Xe Tàu vào Mỹ: không dễ!

(Dân trí) - Dự án xuất khẩu ô tô vào Mỹ của các nhà sản xuất Trung Quốc đang rất thu hút sự chú ý của ngành CN xe hơi Mỹ cũng như giới phân tích, nhưng các chuyên gia và lãnh đạo các công ty cho rằng mọi việc đều cần có thời gian chứ không thể diễn ra trong chớp mắt.

Câu hỏi được đặt ra là: Liệu xe Trung Quốc có làm được những kỳ tích như xe Toyota hay Subaru tại Mỹ? Michael Robinet, Phó chủ tịch công ty tư vấn CSM Worldwide, khẳng định rằng ngay cả những kế hoạch hoàn hảo nhất cũng luôn gặp một số trở ngại khi thực hiện. Đã có không ít nhà sản xuất giá rẻ muốn thử cơ hội vào Mỹ nhưng thất bại trong việc tìm đại lý phân phối.

 

Dù thế, khả năng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc sẽ xuất khẩu xe sang Mỹ vẫn là một trong những chủ đề “nóng” nhất hiện nay trong ngành xe hơi Mỹ.

 

DaimlerChrysler tuyên bố đã ký bản ghi nhớ hợp tác với công ty Chery của Trung Quốc về việc xuất khẩu xe Trung Quốc sang Mỹ dưới thương hiệu Chrysler.

 

Kết quả một cuộc khảo sát do công ty kiểm toán KPMG thực hiện với các lãnh đạo trong ngành ô tô thế giới cho thấy 40% trong số họ tin rằng tiềm lực của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc sẽ là mối đe dọa thực sự đối với các nhà sản xuất ô tô Mỹ trong 5 năm tới.

 

Công ty Chang Feng (Trường Phong) của Trung Quốc đã đem các mẫu xe mới đến giới thiệu tại Triển lãm ô tô Bắc Mỹ vừa diễn ra tại Detroit, mặc dù không phải trên sàn trưng bày chính của khu triển lãm. Lãnh đạo công ty vẫn tiếp tục khẳng định tham vọng chinh phục thị trường Mỹ nhưng không hề đưa ra lộ trình cũng như các các kế hoạch cụ thể. Đồng hương Geely cũng đã có những tuyên bố khá ấn tượng tại triển lãm năm ngoái nhưng đến năm nay lại không thấy xuất hiện.

 

Lo lắng về sự cạnh tranh của ô tô Trung Quốc là điều hoàn toàn tự nhiên vì trong suốt thập kỷ vừa qua, ba “đại gia” của ngành xe hơi Mỹ là Chrysler, Ford và GM đã để mất thị phần trước sự tấn công của xe nhập khẩu.

 

Tuy nhiên, các quan chức và chuyên gia trong ngành cho rằng các nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn khi thâm nhập thị trường Mỹ và phải mất hàng chục năm mới có thể trở thành mối đe dọa về thị phần. Một số công ty của Hàn Quốc hiện cũng chỉ chiếm chưa đến 5% thị phần Mỹ sau hơn 20 năm có mặt tại đây.

 

Đúng là Toyota, Honda và Nissan đã thành công trên thị trường Mỹ, nhưng cũng không ít công ty châu Á đã phải nếm mùi thất bại. Daihatsu cuối cùng đã phải bỏ cuộc do gặp khó khăn trong việc thiết lập mạng lưới đại lý. Mitsubishi và Isuzu vẫn đang cố trụ lại nhưng đều rất “vất vả”. “Sản xuất và bán xe thì ai cũng làm được, nhưng dịch vụ lại là chuyện khác,” ông Robinet nói.

 

Ông James Power IV, Phó chủ tịch điều hành hoạt động quốc tế của công ty nghiên cứu thị trường J.D. Power & Associates, cũng cho rằng việc ô tô Trung Quốc “xâm lấn” Mỹ sẽ không diễn ra theo kiểu một đợt sóng triều đổ ập vào thị trường xe hơi Mỹ.

 

Ông Power cho biết các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã phải mất nhiều năm mới tạo dựng được uy tín về chất lượng và giá trị để thu hút người tiêu dùng Mỹ. Do đó, các nhà sản xuất Trung Quốc cũng sẽ phải đầu tư nhiều thời gian và nỗ lực mới tạo được ấn tượng tốt trong lòng người tiêu dùng. 

 

Tất nhiên, có thể các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ chỉ đơn giản là bán ô tô ở Mỹ thông qua các đối tác Mỹ hay Nhật Bản. Nhưng ngay cả trong trường hợp đó họ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.

 

Chính Tom LaSorda ,Tổng giám đốc Chrysler, cũng không dám khẳng định là kế hoạch nhập khẩu ô tô của Chery chắc chắn sẽ được triển khai mặc dù hai bên đã ký biên bản ghi nhớ. Ông cho biết vẫn còn nhiều việc phải làm và phải mất ít nhất vài năm. Tuy nhiên, theo ông, mặc dù các nhà sản xuất ô tô của Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, độ an toàn và khí thải của Mỹ nhưng họ sẽ tìm được chỗ đứng trên thị trường vì người tiêu dùng Mỹ chỉ muốn có một chiếc xe chất lượng tốt chứ không quan tâm nhiều lắm đến xuất xứ.

 

Nhật Minh

Theo CNN