Bác sỹ phi tang xác bệnh nhân sẽ phải đối mặt tội danh gì?
(Dân trí) - Theo luật sư Tạ Quốc Cường, để xác định rõ hành vi phạm tội của bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường, chủ thẩm mỹ việc Cát Tường, trước tiên, cơ quan điều tra cần thiết phải xác định được thời điểm nạn nhân tử vong.
Ngày 22/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CATP Hà Nội) đã khởi tố vụ án giết người, che giấu tội phạm, không tố giác tội phạm; đồng thời ra lệnh bắt khẩn cấp với Nguyễn Mạnh Tường (SN 1973, trú tại Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội), chủ thẩm mỹ viện Cát Tường và Đào Quang Khánh (SN 1996, trú tại Hoàn Kiếm, Hà Nội), bảo vệ của thẩm mỹ viện. Cơ quan điều tra đang ráo riết truy tìm thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền để làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng trên, khởi tố bị can đúng người, đúng tội. Nhận định những tội danh mà bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường và nhân viên trong vụ vứt xác bệnh nhân phải đối mặt, luật sư Tạ Quốc Cường - Giám đốc Công ty luật hợp danh Sự Thật (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) - cho rằng, để khởi tố điều tra chính xác hành vi phạm tội của các đối tượng, trước tiên, Cơ quan điều tra cần thiết phải xác định được thời điểm nạn nhân Huyền tử vong. Việc xác định này sẽ được thể hiện trên Bản kết luật giám định pháp y.
Luật sư Tạ Quốc Cường - Giám đốc Công ty luật hợp danh Sự Thật (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội).
Theo luật sư Tạ Quốc Cường, liên quan đến hành vi phạm tội của bác sỹ Tường, có thể xảy ra những trường hợp sau: Nếu chị Huyền chết trước khi bị vứt xuống sông, hành vi của chủ thẩm mỹ viện Cát Tường cấu thành tội “Xâm phạm thi thể người khác”. Trường hợp bệnh nhân chết lâm sàng, tức là chết sau khi bị vứt xuống sông, bác sỹ Tường sẽ đối mặt tội “Giết người”. “Ở trường hợp thứ nhất, nếu nạn nhân chết trước khi bị vứt xuống sông, hành vi của ông Tường không cấu thành tội “Giết người” mà là “Xâm phạm thi thể người khác” được quy định tại Điều 246 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người có hành vi xâm phạm thi thể người khác sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Bên cạnh đó, can phạm còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp” được quy định tại Điều 99 với mức hình phạt tối đa lên đến 12 năm tù. Việc vi phạm quy tắc nghề nghiệp ở đây có thể được thực hiện do lỗi vô ý hoặc lỗi cố ý. Trường hợp thứ 2, nếu giám định pháp y kết luận nạn nhân vẫn còn sống hoặc đang ở trạng thái chết lâm sàng trước khi bị vứt xuống sông, nghi can Tường phải đối mặt với tội “Giết người”. Trường hợp này, can phạm vứt nạn nhân xuống sông nhằm che giấu các vi phạm trong hoạt động nghề nghiệp và nhằm rũ bỏ trách nhiệm với hậu quả mà mình gây ra. Do vậy, can phạm sẽ phải chịu 2 tình tiết định khung tăng nặng được quy định tại khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự về tội “Giết người” là “Giết người để che giấu tội phạm khác” và “Giết người vì động cơ đê hèn”. Mức phạt quy định từ 12 năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình.” Hành vi đê hèn của bác sĩ Tường, theo luật sư Cường, thể hiện ở việc khi gặp tình huống này, ông ta phải dùng mọi biện pháp, khả năng có thể để cấp cứu nạn nhân, kể cả việc chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai ở gần đó. Tuy nhiên, can phạm không làm mà lại ném thi thể nạn nhân xuống sông để phi tang. Về nhân viên bảo vệ Đào Quang Khánh, luật sư Tạ Quốc Cường cho hay, Khánh cùng tham gia vứt xác với ông chủ nên sẽ bị truy cứu trách nhiệm với vai trò đồng phạm. Gần 10 nhân viên tại thẩm mỹ viện đang bị Cơ quan điều tra triệu tập có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội “Che giấu tội phạm” hoặc “Không tố giác tội phạm” tùy theo hành vi cụ thể của mỗi người. Tiến Nguyên