Những đứa trẻ tội nghiệp lớn lên sau song sắt
(Dân trí) - “Các con sinh ra, "hắn" có tội chi, chỉ có mẹ “hắn” là có tội. Ở trại giam các con cũng giống như con cán bộ chúng tôi, cũng được ăn học đến nơi đến trốn…”, một Giám thị trại giam số 5, Bộ CA (Yên Định, Thanh Hóa) chia sẻ.
Những số phận bất hạnh vô tội sau song sắt
Thiên chức mong muốn được trở thành người mẹ của phụ nữ Việt Nam, từ lâu đã trở thành ước mơ, khao khát cao cả đến tột cùng. Song cũng có không ít người phụ nữ cứ “sòn sòn” cho ra đời những đứa trẻ và coi đó như một “lá bùa” để họ được hoãn Thi hành án.
Hay nói cách khác, những người phụ nữ này sinh con ra không phải vì mục đích cao cả, mong muốn được làm người mẹ mà họ sinh con ra để hòng trốn tránh sự truy cứu trách nhiệm của pháp luật. Nhưng “lưới trời lồng lộng…họ vẫn phải vào trại giam để “định cư” và trả giá cho những tháng ngày lầm đường lạc lối”.
Những đứa trẻ vô tội lớn lên sau song sắt, cần lắm sự yêu thương!
Giữa đợt rét đậm, rét hại đầu năm mới Giáp Ngọ, chúng tôi tìm về trại giam số 5, Bộ CA, ở vùng sơn cước Yên Định, Thanh Hóa. Hiện tại nơi đây có 18 đứa trẻ, độ tuổi từ vài tháng cho đến vài chục tháng tuổi. Có một đứa trẻ vừa được cùng mẹ trở về với gia đình ở Đan Phượng, Hà Nội đúng những ngày áp tết Nguyên Đán Giáp Ngọ. Nhưng lại có 2 đứa trẻ sắp được chào đời từ 2 nữ phạm đang mang bầu.
Từ một dãy nhà cấp 4, chúng tôi nghe thấy tiếng trẻ con râm ran trêu đùa và cả tiếng dạy trẻ ê, a…chúng tôi bước vào, những đứa trẻ tập đi lẫm chẫm chạy ra đón mà không một chút lạ lẫm. Cõ lẽ chúng quá “đói” tình cảm, tình yêu thương của những người thân!
Hỏi tên các con ở đây, vẫn là những cái tên gọi thân mật ở nhà như: Bi, Bông, anh Gấu, em Su… nhưng dường như ở đây nó được nhắc đến ít hơn.
Bất chợt, chẳng ai xúi, ai bảo, đang cầm trên tay gói bánh kem xốp của đầu xuân năm mới mà chúng tôi vừa tặng, thấy bạn chìa tay xin “anh cu tí” liên thò bàn tay bé xíu vào trong gói bánh moi ra một miếng bánh kem xốp chia cho bạn, trong tiếng vỗ tay như pháo rang của mọi người.
Những đứa trẻ ở trại giam số 5 Bộ CA (Yên Định, Thanh Hóa), đón năm mới trong vòng tay yêu thương.
Bế trên tay đứa con đang bi bô tập nói, phạm nhân Đinh Thị Sen (Yên Lâp, Phú Thọ) tâm sự, trước khi nhập trại vợ chồng Sen là người nghiện ma túy. Trong một lần Sen bị cơ quan CSĐT bắt giữ về tội tàng trữ trái phép chất ma túy và bị Tòa kết án. Cứ ngỡ rằng trong lúc có con nhỏ là thoát án, là không phải đi tù nên trong thời gian chờ Thi hành án, Sen đã nghĩ cách mang bầu và đẻ con. Đến khi bị bắt thi hành án lúc này Sen đang mang bầu và Sen chỉ “vỡ” ra khi cán bộ giải thích cho nghe: Sự khoan hồng, nhân đạo của pháp luật cũng có giới hạn. Đối với những người phạm tội nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội thì vẫn phải cần cách li với xã hội.
Tự đáy lòng mình, Sen bảo còn 20 tháng nữa là mẹ con em được ra khỏi trại, với quãng đời còn lại em sẽ cố gắng làm lại từ đầu và mong mọi người trong xã hội tạo điều kiện cho em cơ hội…
Những “kỹ sư tâm hồn”
Thiếu úy Lê Thị Thu - cán bộ quản giáo ở đây tâm sự, vào nghề được ngót 5 năm nhưng cũng đã nếm trải nhiều lần phải đưa các nữ phạm nhân đi đẻ. Một điều oái oăm là các phạm nhân lại cứ “nhằm” những ngày Tết để sinh con nên công việc của những người quản giáo ở đây khá vất vả.
"Bông hồng" trại giam số 5 được mệnh danh "kỹ sư tâm hồn" nhưng luôn tỏ ra khiêm tốn.
Những nữ phạm nhân sinh con thì cũng đều được nghỉ thai sản 6 tháng như ngoài xã hội. Sau đó, các con sẽ được đưa đi nhà trẻ có các cô trông nom, con nào ăn sữa, ăn cháo thì cũng đều có suất ăn bình thường…ngày mẹ đi làm, chiều khoảng 5h đón con về, tối mẹ con lại ở bên nhau.
Thu bảo, hàng ngày bọn em cũng phải hướng dẫn, trò chuyện với các nữ phạm nhiều cái về mặt tâm lí để họ vơi đi nỗi nhớ nhà… vất vả thì kể nhiều lắm nhưng chúng em luôn tự hào mình được mệnh danh là “kỹ sư tâm hồn”.
“Đối với những người phạm tội nghiêm trọng, gây nguy hiểm thì vẫn phải cần cách li với xã hội”. Chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước, bị can và các phạm nhân đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tuổi thì được hoãn thi hành án, trừ những người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. |
Một Giám thị trại khác tâm sự, “sau khi bị Tòa tuyên án và trong thời gian chờ Thi hành án, có nữ phạm cứ “sòn sòn” đẻ con liên tục. Những đứa trẻ được ra đời mà chính bản thân người mẹ ấy còn không nhớ bố chúng là ai. Cũng có đứa trẻ ra đời là sản phẩm của bố mẹ bị nhiễm HIV và sau đó lìa cõi trần cùng mẹ. Số ít đứa trẻ may mắn khi bố mẹ bị nhiễm HIV nhưng lại không truyền sang con”.
Đại tá Nguyễn Văn Vân, Phó giám thị trại cho biết, thời gian trước đây khi đi làm giấy khai sinh cho các con khá vất vả. Nhiều lúc cán bộ tư pháp đòi hỏi giấy chứng sinh của bệnh viện thì lấy đâu ra vì hầu hết các con đều sinh ra rất “đặc biệt”. Nhiều con chẳng biết bố chúng là ai nên các con sinh ra đều mang họ mẹ.
Theo Đại tá Vân, “các con sinh ra là những đứa trẻ vô tội, giống như con em những cán bộ ở trong trại. Về mặt vật chất sinh hoạt trong cuộc sống các em không có gì thiếu thốn, cũng có sữa, có cháo thịt… đi học tối về ngủ với mẹ. Nhưng chỉ có điều lo lắng nhất là kỹ năng sống của con sau này khi lớn lên”.
Hết giờ làm việc các mẹ một thời lầm lỗi lại đón con từ nhà trẻ về.
“Cán bộ trại dù có yêu thương các con đến đâu, cũng không thể sớm tối đưa đón các con đi học. Có con lớn lên đến độ tuổi đi học, cán bộ ở trại muốn gửi các con về nhà cho ông bà người thân để nuôi. Nhưng có gia đình không đủ điều kiện để nuôi dạy các con. Cũng có gia đình họ không nhận những đứa trẻ đó. Thành thử cán bộ trại giam lại phải liên hệ với các Trung tâm Bảo trợ xã hội gửi các con vào đấy để được đi học và mong muốn các con sau này lớn lên trở thành những con người lương thiện”, một cán bộ trại giam tâm sự.
Tuấn Hợp