Ấn chỉ bảo hiểm trong vụ hàng trăm người bị lừa được làm giả tinh vi

(Dân trí) - Ông Nguyễn Thanh Phong - Trưởng phòng Giám định bồi thường (Công ty Bảo hiểm PVI Tây Nam) cho biết, đối tượng làm giả ấn chỉ bảo hiểm rất tinh vi nên khó phát hiện.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, đối tượng Đoàn Hoàng Khải (SN 1975, ngụ huyện Hồng Dân) khai nhận từng là nhân viên của Công ty Bảo hiểm PVI Tây Nam là không đúng sự thật. “Tôi khẳng định đối tượng Khải chưa từng là nhân viên của PVI Tây Nam hay của bất cứ đại lý, chi nhánh nào thuộc Bảo hiểm PVI”, ông Phong nói.

Qua các giấy chứng nhận bảo hiểm (GCNBH) mà cơ quan công an thu giữ từ đối tượng Khải, theo ông Phong, trên các GCNBH này có con dấu, chữ ký của ông Lý Minh Ngữ (Trưởng phòng khu vực Bảo hiểm PVI Sóc Trăng) nhưng đều là con dấu và chữ ký được scan sẵn chứ không phải là con dấu và chữ ký “sống” (đóng trực tiếp trên GCNBH) nên tất cả đều là GCNBH giả mạo.

Giấy chứng nhận bảo hiểm PVI giả bị công an thu giữ.
Giấy chứng nhận bảo hiểm PVI giả bị công an thu giữ.

Ông Phong cho hay, so với mẫu năm 2014 và mẫu GCNBH mà đối tượng Khải bán cho người dân là khác nhau. Trên GCNBH năm 2014 của PVI có danh sách họ và tên, ngày sinh, quan hệ với chủ hộ; còn GCNBH mà đối tượng Khải bán là mẫu của năm 2013, chỉ có tên người mua và số nhân khẩu. Ngoài ra, trên các GCNBH 2014 đều có địa chỉ và số đường dây nóng của Công ty nhưng trên GCNBH đối tượng Khải bán thì bị đối tượng này in số điện thoại của mình (0949900…) làm mờ đi số đường dây nóng của Công ty.

Ông Phong cho biết, qua khai nhận với phía cơ quan công an, đối tượng Khải khai đã cho in 50 ấn chỉ bảo hiểm (mỗi ấn chỉ khoảng 10 GCNBH) và đã bán được khoảng 30 ấn chỉ, tương đương 300 GCNBH (mỗi GCNBH được tên Khải bán giá 100.000 đồng).

Cũng theo ông Phong, trong quá trình hoạt động kinh doanh, cuối năm, Công ty đều cho thu lại toàn bộ ấn chỉ bảo hiểm còn dư trong năm đó để tiêu hủy và làm mẫu mới cho năm sau. “Các ấn chỉ mà đối tượng Khải và các đối tượng có liên quan sử dụng để làm giả đã được đơn vị thực hiện thủ tục báo mất và không còn giá trị sử dụng”, lãnh đạo Công ty Bảo hiểm PVI Tây Nam cho hay.

Giấy chứng nhận bảo hiểm thật mẫu năm 2014 của Bảo hiểm PVI. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Giấy chứng nhận bảo hiểm thật mẫu năm 2014 của Bảo hiểm PVI. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Giấy chứng nhận bảo hiểm thật mẫu năm 2014 của Bảo hiểm PVI. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Trao đổi thêm với PV Dân trí về hướng xử lý những trường hợp các hộ dân mua phải bảo hiểm giả, ông Nguyễn Thanh Phong cho biết, Công ty đã phối hợp với các ngành chức năng huyện Hồng Dân cho thu hồi các GCNBH giả mà người dân đã mua và hỗ trợ cấp lại GCNBH thật cho các hộ dân này.

“Đến nay chúng tôi đã thu hồi và hỗ trợ cấp lại cho hơn 100 hộ dân ở Bạc Liêu. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục thu hồi và đề nghị bà con nhân dân phát hiện GCNBH giả thì báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan công an để nộp lại, sau đó Công ty sẽ hỗ trợ cấp lại giấy thật cho bà con. Việc hỗ trợ cấp lại giấy mới cho người dân là hoàn toàn miễn phí”, ông Phong nói.

Qua vụ việc này, ông Phong cũng khuyến cáo, đối tượng làm giả GCNBH rất tinh vi khó phát hiện nên khi người dân mua GCNBH của Công ty Bảo hiểm PVI thì cần xem rõ chữ ký và con dấu trên giấy có được ký và đóng trực tiếp hay không. “Nếu thấy có dấu hiệu chữ ký, con dấu khác thường thì đề nghị bà con nhân dân báo ngay cho lãnh đạo công an địa phương để kịp thời xử lý, tránh thiệt thòi cho bà con”, ông Phong nhấn mạnh.

Hiện vụ việc vẫn đang được Cơ quan công an huyện Hồng Dân mở rộng điều tra làm rõ.

                                                                                                Huỳnh Hải