháp luật của các công ty dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh, nhận thức của khách đi máy bay còn đơn giản, nghĩ rằng xách hàng không biết là không có tội. Do vậy tội phạm ma túy lợi dụng để vận chuyển ma túy qua đường hàng không", Thượng tá Nam đánh giá.
Những thủ đoạn gửi hàng cấm qua đường hàng không
C04 đưa ra khuyến cáo một số phương thức, thủ đoạn của tội phạm vận chuyển ma túy qua đường hàng không.
Theo đó, nghi phạm thông qua mạng xã hội để kết bạn với phụ nữ có hoàn cảnh éo le, sau đó hứa hẹn đưa ra nước ngoài du lịch. Quá trình đi du lịch miễn phí, nghi phạm đưa vali, hàng hóa có ma túy để các phụ nữ trên vận chuyển.
Thủ đoạn khác, tội phạm lợi dụng sinh viên, học sinh đi du học, hay người Việt Nam sang lao động nước ngoài, khi về nước nghi phạm sẽ mua suất hành lý ký gửi.
"Khi mua, tội phạm giấu ma túy trong hành lý, khi lực lượng chức năng phát hiện thì hành khách đi máy bay không biết hàng của ai, các nghi phạm rất tinh vi, xóa dấu vết khi gửi hàng", theo C04.
Ngoài ra tội phạm còn lợi dụng lòng tốt của những người mới đi máy bay, thiếu kinh nghiệm; nhờ người già, người tàn tật, người có con nhỏ trông hoặc xách hộ hành lý có ma túy.
Thượng tá Nam khuyến cáo, qua các thủ đoạn như trên, những người đi máy bay phải quản lý tốt hành lý của mình, tránh bị kẻ xấu đưa ma túy lẫn vào hành lý.
Bất kỳ trong trường hợp nào, đối với người lạ, nên từ chối nhận trông, xách hộ hành lý. Khi bán suất hành lý ký gửi phải biết người gửi là ai, phải xác định được loại hàng hóa...
Khi nghi ngờ có tội phạm giả danh lừa gửi hành lý, cần liên hệ nhân viên sân bay để hỗ trợ xử lý - Thượng tá Nam khuyến cáo.