Công an TP Hà Giang hầu tòa vụ thu giữ 1,5 tấn kỷ vật chiến tranh
(Dân trí) - TAND TP Hà Giang (tỉnh Hà Giang) đang xét xử sơ thẩm vụ án hành chính về khiếu kiện quyết định hành chính giữa ông Trần Vương Việt (ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) và Công an TP Hà Giang.
Ngày 13/5/2020, TAND TP Hà Giang đã tiếp tục đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hành chính về khiếu kiện quyết định hành chính giữa ông Trần Vương Việt (HKTT ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) và Công an TP Hà Giang.
Ông Việt khởi kiện Công an TP Hà Giang ngày 3/11/2018 đã thu giữ khoảng 1,5 tấn kỷ vật chiến tranh, bao gồm phế liệu vô hại: vỏ tút đạn, vỏ đầu đạn, vỏ mìn, súng AK hỏng, hộp tiếp đạn… trưng bày tại quán cà phê AK (ở TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang, do ông Đỗ Việt Hùng làm chủ quán) là trái quy định pháp luật. Toàn bộ khoảng 1,5 tấn kỷ vật chiến tranh này là ông Việt cho ông Hùng mượn để trưng bày.
Tạm giữ là đúng quy định pháp luật?
Tại phiên tòa, đại diện theo ủy quyền của bị đơn, ông Hoàng Văn Cương, Phó trưởng Công an TP Hà Giang cho biết: Căn cứ vào khoản 1, điều 5 Luật số 14 Quốc hội năm 2017 quy định: Nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo; khoản 10 của điều 5 cũng quy định: Nghiêm cấm hành vi chiếm đoạt, mua bán, trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cầm cố phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Ông trình bày tiếp, khoản 13, điều 5 của Luật số 14 nói trên quy định: Cấm đào bới, tìm kiếm, thu gom trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;…
“Ông Đỗ Việt Hùng không thuộc đối tượng được phép sở hữu vũ khí, công cụ hỗ trợ để triển lãm, trưng bày”, ông Cương nói.
Về việc ông Việt cho rằng, số kỷ vật chiến tranh mà Công an TP Hà Giang tạm giữ tại quán cà phê AK là của mình, ông Cương cho rằng, ông Việt không đưa ra được chứng cứ thuyết phục đó là tài sản của mình. Bởi, khi công an đến quán cà phê AK làm thủ tục tạm giữ, ông Hùng không nói đó là đồ mượn của ông Việt.
Ngày 28/11/2018, sau 25 ngày bị công an thu giữ bộ sưu tập kỷ vật chiến tranh, ông Hùng đã viết biên bản tự nguyện giao nộp toàn bộ số kỷ vật chiến tranh nói trên cho công an (?!). Do đó, ông Việt đề nghị công an trả lại số kỷ vật này cho mình là không có căn cứ.
Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói
Về phần nguyên đơn, luật sư Nguyễn Xuân Anh thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội (đại diện ủy quyền của ông Việt) khẳng định, đối chiếu với quy định tại điều khoản 1 điều 119 Bộ Luật dân sự 2015 về hình thức của giao dịch dân sự thì: “Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể…”, vì vậy việc anh Trần Vương Việt cho anh Đỗ Việt Hùng mượn phế liệu kim loại là hình thức giao dịch bằng lời nói thông qua hợp đồng mượn tài sản bằng miệng là phù hợp với quy định.
Với vai trò là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, tại tòa, ông Đỗ Việt Hùng khẳng định, toàn bộ số kỷ vật chiến tranh nói trên đang bị Công an TP Hà Giang tạm giữ là mượn của ông Việt.
“Ngày 28/11/2018, tại trụ sở Công an TP Hà Giang tôi bị cán bộ bắt ép viết biên bản giao nộp tự nguyện. Cán bộ nói việc viết biên bản giao nộp tự nguyện chỉ là thủ tục để công an bàn giao cho quân đội đi giám định, sau đó có thể lấy lại được”, ông Hùng trình bày tại tòa.
Luật sư Nguyễn Xuân Anh trình bày tiếp, ngày 28/11/2019, Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ công an đã có kết luận số 436/C09-P2, P3 có nội dung: Căn cứ quyết định trưng cầu giám định ngày 29/10/2019 của TAND TP Hà Giang (tỉnh Hà Giang) yêu cầu giám định mẫu vật do Công an TP Hà Giang thu giữ tại quán cà phê AK của anh Đỗ Việt Hùng (TP Hà Giang, tỉnh Hà Giang) thì tất cả các mẫu vật trên không còn thuộc vũ khí quân dụng.
Ông Xuân Anh cho rằng, số kỷ vật chiến tranh của ông Việt mà bị Công an TP Hà Giang thu giữ là không chịu sự điều chỉnh của Luật quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Số phế liệu kim loại (kỷ vật chiến tranh này) không có khả năng gây nguy hiểm, sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người... nên nó không thể là “vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ” hay “phế liệu, phế phẩm vũ khí”.
Không đủ cơ sở khẳng định 1,5 tấn kỷ vật chiến tranh là của ông Việt
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) TP Hà Giang nêu quan điểm về vụ án: Tại thời điểm công an thu giữ số vật phẩm trên, ông Hùng không nói là mượn của ông Việt. Các lời khai sau đó, ông Hùng mới nói là mượn của ông Việt.
Đến ngày 28/11/2018, ông Hùng có biên bản tự nguyện giao nộp cho công an số vật phẩm này.
Trong quá trình giải quyết vụ án, tại phiên tòa ngày 6/1/2020 và phiên tòa ngày 13/5/2020, ông Hùng đều cho rằng ông bị Công an TP Hà Giang bắt ép, ép buộc phải viết biên bản này. Tuy nhiên, ông Hùng không đưa ra được chứng cứ chứng minh về việc ông bị bắt ép, ép buộc viết biên bản tự nguyện giao nộp.
Trong suốt quá trình giải quyết vụ án, ông Hùng và ông Việt không cung cấp được thêm bằng chứng gì chứng minh về việc sở hữu của ông Việt đối với toàn bộ số kỷ vật nói trên. Do đó, không đủ cơ sở khẳng định ông Việt là chủ sở hữu số vật phẩm bị công an thu giữ.
“Căn cứ điều 5, điểm h khoản 1 luật Tố tụng hành chính năm 2015 đề nghị HĐXX đình chỉ giải quyết đối với ông Việt về việc buộc công an TP Hà Giang hoàn trả lại toàn bộ số kỷ vật cho chủ sở hữu là của ông Việt”, đại diện VKS đề xuất.
Sau đó, HĐXX bước vào thời gian nghị án, dự kiến, chiều 15/5, HĐXX sẽ tuyên án.
Nguyễn Dương