1. Dòng sự kiện:
  2. Vé số trúng 2 tỷ đồng bị từ chối trả thưởng
  3. Vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2

Đề nghị toà xử Phạm Công Danh 30 năm tù

(Dân trí) - Với những sai phạm tại VNCB, đại diện VKSND TPHCM đề nghị mức án “kịch khung” với Phạm Công Danh là 30 năm tù. Các bị cáo từng là “cánh tay đắc lực” của Danh tại ngân hàng Xây dựng VNCB cũng bị đề nghị mức án từ 22 – 24 năm tù.

Tiền gửi khách hàng "bốc hơi", ngân hàng không phải chịu trách nhiệm?

bicao-1469457054259

Các bị cáo tại tòa

Sáng 16/8, phiên tòa xét xử đại án kinh tế gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại ngân hàng Xây dựng (VNCB) do Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) và đồng bọn gây ra tiếp tục diễn ra.

Bước vào phần luận tội, đại diện VKSND TPHCM, người giữ quyền công tố tại tòa nhận định, VNCB là một ngân hàng thương mại làm ăn thua lỗ, được ngân hàng nhà nước đưa vào dạng kiểm sát đặc biệt. Hy vọng với sự kiểm sát đó, VNCB sẽ giảm thua lỗ, tăng tính thanh khoản, vươn lên một ngân hàng phát triển. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Phạm Công Danh, VNCB không phát triển mà còn đi xuống trầm trọng.

Đại diện VKS nhận định, bị cáo Phạm Công Danh đã chỉ đạo tổ chức lập hồ sơ về việc nâng cấp hệ thống coreBanking gây thiệt hại cho VNCB 63 tỷ đồng. Bị cáo cũng chỉ đạo thực hiện lập hồ sơ khống về việc thuê các mặt bằng 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh (quận 10) gây thiệt hại 581 tỷ đồng.

Danh còn chỉ đạo rút 5.190 tỷ đồng tại VNCB không có sự đồng ý và không có chữ ký của chủ tài khoản Trần Ngọc Bích. Các ủy nhiệm chi và rút 300 tỷ đồng tại VNCB không có hồ sơ vay vốn. Cựu Chủ tịch ngân hàng còn chỉ đạo phát hành trái phiếu trái quy định.

Tổng thiệt hại do các hành vi bị cáo Danh gây ra là 7.038 tỷ đồng.

Bị cáo Phạm Công Danh
Bị cáo Phạm Công Danh

Bị cáo Mai Hữu Khương và Phan Thành Mai là những người tích cực tham gia họp bàn tổ chức triển khai thực hiện, giúp sức cho bị cáo Danh, rút tiền cho Danh, gây thiệt hại cho ngân hàng VNCB. Phan Thành Mai và Mai Hữu Khương phải trực tiếp chịu trách nhiệm đối với tổng số tiền 7.038 tỷ đồng.

Bị cáo Hoàng Đình Quyết là người tham gia trực tiếp việc rút 5.190 tỷ đồng tại VNCB nhưng không có sự đồng ý và không có chữ ký của chủ tài khoản Trần Ngọc Bích. Tham gia thực hiện việc phát hành ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định để rút tiền cho Phạm Công Danh sử dụng gây thiệt hại cho ngân hàng VNCB. Hoàng Đình Quyết phải liên đới chịu trách nhiệm đối với số tiền 6.093 tỷ đồng.

Về khoản tiền 5.190 tỷ, Phạm Công Danh chỉ đạo Hoàng Đình Quyết chuyển từ tài khoản Trần Ngọc Bích sang tài khoản của Danh. Danh chuyển cho ông Thanh, dùng tất toán các khoản vay ngày 21/6, 26/6, 30/7 nhóm bà Bích đã vay. Do đó, số tiền này cần phải được phục hồi trên cơ sở bà Bích phải hoàn trả tất cả những hợp đồng vay vào các ngày 21/8 và 26/8. Do đó, NH Xây dựng tiếp tục quản lý 124 sổ tiết kiệm để đảm bảo thu hồi số tiền này.

Đại diện VKS nhận định, mối quan hệ giữa ông Danh và bà Bích chưa được làm rõ. Tại tòa, bà Bích khẳng định mình chỉ cho bà Phạm Thùy Trang vay tiền, còn không biết Danh là ai và chưa thực hiện bất cứ giao dịch nào với Phạm Công Danh. Trong khi bị cáo Danh khẳng định mình chỉ vay tiền của Bích thông qua sự giới thiệu của Trang “Phố núi”. Hiện Phạm Thùy Trang đã xuất ngoại nên cơ quan điều tra chưa thể lấy lời khai của Trang để làm rõ mối quan hệ vay mượn của Danh và nhóm Trần Ngọc Bích. Vì vậy không đủ cơ sở truy tố hình sự bà Trần Ngọc Bích cũng như những người liên quan tới việc giúp Danh rút tiền ra khỏi ngân hàng.

Còn đối với Phạm Thùy Trang tuy đã xuất cảnh nhưng dựa vào hồ sơ vụ án và lời khai các bị cáo tại phiên tòa có đủ căn cứ kết luận Trang là người trực tiếp giúp sức cho Danh rút tiền ra khỏi ngân hàng. Vì vậy, cơ quan công tố kiến nghị HĐXX khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phạm Thùy Trang.

Đề nghị mức án "kịch khung" với Phạm Công Danh

Chiều 16/8, đại diện VKS chính thức đề nghị mức án với các bị cáo trong vụ đại án kinh tế thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB
Chiều 16/8, đại diện VKS chính thức đề nghị mức án với các bị cáo trong vụ đại án kinh tế thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB

Chiều nay đại diện VKS TPHCM tiếp tục phát biểu quan điểm về vụ án đồng thời đề nghị mức án đối với từng bị cáo. Cụ thể, bị cáo Phạm Công Danh bị đề nghị tuyên mức án 20 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và 20 năm tù về tội “Vi Phạm quy định cho vay trong hoạt động tín dụng”. Tổng hình phạt VKS đề nghị đối với bị cáo Danh là 30 năm tù (theo quy định, hình phạt tù có thời hạn tối đa không quá 30 năm tù).

Cùng tội Danh trên, VKSND TP HCM đề nghị mức án đối với các bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB) mức án từ 24-26 năm tù. Bị cáo Mai Hữu Khương (nguyên giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) mức án từ 22-24 năm tù. Bị cáo Hoàng Đình Quyết (nguyên giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) mức án từ 20-22 năm tù. Bị cáo Bùi Quốc Viễn (nguyên trưởng ban kiểm soát VNCB) mức án từ 14-16 năm tù.

Nhóm bị cáo phạm tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động tín dụng bị VKS đề nghị mức án từ 3 năm tù treo tới 14 năm tù giam. Trong đó có 5 bị cáo được đề nghị cho hưởng án treo.

Ngoài ra đại diện VKS đề nghị tòa buộc bị cáo Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh bồi thường toàn bộ thiệt hại cho VNCB số tiền hơn 9.000 tỷ đồng. Tiếp tục kê biên 3 căn nhà đồng sở hữu giữa bị cáo Danh và vợ là bà Quách Kim Chi tại nhà tại Hồ Văn Huê, Nguyễn Trọng Tuệ, KDC Sông Giồng. Những tài sản thu giữ được vào ngày Phạm Công Danh bị bắt VKS đề nghị tiếp tục thu giữa nhằm khắc phục thiệt hại cho vụ án. Tài sản tại Quảng Ngãi thuộc sở hữu của công ty IDICO, như 45 giấy sử dụng đất, Khách sạn Mỹ Trà thì tiếp tục kê biên. Căn nhà trên đường Phạm Ngọc Thạch thuộc tài sản của ngân hàng đề nghị bỏ lệnh kê biên trả lại tài sản cho ngân hàng Xây dựng giải quyết.

Bị cáo Phạm Công Danh dù bị đề nghị mức án kịch khung nhưng cũng chỉ chịu 30 năm tù
Bị cáo Phạm Công Danh dù bị đề nghị mức án "kịch khung" nhưng cũng chỉ chịu 30 năm tù

Đề nghị khởi tố thêm nhiều cá nhân giúp sức Phạm Công Danh

Sau khi đề nghị mức án dành riêng đối với từng bị cáo đại diện VKS giữ quyền công tố và kiểm sát phiên tòa, kiến nghị HĐXX xem xét khởi tố hàng loạt vụ án, cũng như cá nhân liên quan tới sai phạm của Phạm Công Danh.

Cụ thể, theo đại diện VKS, Phạm Thùy Trang là người giúp sức cho Danh tìm kiếm khách hàng lớn, trong đó có Trần Ngọc Bích, tại tòa Bích khai nhận mình bà là người trực tiếp giao dịch với Phạm Thùy Trang. Đến thời điểm này Trang đã xuất ngoại. Căn cứ hồ vụ án đại diện VKS đề nghị khởi tố tội cố ý làm trái quy định nhà nước trong hoạt động cho vay đối với Phạm Thùy Trang.

Bên cạnh đó, VKSND TP.HCM nhận thấy, một số cá nhân có hành vi có dấu hiệu tội phạm. Cụ thể, đối với nhóm bà Hứa Thị Phấn và 29 cá nhân khác, khi bị cáo Danh mua ngân hàng Đại Tín đã trong tình trạng ngân hàng đã bị âm, việc chuyển giao ngân hàng có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong việc chuyển mua cổ phần ngân hàng, mua bán lòng vòng, cần phải khởi tố điều tra tội lừa đảo, trốn thuế của các đối tượng có liên quan. VKS đề nghị HĐXX khởi tố vụ án tại tòa đối với hành vi của các đối tượng trên.

Ngoài ra, VKS cũng kiến nghị HĐXX kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục xem xét một số hành vi vi phạm đã và đang được cơ quan điều tra xem xét đối với vai trò của ngân hàng VIDB; Ban thanh tra giám sát của Ngân hàng nhà nước đã không thực hiện tốt vai trò của mình mà tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước trong việc đề xuất để bị cáo Danh tái cơ cấu ngân hàng trong khi Danh không đủ điều kiện. Đề nghị cơ quan điều tra xem xét vai trò của từng cá nhân.

Trung Kiên – Xuân Duy