1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Cần Thơ

Kẻ giả mạo người thân lãnh đạo Bộ Công an lừa đảo chiếm đoạt tài sản

(Dân trí) - “Nổ” mình thân với lãnh đạo Bộ Công an, hứa hẹn sẽ giúp đỡ cho những người quen có nhu cầu vào làm việc tại ngành công an với giá 150 đến 250 triệu đồng/ người, Nguyễn Văn Hết cùng các đồng phạm thực hiện 36 vụ lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 3 tỷ đồng của nhiều bị hại.

Các bị cáo tại phiên xét xử sáng 22/12
Các bị cáo tại phiên xét xử sáng 22/12

Ngày 22/12, TAND TP Cần Thơ đã tổ chức xét xử và tuyên phạt 5 đối tượng 58 năm tù cùng về “tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Các đối tượng bị tuyên phạt: Nguyễn Văn Hết (49 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều) 25 năm tù, Nguyễn Ngọc Nguyện (41 tuổi) 14 năm tù, Dương Thanh Phong (26 tuổi) 12 năm tù, Phạm Việt Hoài (26 tuổi) 5 năm tù và Hứa Thị Thùy Dung (27 tuổi) 30 tháng tù.

Theo cáo trạng của VKS, năm 1985, Nguyễn Văn Hết tham gia lực lượng công an tại tỉnh Hậu Giang (cũ). Quá trình công tác, đến năm 1999, Hết xuất ngũ. Năm 2006, Hết thành lập công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Tiến Đạt và làm Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc. Làm được một thời gian, Hết thuê ông Trương Minh Trí (quận Ninh Kiều) làm giám đốc, vì bị cáo này không có bằng cấp đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông Trí chỉ làm bình phong, mọi việc trong công ty đều do Hết điều hành. Từ năm 2014, Hết biết nhiều người có nhu cầu vào làm việc trong ngành công an và những người thi rớt Đại học Cảnh sát có nhu cầu học Trường Trung cấp Cảnh sát. Từ đó, Hết nảy sinh ý định dùng thủ đoạn để lừa đảo.

Cũng theo cơ quan chức năng, Nguyễn Văn Hết “nổ” có mối quan hệ với nhiều cán bộ, lãnh đạo ở Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Công an. Để tạo lòng tin, Hết cung cấp số điện thoại của “lãnh đạo bộ Công an “cho các bị hại tự xác minh, thực chất đó là các số điện thoại của Dương Thanh Phong và Phạm Việt Hoài đóng giả. Khi có người gọi đến, Phong và Hoài đều xưng là lãnh đạo bộ công an và hứa hẹn giúp đỡ và ra giá mỗi trường hợp xin vào ngành công an từ 150 - đến 250 triệu đồng. Sau đó, Phong và Hoài đóng giả người nhà cán bộ của Bộ Công an đến nhà người bị hại để nhận tiền.

Quá trình điều tra của cơ quan công an, từ tháng 7/2014 - 3/2015, Hết cùng các đồng phạm thực hiện 36 vụ lừa đảo bằng thủ đoạn trên để chiếm đoạt số tiền gần 3 tỷ đồng của nhiều bị hại.

Sau khi biết mình bị lừa, các bị hại đến cơ quan chức năng tố cáo hành vi lừa đảo, sau đó Nguyễn Ngọc Nguyện đã bỏ trốn, buộc cơ quan chức năng phải phát lệnh truy nã. Đến tháng 9/2015, Nguyện bị bắt khi đang khoác áo người làm công quả cho một nơi ở thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Tại phiên tòa HĐXX nhận định, Hết là kẻ chủ mưu, các bị cáo còn lại là trợ thủ đắc lực, giúp đỡ cho bị cáo này gây án. Hành vi của các bị cáo đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cá nhân, cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến quá trình tuyển sinh… nên tuyên mức phạt như trên.

Phạm Tâm