1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Hà Nội: Khi trường học trở thành “món nợ”

Những ngày qua, sự việc hàng chục chủ nợ kéo đến "biểu tình" trước cổng Trường THPT dân lập Phương Nam (khu đô thị mới Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội), rồi đưa cả gia đình vào trong trường ăn ở với mục đích đòi nợ khoản vay trên 268 tỉ đồng cùng 17 cuốn sổ đỏ.

Đối tượng bị đòi là bà Trương Thị Hải Yến, Phó hiệu trưởng kiêm Chủ tịch HĐQT nhà trường đã khiến dư luận xôn xao bởi đây là lần đầu tiên tại Thủ đô xảy ra một vụ vỡ nợ kiểu "tín dụng đen" tại môi trường giáo dục. Đằng sau vụ đòi nợ này là gì?

Kéo cả nhà vào trường ăn ở để đòi nợ

Ngày 20/8, sau khi xảy ra việc một số chủ nợ đưa cả gia đình đến ăn ở trong Trường THPT dân lập Phương Nam, chúng tôi đã tìm đến ngôi trường này để tìm hiểu sự việc.

Tưởng chúng tôi đến xin học cho con, bà bán nước gần trường vội xua tay: "Mấy hôm nay phụ huynh chuyển trường cho con nhiều lắm. Đòi nợ ầm ĩ thế này thì học làm sao được". Rồi bà hàng nước mau mắn dặn chúng tôi rằng muốn vào trường thì đi lối cổng phụ phía sau, bởi cổng chính đã bị người đòi nợ chặn hết rồi.

Đúng như lời bà hàng nước, tại khu vực cổng chính, cánh cổng sắt đóng kín, có bảo vệ phía trong canh gác. Bên ngoài, một đám người chủ yếu là phụ nữ trải chiếu tụ tập trên vỉa hè. Thỉnh thoảng, một người phụ nữ cầm chiếc loa phóng thanh chĩa vào phía trong trường kêu tên bà Trương Thị Hải Yến trả nợ cho mọi người. Đám chủ nợ này mang theo cả đồ ăn và nước uống.

Họ treo trước cổng trường một tấm biển đỏ ghi danh sách chủ nợ, tổng cộng 19 gia đình với tổng số tiền đã cho bà Trương Thị Hải Yến, Chủ tịch HĐQT trường Phương Nam vay là  268,8 tỉ đồng và 17 quyển sổ đỏ. Trong đó, chủ nợ lớn nhất là bà Ngô Thị Anh Thư ở Định Công, Hoàng Mai, cho vay 140 tỉ đồng; người cho vay ít nhất là Nguyễn Thị Lan Dương ở Khâm Thiên cho vay 700 triệu đồng.

Vì sao bà Yến lại vay nhiều tiền như vậy, và vì sao số chủ nợ trên lại dễ dàng bỏ ra một khoản tiền cực lớn cho bà Yến vay? Để làm rõ câu hỏi này, chúng tôi đã gặp bà Ngô Thị Anh Thư, chủ nợ lớn nhất.

Bà Thư cho biết, tháng 8/2008, bà được người quen là Trưởng phòng Tín dụng một ngân hàng trên địa bàn Hà Nội giới thiệu gặp bà Trương Thị Hải Yến để xin việc cho một người cháu vừa tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm. Mọi việc diễn ra suôn sẻ, bà Yến đồng ý nhận cháu của bà Thư vào làm công việc hành chính của trường. Từ đó, giữa bà Yến và bà Thư có mối quan hệ đi lại ngày càng thân thiết.

Biết bà Thư chuyên cho vay lãi, ban đầu  bà Yến ngỏ ý nhờ bà Thư giúp đặt chiếc ôtô Civic của nhà trường lấy 400 triệu đồng, thời hạn vay tiền 1 tháng, lãi suất 4,5%/tháng. Đến hạn, bà Yến trả tiền đầy đủ và lấy ôtô về.

Thời gian sau, bà Yến nói Trường Phương Nam đang cần vốn để mua thêm trang thiết bị và trả nợ những khoản vay phục vụ việc đầu tư mở trường trước đây. Bà Thư cho bà Yến vay 10 tỉ đồng, chia làm nhiều đợt. Từ mối quan hệ này, bà Yến đã đồng ý cho bà Thư được thầu căng tin của nhà trường và thầu bếp ăn phục vụ học sinh. Thời điểm này, quan hệ giữa hai người hết sức thân thiết.

Tiếp đó, bà Yến tiếp tục thông báo với bà Thư việc huy động tiền vay để trả nợ ngân hàng và các cá nhân mà trước đây bà Yến đã vay tiền để đầu tư mở Trường Phương Nam, đồng thời đầu tư "mua lại" Trường Mầm non Bình Minh ở vị trí đối diện với Trường Phương Nam.

Để chứng minh việc đầu tư kinh doanh thêm Trường Mầm non Bình Minh, bà Yến đưa cho bà Thư xem giấy ủy quyền của bà Trương Thị Kim Dung - Chủ tịch HĐQT Trường Mầm non tư thục Bình Minh, ủy quyền cho bà Yến được toàn quyền quyết định mọi công việc như vay vốn đầu tư, mời và huy động các cổ đông mới góp vốn đầu tư vào Trường Bình Minh. Giấy ủy quyền này đề ngày 20/3/2010, phía dưới có chữ ký và con dấu đỏ của cả 2 trường Phương Nam và Bình Minh.

Thấy việc đầu tư mở trường của bà Yến ngày càng phát triển, trong thời gian  từ năm 2008 đến 2011, bà Thư đã cho bà Yến vay số tiền 80 tỉ đồng.

Chủ nợ bao vây cổng trường, ăn ở trong trường Phương Nam để đòi nợ bà Trương Thị Hải Yến. 
Chủ nợ bao vây cổng trường, ăn ở trong trường Phương Nam để đòi nợ bà Trương Thị Hải Yến. 
Chủ nợ "bao vây" cổng trường, ăn ở trong trường Phương Nam để đòi nợ bà Trương Thị Hải Yến. 

Đến cuối năm 2011, bà Yến đưa cho bà Thư xem bản photo "sổ đỏ" của Trường Phương Nam với tổng diện tích được sử dụng là 16.248m2, mục đích thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình trường học, thời hạn sử dụng 50 năm kể từ ngày 5/7/2011. Bản photo "sổ đỏ" này không ghi ngày cấp.

Theo giải thích của bà Yến,  nếu xong thủ tục nhận sổ đỏ sẽ mang đi thế chấp ngân hàng vay  được 600 tỉ đồng. Số tiền này sẽ được dùng để thực hiện dự án nâng cấp Trường Phương Nam thành trường quốc tế, đồng thời trả nợ những người đã cho bà Yến vay tiền. Bà Yến hứa sẽ ưu tiên trả hết nợ cho bà Thư trước, ngoài ra còn cho bà Thư vay thêm để kinh doanh.

Thấy có lợi,  bà Thư quyết định đi vay "tín dụng đen" với lãi suất cao để  cho  bà Yến vay lại thêm 60 tỉ đồng  lo vụ làm sổ đỏ,  cộng với khoản vay trước đã nâng tổng số tiền cho vay lên tới 140 tỉ đồng.

Sau đó, bà Yến có lấy được sổ đỏ thật nhưng không vay được tiền ngân hàng. Lúc này bản thân bà Thư cũng trở thành con nợ của khoản vay 60 tỉ đồng. Trước sức ép của các chủ nợ, bà Thư đã phải thế chấp 5 ngôi nhà, 200m2 đất ở Tây Hồ là tài sản riêng của gia đình và một ngôi nhà của em gái ở Sơn La để lấy tiền trả nợ gốc và lãi.

Do không có tiền trả cho bà Thư nên ngày 23/9/2012, bà Yến và bà Thư thống nhất giải quyết chuyển số tiền vay 60 tỉ của bà Thư vào hợp đồng góp vốn đầu tư Trường Mầm non tư thục Bình Minh. Tổng giá trị tài sản góp vốn là 350 tỉ đồng, trong đó bà Yến có tỉ lệ góp vốn 50%, bà Thư là 22% và một chủ nợ khác là bà Trần Thị Nam Dung 10% (do bà Dung cho bà Yến vay 35 tỉ đồng).

Trong hợp đồng góp vốn và hợp đồng nguyên tắc ký sau đó có nêu rõ khi Trường Mầm non tư thục Bình Minh có quyết định chính thức đi vào hoạt động, bà Trương Thị Hải Yến chịu trách nhiệm bổ sung bà Ngô Thị Anh Thư và bà Trần Nam Dung trở thành thành viên chính thức trong HĐQT của Trường Bình Minh để cùng hoạch định các phương án kinh doanh giảng dạy và phương hướng phát triển của trường.

Thế nhưng theo bà Ngô Thị Anh Thư thì thực tế bà Yến đã không thực hiện đúng cam kết trên. Đầu tháng 8/2013, mặc dù Trường Mầm non tư thục Bình Minh đã đi vào hoạt động nhưng bà Thư và bà Trần Thị Nam Dung không được đưa vào HĐQT.

Một điều bất ngờ là ngày 9/8 vừa qua, tại buổi làm việc giải quyết khiếu kiện của bà Thư, bà Trần Thị Nam Dung do Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Hoàng Mai tổ chức, bà Trương Thị Kim Dung, Chủ tịch HĐQT Trường Mầm non tư thục Bình Minh đã khẳng định không biết tờ giấy ủy quyền ngày 20/3/2010 và cũng không có sự ủy quyền của bà Trương Thị Kim Dung đối với bà Trương Thị Hải Yến để huy động cổ đông góp vốn vào Trường Bình Minh.

Lý do mà bà Trương Thị Kim Dung đưa ra là giấy ủy quyền ghi ngày 20/3/2010, trong khi ngày 14/1/2011 Trường Bình Minh mới được nhận lại con dấu của trường từ Công an TP Hà Nội (?!).
 
Trường học hay miếng bánh?

Trường học hay miếng bánh?

Sau cuộc họp trên, cho rằng bà Trương Thị Hải Yến lừa đảo trong việc vay tiền đầu tư vào Trường Phương Nam và Trường Bình Minh, bà Ngô Thị Anh Thư, Trần Thị Nam Dung cùng những người đã cho bà Yến vay tiền kéo đến tụ tập trước cổng Trường Phương Nam đòi nợ.

Bức xúc của chủ nợ gia tăng khi họ nhận được thống kê của bà Yến về các khoản vay nợ, theo đó không những bà Yến đã trả đủ tiền vay cả gốc lẫn lãi mà giờ đây, các chủ nợ bỗng trở thành con nợ của bà Yến (?). Các chủ nợ căng băng rôn, dùng loa tố cáo hành vi lừa đảo của bà Yến.

Ngoài bà Thư, bà Dung là 2 chủ nợ lớn nhất thì có rất nhiều người khác cũng kéo đến đòi nợ. Có người cho bà Yến vay tiền mặt, có người cho vay bằng "sổ đỏ". Theo các chủ nợ cho biết, sở dĩ họ cho bà Yến vay tiền bởi lẽ tin vào tư cách đạo đức nhà giáo của bà Yến, mặt khác 2 ngôi trường Phương Nam và Bình Minh vừa có diện tích rất lớn, lại ở vị trí  đắc địa trong khu đô thị mới Định Công nên trong trường hợp bà Yến không trả được tiền thì người cho vay  vẫn có quyền lợi trong việc kinh doanh giáo dục từ 2 ngôi trường này?!.

Trước tình hình trên, để đảm bảo an ninh trật tự (ANTT) tại khu vực và hoạt động của nhà trường, ngày 13/8 vừa qua, UBND phường Định Công đã tổ chức cuộc họp với sự tham dự của chính quyền phường, Công an quận Hoàng Mai, Ban giám hiệu Trường THPT dân lập Phương Nam, bà Trương Thị Hải Yến và một số chủ nợ. Phía Cơ quan Công an yêu cầu hai bên giữ hòa khí, cùng giải quyết theo đúng trình tự pháp luật, không để ảnh hưởng đến việc dạy và học của nhà trường.

Tại cuộc họp này, chủ nợ thì tố bà Yến lừa đảo và yêu cầu phải trả lại tiền, trong khi  bà Yến lại cho rằng bị các chủ nợ vu oan và đề nghị giải quyết mọi việc tại tòa án. Theo một vị lãnh đạo Công an quận Hoàng Mai thì việc vay nợ giữa bà Trương Thị Hải Yến và các chủ nợ là giao dịch dân sự nên Cơ quan Công an không tham gia giải quyết. Phía Cơ quan Công an chỉ đảm bảo việc giữ gìn ANTT trong khu vực.

Sau cuộc họp này, do chưa đi đến thống nhất cách giải quyết nên các chủ nợ vẫn tiếp tục "bao vây" Trường Phương Nam. Họ cho biết bà Trương Thị Hải Yến "cố thủ" ở trong trường nên chia nhau canh gác tại các cổng ra vào của nhà trường, đề phòng bà Yến tìm cách bỏ trốn.

Tình hình ngày càng rắc rối khi ngày 14/8, có khoảng  hơn 10 người gồm 4 gia đình đã mang giường chiếu, đồ đạc  vào trường sinh hoạt, ăn ở tại khu vực căng-tin và nhất quyết không chịu rời đi  với lý do bà Yến không trả tiền dẫn đến vỡ nợ, bị siết nhà, không còn chỗ ở.

Sự việc đòi nợ trên đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc dạy và học của Trường Phương Nam. Ngày 13/8, phụ huynh khối lớp 5 đột ngột nhận được thông báo của giáo viên chủ nhiệm về việc phải chuyển trường ngay cho con em để nhà trường thực hiện kế hoạch nâng cấp cơ sở vật chất.

Thông tin này đã gây sốc đối với phụ huynh và học sinh bởi theo lịch thì ngày 15/8 là khai giảng. Chưa hết, vì lo lắng cho môi trường học tập giờ đây biến thành "cái chợ", nhiều phụ huynh khối cấp 3 cũng tìm cách chuyển trường cho con em mình.

Quá trình tìm hiểu vụ đòi nợ tại Trường THPT dân lập Phương Nam, chúng tôi nhận được nhiều câu hỏi trăn trở, bức xúc của chính người dân phường Định Công về những chuyện lình xình liên quan đến Trường Phương Nam trong thời gian qua.

Được thành lập từ năm 1996, đến năm 2001 trở thành trường học đa cấp với đủ 3 cấp học, Trường Phương Nam đã xây dựng được "thương hiệu" trong số các trường dân lập trên địa bàn Hà Nội. Số lượng học sinh theo học tại đây có thời điểm lên tới vài nghìn học sinh.

Thế nhưng trong thời gian gần đây, mâu thuẫn nội bộ nhà trường khiến chất lượng giáo dục đi xuống, giáo viên lần lượt chuyển trường, số lượng học sinh giảm dần. Và giờ đây lại xảy ra vụ việc ngôi trường bị "bao vây" đòi nợ mà chưa biết bao giờ mới đi đến hồi kết.

Một người dân sống gần Trường THPT dân lập Phương Nam cho rằng, vụ đòi nợ khiến ngôi trường giống như một miếng bánh đang bị các cá nhân tranh chấp, xâu xé. Trong khi trên chính địa bàn phường Định Công, quỹ đất dành cho giáo dục còn thiếu thì việc 2 ngôi trường Phương Nam và Bình Minh tọa lạc ở vị trí đẹp, diện tích rộng nhưng giờ đây gần như "bỏ hoang" bởi chẳng phụ huynh nào muốn con em mình học tập tại một môi trường giáo dục đang đầy rẫy mâu thuẫn và tranh chấp như vậy.

Sự ngờ vực của người dân rằng hình như người ta mở trường vì một dự án đất rộng mênh mông hơn là vì thực tâm muốn phát triển giáo dục không phải là không có lý. Bởi với chủ nợ, một mặt thông cảm với họ khi "của đau con xót" nhưng nếu bỏ tiền cho bà Yến vay vì mục đích đầu tư cho  giáo dục là trên hết thì họ đã không kéo đến trường ăn ở, náo loạn như những ngày qua.

Đối với bà Trương Thị Hải Yến, nếu vì mục đích giáo dục là hàng đầu thì chắc chắn bà Yến đã tìm ra cách giải quyết thỏa đáng để gìn giữ và phát triển ngôi trường  từng có thương hiệu và tồn tại suốt 17 năm qua!

Theo Hương Vũ
An ninh thế giới