Ca hóa chất xé nát giấc mơ lập nghiệp của đôi vợ chồng nghèo
Bất ngờ bị một người đàn ông lạ mặt tạt nguyên ca axit khi đang trên đường về nhà, đã nửa năm trôi qua, nhưng vợ chồng anh Phạm Quang Thược (SN 1977) và chị Vũ Thị Luyn (SN 1983, cùng quê Nam Định) vẫn còn ám ảnh như chuyện như vừa xảy ra.
Tan vỡ giấc mơ hạnh phúc vì axit
Căn phòng trọ tuềnh toàng ở Q.4 (TP.HCM) chỉ có cái tủ quần áo là giá trị nhất. Trên chiếc võng kẽo kẹt, người đàn ông lặng thinh để vợ mình dùng bông gòn rửa vết thương ở mắt. Thấy có khách đến thăm, chị giải thích: “Chị chờ em tí nhé. Dạo này mắt chồng em cứ chảy nước vàng liên tục nên phải rửa suốt”. Nhìn người phụ nữ xót xa chăm sóc chồng trong khi bản thân mình cũng đang bị bong tróc từng mảng da trên mặt, chúng tôi không khỏi quặn lòng. Đó là tình cảnh bi đát của vợ chồng Phạm Quang Thược (SN 1977) và chị Vũ Thị Luyn (SN 1983, cả hai cùng quê Nam Định). Họ đang phải chống chọi với sự tàn phá của “con ác quỷ” axit, thứ chất lỏng ăn mòn đã phá tan hạnh phúc của biết bao con người.
Nói chuyện với tôi, chị Luyn thở dài bất lực: “Người ta ăn ở bạc ác bị trả thù, hiềm khích đã đành, chúng tôi nào có làm gì sai trái mà sao trời hành ra nông nỗi này”. Với hai hàng nước mắt, chị kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời của mình. Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo thuộc huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định), tuổi thơ vất vả, chị quanh năm đầu tắt mặt tối với ruộng đồng.
Chị Luyn gặp anh Thược, đồng cảnh ngộ mà nên duyên. Đám cưới được tổ chức đơn giản với sự có mặt và chúc phúc của họ hàng đôi bên, đến nay họ đã hơn 10 năm chung sống. Vợ chồng chị đã có với nhau hai mặt con, đứa lớn 11 tuổi còn đứa nhỏ vừa lên 6.
Cuộc sống gia đình vốn chẳng dư dả gì. Đã vậy, bố chồng chị lại bất ngờ bị thương nặng sau một vụ tai nạn giao thông. Mải miết lo tiền chạy chữa không đủ, mẹ chồng suy nghĩ quá nhiều đến nỗi sinh bệnh lao phổi phải nằm viện. Không đầu hàng trước cơn bĩ cực, anh chị xin phép họ hàng “Nam tiến” để lập nghiệp. Đôi vợ chồng trẻ khăn gói lên đường chỉ với vài trăm nghìn đồng trong túi và giấc mơ về sự khá giả tương lai. Nhưng sự đời trớ trêu, khát khao ấy có lẽ sẽ không thể nào thành hiện thực.
Ngồi bên cạnh, anh Thược góp thêm vào câu chuyện của vợ mình. Nhớ lại buổi tối kinh hoàng ấy, anh kể: “Tôi nhớ như in đêm đó (27/1/2013), vợ chồng tôi vừa dọn hàng về. Đang từ đường Nguyễn Khoái quẹo qua khúc cua gần đến nhà trọ thì bị một người đàn ông chạy cùng chiều hất nguyên ca axit vào mặt. Dù đau lắm, nhưng tôi cố dìu vợ ngồi trên mặt đường rồi nhờ bà con báo công an. Thật không thể tưởng tượng được, chiếc quần jean tôi đang mặc, khi dính a-xit rớt từng mảnh xuống đất. Quần áo của vợ tôi cũng vậy, vải vóc bị axit đốt cháy xém, rơi rụng. Một người dân múc vội xô nước đổ lên người hai vợ chồng, sau đó chúng tôi được người dân đưa đi cấp cứu”.
Từ những người hoàn toàn khỏe mạnh, họ bỗng nhiên trở thành “thân tàn ma dại”, làm vỡ tan giấc mơ hạnh phúc. Bây giờ, hai mắt chị chỉ nhìn được mờ mờ, còn anh Thược thì bị axit ăn mòn ống tai và màng nhĩ nên tai phải gần như đã hỏng. Hai vợ chồng nếu muốn nói chuyện thì phải hét thật lớn thì mới nghe rõ được. Ngày bác sĩ cho xuất viện, anh chị mừng lắm vì cứ nghĩ a-xit cũng giống như nước sôi, bỏng thì cũng sẽ có ngày lành. Nhưng một tháng, hai tháng rồi sáu tháng đã trôi qua, vết thương ngày một nặng thêm. Cứ sáng sáng thức dậy, anh chị lại đau đớn khi bị a-xit hủy hoại thêm một phần da mới. Những lúc ấy, hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc, nước mắt chảy lên da lên vết da bong tróc.
Kể về cuộc sống trước khi tai họa ập xuống, chị Luyn bảo: “Hồi trước, khi chưa lấy anh Thược, tôi đã từng học qua lớp may công nghiệp nên rất giỏi may vá. Rồi khi vào Sài Gòn, hai vợ chồng siêng năng làm lụng, chật vật mãi cũng có được một vị trí bán hàng tại chợ Cô Giang (Q.1). Hàng ngày, tôi nhận sửa quần áo cho khách, còn chồng thì đóng giày dép ở ngay quầy hàng”. Vợ chồng anh Thược, chị Luyn vốn ăn ở hiền lành nên được nhiều người quý mến. Biết hoàn cảnh gia đình hai người quá khó khăn, nhiều lần anh Thược trả tiền thuê mặt bằng, chủ nhà đều bớt phân nửa. Nhưng nỗi vui mừng về chuyện làm ăn suôn sẻ chưa được bao lâu, thì tai họa khủng khiếp đã giáng xuống.
Sống trong sợ hãi
Ngày “Nam tiến”, mang ước mơ lập nghiệp, kiếm tiền nuôi con, đôi vợ chồng quyết định để lại hai đứa con nhỏ cho ông bà chăm bẵm. Nhưng thành công chưa tới, đôi mắt của anh chị đã gần như mù vì bị a-xit ăn mòn, khuôn mặt thì lúc nào cũng bong từng mảng đau đớn.
Dù chuyện xảy ra đã nửa năm nhưng hàng đêm, mỗi khi nhắm mắt lại, anh chị vẫn thấy hiện ra cảnh tượng hãi hùng dạo ấy. Vết lở loét ăn sâu vào da thịt nên chị Luyn mỗi khi ngủ phải dang hai tay và không dám cựa quậy. Từ ngày gặp nạn đến nay, chị cũng không dám đến gần lửa. Phần vì ám ảnh sợ bỏng, phần vì mắt luôn cảm thấy nóng rát, nên hai vợ chồng đến giờ ăn lại phải nhờ những người tốt bụng mua thức ăn giúp.
Ngồi bên cạnh chồng, nước mắt chị Luyn bỗng dưng tuôn trào, chị kể: “Hồi tháng 11 năm ngoái, bố chồng tôi mất, năm nay là giỗ đầu nhưng chắc hai vợ chồng cũng chẳng có tiền để về quê nữa. Chúng tôi đang cố gắng tích cóp để Tết có thể về với các con”. Vì quá thương con, sợ các con nghe chuyện của cha mẹ mà học hành sút kém nên anh chị nhắc với họ hàng giấu các cháu. Hồi mới bị tạt a-xit, vì không có tiền gửi về nên chị Luyn vẫn thường giữ lại những hộp sữa mà người ta cho, gói ghém lại nhờ người mang về quê giúp cho con. Chị đau đớn: “Ấy vậy mà đứa con gái lớn của tôi cũng biết. Qua điện thoại, nó khóc như mưa. Cháu bảo là con biết bố mẹ đau lắm, sao lại không để sữa cho bố mẹ uống mà lại mang về cho con. Con không uống đâu. Con chỉ cần bố mẹ hết bệnh về với chúng con thôi”.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi của cuộc trò chuyện, dường như chưa khi nào chị Luyn ngừng khóc. Chị khóc cho những đau đớn hành hạ trên thân xác vợ chồng thì ít mà khóc vì thương, vì nhớ các con phần nhiều. Lòng chị quặn đau từng khúc khi vết thương cứ âm thầm phá hủy da thịt và nghĩ đến cảnh con cái phải chăm sóc bố mẹ sau này. Nhưng giữa lúc gian nan, đôi vợ chồng chẳng còn cách nào khác là nương tựa nhau để chống chọi qua ngày.
Vô vọng ước mong chữa mắt cho chồng Chị Luyn cho biết, bác sĩ bảo mắt phải anh Thược nếu bỏ 70 triệu đồng để thay giác mạc thì mới có cơ hội nhìn thấy. Nhưng hiện tại, đến vài trăm nghìn tiền thuốc mỗi tuần, anh chị còn chẳng kiếm được, phải lay lắt chạy ăn từng bữa nói gì đến tiền phẫu thuật. Nhiều hôm, hai vợ chồng ngồi ăn cơm mà chẳng thể nào nuốt nổi. Họ chẳng biết mình sống để làm gì. Vào Nam lập nghiệp, kiếm tiền nuôi con nhưng giờ đành bất lực, thân tàn ma dại, sống cuộc sống chẳng biết ngày mai. |
Theo Dương Anh
Giadinh.net.vn