1. Dòng sự kiện:
  2. Đại án Vạn Thịnh Phát

Bị cáo không nhận mình là hung thủ nhưng xin được tử hình sớm

(Dân trí) - Dù cha và anh ruột khẳng định tên bị cáo là Lê Thị Liên nhưng bị cáo cho là họ bị điên. Bị cáo nhận mình là người Hàn Quốc, không biết ai tên Liên. Tuy nhiên, bị cáo lại xin được tử hình sớm cho… đẹp!

Ngày 14/3,TAND TPHCM đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Lê Thị Liên (sinh năm 1983 tại Khánh Hòa) về tội giết người.


Bị cáo Liên cho rằng mình tên là Kimora

Bị cáo Liên cho rằng mình tên là Kimora

Theo cáo trạng, năm 2009, Lê Thị Liên dùng tên là Sam đến xin làm thuê tại tiệm uốn tóc ở quận 11, TPHCM do bà San làm chủ. Nguyễn Thị Phượng là thợ chính của tiệm Hằng Nga. Trong thời gian làm việc chung, Liên và Phượng nảy sinh quan hệ đồng tính.

Giữa năm 2012, quan hệ đồng tính của Liên và Phượng bị gia đình chị Phượng phát hiện, ngăn cấm. Sau khi chủ tiệm Hằng Nga cho Liên nghỉ việc, Liên và Phượng đã nhiều lần thuê khách sạn ở quận 11 gặp gỡ nhau.

Khoảng 20h ngày 20/8/2013, Liên và Phượng lại gặp nhau tại khách sạn. Khoảng 14h ngày 21/8/2013, không thấy Liên trả phòng như thường lệ, quản lí khách sạn kêu nhân viên lên gọi cửa. Nhân viên lên kiểm tra phòng thì phát hiện Phượng đã tử vong còn Liên thì không thấy đâu nên đã trình báo công an.

Ngày 31/12/2014, Liên bị Công an tỉnh Lào Cai bắt giữ theo lệnh truy nã của Công an TPHCM. Khi bị bắt, Liên khai nhận mình tên là Kimora quốc tịch Hàn Quốc, đồng thời từ chối mọi mối quan hệ nhân thân lai lịch của mình, kể cả khi gặp cha ruột và anh của mình Liên vẫn không thừa nhận. Nhưng kết quả giám định vân tay, ADN có căn cứ xác định Liên là hung thủ.

Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo một mực vòng vo chối tội, cho rằng mình không biết ai tên Lê Thị Liên, cũng như bị hại, mình không có ba mẹ, bị cáo cho rằng tên là Kimora quốc tịch Hàn Quốc được sinh ra tại Đà Lạt.

HĐXX đặt ra hàng loạt câu hỏi, tại sao tại hiện trường có vết máu, và 7 tấm hình của bị cáo? Tại sao khi nhận cơm cũng như khi làm đơn xin tử hình bị cáo đều ký nhận là Lê Thị Liên?

Bị cáo tỏ thái độ bất hợp tác và chỉ trả lời không hiểu tòa nói gì. Bị cáo một mực cho rằng mình sinh ra tại Đà Lạt, không rõ bố mẹ mình là ai, sau đi học ở quận 7 (TPHCM).

Sau đó, HĐXX đưa ra bằng tốt nghiệp THPT, học bạ, chứng minh nhân dân mang tên Lê Thị Liên nhưng bị cáo không nhận.

Khi đại diện VSK xét hỏi bị cáo, tòa yêu cầu bị cáo Lê Thị Liên đứng dậy thì bị cáo cãi lại: “Tôi không biết ai tên Lê Thị Liên, tôi là Kimora, con đó phạm tội thì bắt nó đi, sao bắt tôi làm gì?...”.

Đại diện VKS gằng giọng theo kết quả điều tra, ADN , lời khai nhân chứng, người thân đối chất, tất cả đều chứng minh Lê Thị Liên là bị cáo. Trong trại giam bố và anh trai bị cáo đã khóc lóc van xin bị cáo nhận họ.

Bị cáo trả lời: “Họ bị điên ấy, Kimora đâu quen biết họ đâu mà nhận”.

Trước biểu hiện của bị cáo, cơ quan chức năng đã đưa bị cáo đi giám định tâm thần, nhưng kết quả cho thấy Liên bình thường.

Tuy vậy, trong thời gian tạm giam cũng như tại phiên tòa hôm nay, bị cáo cho rằng mình quá xấu hổ nên đã xin được tử hình sớm.

HĐXX hỏi: “Con người ta sinh ra ai cũng mong muốn được sống tại sao mình không phạm tội thì mình lại xin tử hình, diễn biến tâm lý của bị cáo có bị sao không?”.

Bị cáo chỉ cúi đầu nói: “Chết sớm cho đẹp!”.

Kết thúc phiên toàn, do bị cáo không khai nhận bất cứ điều gì, khẳng định mình là người khác nên HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Xuân Duy