1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Hà Tĩnh:

Lập hồ sơ ảo, doanh nghiệp khởi kiện lão nông ra tòa

(Dân trí) - Nhiều lần gửi thông báo đòi hưởng hoa lợi từ trồng rừng của ông Lê Hữu Chí (67 tuổi, trú tại xã Hương Giang, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) nhưng không được chấp thuận, công ty TNHHMTV cao su Hương Khê – Hà Tĩnh đã dùng “hợp đồng ảo” và nhiều chứng từ mập mờ để khởi kiện.

Hàng chục năm trồng rừng bỗng nhiên bị kiện vì không chịu chia hoa lợi

Năm 1992, gia đình ông Lê Hữu Chí làm đơn xin nhận 82ha đất rừng theo dự án Yên Sơn, chương trình 327 theo Nghị định 02 của Chính phủ về phủ xanh đất trống đồi trọc, trồng rừng sản xuất phòng hộ đầu nguồn và được nhà nước chấp thuận. Quá trình trồng rừng theo ông Chí là gia đình ông tự bỏ toàn bộ chi phí để sản xuất.

Trong suốt nhiều năm, ông Chí trồng và khai thác không xảy ra tranh chấp với bất kỳ cá nhân hay đơn vị nào. Đến tháng 8/2017, ông Chí bất ngờ nhận thông báo của TAND huyện Hương Khê về việc Công ty Cao su Hương Khê khởi kiện tranh chấp hợp đồng giao khoán trồng rừng.

Theo đơn khởi kiện, ngày 10/12/2003, Công ty Lâm nông công nghiệp Hà Tĩnh (tiền thân của Công ty cao su Hương Khê) ký hợp đồng hợp tác trồng rừng số 11-HĐ/HTTR với ông Chí trên diện tích 7,74 ha tại tiểu khu 215 (thuộc địa bàn xã Hương Giang, huyện Hương Khê). Trong quá trình thực hiện hợp đồng, công ty đã cung ứng vật tư, phân bón, cây giống, tiền chăm sóc trên diện tích 7.74 ha với số tiền hơn 32 triệu đồng.

Lão nông Lê Hữu Chí tại phiên tòa xét xử.
Lão nông Lê Hữu Chí tại phiên tòa xét xử.

Nội dung trong bản hợp đồng cho rằng, khi có lợi nhuận công ty và xí nghiệp được hưởng 57%, phía ông Chí được hưởng 40%, UBND xã Hương Giang hưởng 3%. Công ty này tính toán, rừng keo thời điểm trồng đến nay đã 13 năm, sản lượng 120 tấn/ha, tổng số tiền bán sản phẩm keo rừng hơn một tỷ đồng, chi phí hơn 500 triệu. Trong số tiền còn lại gần 500 triệu, công ty cao su được hưởng 57%.

Công ty cao su cho hay nhiều lần thông báo bằng văn bản cho ông Chí để thanh lý hợp đồng song ông không hợp tác. Việc này là vi phạm hợp đồng, gây thiệt hại về kinh tế nên khởi kiện lên tòa án các cấp nhằm đòi công nhận quyền khai thác, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm với số cây keo trên diện tích rừng ông Chí đang trồng.

“Khi nhận thông báo tôi tưởng chuyện đùa vì làm sao có chuyện phi lý như thế nên tôi cũng không để ý. Đến khi phía tòa án gửi đơn làm tôi hết sức ngỡ ngàng. Tôi cho rằng mục đích công ty là muốn đòi ăn chia phần trăm tiền bán cây keo của gia đình tôi, nên làm giả hợp đồng và ký khống chữ ký để kiện", ông Chí nói.

Tạo hợp đồng “ảo” đi khởi kiện

Chiều 21/11, TAND Hà Tĩnh vừa mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án dân sự về “Tranh chấp hợp đồng hợp tác trồng rừng” giữa nguyên đơn là công ty TNHHMTV cao su Hương Khê – Hà Tĩnh và bị đơn là ông Nguyễn Hữu Chí (SN 1951, trú tại xã Hương Giang, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh).

Trước đó, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm tại TAND huyện Hương Khê, HĐXX đã bác đơn khởi kiện của phía công ty cao su Hương Khê – Hà Tĩnh, do các chứng cứ không đủ tính pháp lý. Không đồng tình với kết luận này, doanh nghiệp này tiếp tục gửi đơn kháng cáo lên TAND tỉnh Hà Tĩnh

Tại phiên tòa xét xử phúc thẩm, ông Chí một lần nữa cho rằng nội dung đơn kiện không có cơ sở pháp lý, bởi ông không ký bất cứ hợp đồng hay văn bản nào với nguyên đơn. Hợp đồng năm 2003 được công ty trưng ra tại tòa là giả, đề nghị xem xét tính pháp lý và yêu cầu đưa bản gốc để đối chiếu.

Quá trình xác minh, HĐXX TAND Hà Tĩnh yêu cầu phía công ty cao su Hà Tĩnh phải đưa ra bản hợp đồng gốc để đối chứng. Tuy nhiên, bên nguyên đơn chỉ đưa ra hợp đồng phô tô có chữ ký của ông Chí và chữ ký kèm con dấu mang tên Công ty Lâm nông công nghiệp Hà Tĩnh.

Điều đáng nói, trong nội dung hợp đồng được ký vào thời điểm năm 2003, thì doanh nghiệp này chưa có tên là Công ty Lâm nông công nghiệp Hà Tĩnh và chưa có con dấu. Thời điểm đó, công ty sử dụng con dấu là Công ty sản xuất kinh doanh thông Hà Tĩnh.

Năm 2006, đơn vị này mới đổi tên, như vậy đến lúc đó tên và con dấu của công ty mới có hiệu lực. Vì thế, tòa đánh giá: Không có trường hợp nào lại sử dụng tên công ty và con dấu trước ba năm để giao dịch khi chưa được phép sử dụng.

Đại diện phía công ty cao su khẳng định hợp đồng năm 2003 là đúng. Song bản gốc bị thất lạc do địa bàn trải qua nhiều trận lũ lụt.

Dù khởi kiện nhưng đại diện công ty cao su Hương Khê không đưa ra được hợp đồng gốc.
Dù khởi kiện nhưng đại diện công ty cao su Hương Khê không đưa ra được hợp đồng gốc.

Các bên liên quan như phía UBND xã Hương Giang (nơi nhận hợp đồng kinh tế số 11 cũng từng khẳng định không lưu giữ bản hợp đồng gốc nào liên quan đến sự việc này. Tòa án cũng khẳng định thời điểm năm 2003 ông Phạm Ngạch, người ký tên trong bản hợp đồng với chức danh Chủ tịch UBND xã Hương Giang vẫn đang là Phó Chủ tịch UBND xã này. UBND xã Hương Thủy (đơn vị chứng thực bản hợp đồng phô tô) thừa nhận đã có sai sót trong việc kiểm tra chữ ký của các bên trong bản hợp đồng.

Phía công ty cao su còn đưa ra nhiều chứng từ phiếu chi liên quan cho rằng bên phía công ty cao su đã mua phân bón, cây giống nhằm phục vụ cho toàn bộ diện tích trồng rừng của ông Chí. Tuy nhiên, các phiếu chi này đều không được ghi rõ vào sổ chi tiền, không có ngày tháng nhận tiền, không được thủ quỹ theo dõi và ký tên, người nhận không ghi rõ ngày tháng nhận là sai quy định.

Trong đó, có một phiếu chi có nội dung vay vốn trồng rừng nguyên liệu theo hợp đồng đã ký vào ngày 28/8/2003 trong khi đó hợp đồng lao động công ty cao su đưa ra với ông Chí là ngày 10/12/2003 là hoàn toàn vô lý.

Trong quá trình thẩm định, cơ quan chức năng đã đối chiếu số diện tích cây được trồng trên thực tế không hề trùng khớp với diện tích cây trồng có trong hợp đồng phô tô phía doanh nghiệp đưa ra khởi kiện.

Từ những nhận định trên, HĐXX TAND Hà Tĩnh tiếp tục bác toàn bộ đơn khởi kiện, không chấp nhận yêu cầu của Công ty cao su Hương Khê vì không đủ cơ sở pháp lý.

Phượng Vũ - Hà Phương