Vụ cháy xe Honda: Họp đến khuya vẫn chưa kết luận

Ngày 19/12, ba nhân viên kỹ thuật của Nhà máy Honda Việt Nam từ Vĩnh Phúc đã vào TP.HCM để cùng với người của chi nhánh TP.HCM kiểm tra chiếc xe máy hiệu Honda Lead tự bốc cháy vào trưa 18/12.

Theo yêu cầu của anh Lê Huy Cự (ngụ P.Phước Long B, Q.9, TP.HCM) - chủ nhân chiếc xe, việc kiểm tra đã được thực hiện ngay tại hiện trường vụ cháy thuộc khuôn viên kho An Sương Hiệp Thành (P.Thới An, Q.12).

 

Vụ cháy xe Honda: Họp đến khuya vẫn chưa kết luận  - 1
Tổ kỹ thuật Công ty Honda Việt Nam kiểm tra chiếc Lead tự cháy. (Ảnh: Quốc Ngọc/Tuổi trẻ)

 

Sau hơn một giờ xem xét, ông Đào Việt Cường - phó phòng chất lượng Công ty Honda Việt Nam - khẳng định chiếc xe bị cháy nói trên là xe chính hãng, có gắn thêm một số thiết bị bên ngoài như thanh chống trầy... không liên quan gì đến thiết bị điện. “Tạm thời mỗi người trong tổ kiểm tra đưa ra những ý kiến khác nhau nên cần phải thảo luận, phân tích kỹ hơn nữa. Hiện giờ chưa thể có kết luận gì” - ông Cường nói.

 

Trả lời câu hỏi tại sao xe đang dựng trong sân, tắt công tắc, khóa cổ mà vẫn có thể phát cháy, ông Cường cho biết: “Khi công tắc ở trạng thái off (tắt) thì chỉ có dây môtơ đề là có điện. Tuy nhiên khi kiểm tra, dây môtơ đề ở phía thân xe vẫn còn nguyên, chứng tỏ dây môtơ đề không bị chập. Do đó, loại trừ nguyên nhân vụ cháy xuất phát từ dây môtơ đề này”.

 

Giải thích tại sao sau khi ngọn lửa được dập tắt rồi mà máy xe vẫn nổ, ông Cường nói: “Khi cháy, các dây khởi động rơle đề, dây môtơ đề bị mất lớp nhựa cách điện và các dây chạm vào nhau khiến máy tiếp tục nổ”. Ông Cường khẳng định nguyên nhân cháy không phải do phần điện và nói rằng phòng chất lượng và phòng dịch vụ khách hàng sẽ đưa ra hướng xử lý sau khi thảo luận và sẽ trả lời khách hàng trong thời gian sớm nhất.

 

Theo anh Cự, từ khi mua vào tháng 4/2010 đến nay, xe anh chưa hề gặp hỏng hóc nào. Chỉ có bốn lần anh mang xe đi kiểm tra định kỳ theo chế độ bảo hành chính hãng tại cửa hàng anh đã mua xe. Anh Cự cho biết thêm anh thường xuyên đổ xăng A92 cho xe này và không đổ xăng ở một cây xăng cố định nào. Anh và gia đình vẫn chưa hết bàng hoàng qua sự cố trên, vì nếu xe phát cháy tại nhà, tại bãi giữ xe hay trong lúc đang điều khiển xe trên đường thì hậu quả sẽ khôn lường.

 

Đến hơn 21giờ 50 phút ngày 19/12, ban giám đốc Công ty liên doanh Honda Việt Nam, các bộ phận kỹ thuật, kinh doanh, chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam… vẫn họp bàn về các vụ cháy xe gắn máy thương hiệu Honda vừa qua. Sau khi kiểm chứng tất cả thông tin kỹ thuật, hình ảnh… của các xe đã bị cháy, cuộc họp vẫn chưa thể đưa đến kết luận cuối cùng về nguyên nhân cháy những xe gắn máy này.

 

Không tìm thấy dữ liệu về xe Mercedes bị cháy

 

Xe 29 chỗ cháy do chập điện Liên quan đến vụ xe Mercedes-Benz E300 biển số 29M-3345 đang chạy trên đường Nguyễn Xiển (Hà Nội) đột nhiên bốc cháy trong ngày 18-12, đại diện Công ty liên doanh Mercedes-Benz VN (MBV) cho biết MBV đã kiểm tra dữ liệu lưu trữ tất cả các xe dòng E do MBV sản xuất, nhập khẩu chính thức và qua các đại lý ủy quyền và những xe dòng E đã sử dụng các dịch vụ tại xưởng dịch vụ ủy quyền của MBV.

 

Tuy nhiên công ty đã không tìm thấy thông tin của chiếc xe bị cháy nói trên. Đại diện MBV cho biết từ năm 1996, công ty đã cung cấp dịch vụ hậu mãi cho mọi khách hàng sở hữu xe Mercedes-Benz tại VN thông qua hệ thống các đại lý ủy quyền, nhưng chủ chiếc xe nói trên chưa lần nào đưa xe vào các đại lý này để kiểm tra.

L.N. - T.P. - M.Q.

 

Cục Đăng kiểm bối rối

 

Liên quan đến các vụ cháy xe gần đây, ngày 19/12, một lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam biết Cục sẽ họp đơn vị chuyên môn để đánh giá, tìm hiểu và có phương án chính thức. Theo vị lãnh đạo này, việc kiểm định bất kỳ xe máy, ô tô ở dạng sản phẩm hoặc xe đang lưu hành đang bị vướng vì chưa có quy định. Muốn kiểm tra xe đang lưu hành, kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất thì Bộ GTVT phải ra văn bản pháp quy.

 

Theo vị lãnh đạo này, “10 năm trước đã đưa ra quy định kiểm tra xe máy theo định kỳ nhưng không làm được vì mọi người cho rằng như thế là làm khó cho dân. Nhà sản xuất, sau khi được kiểm tra kiểu mẫu, được sản xuất hàng loạt và chịu trách nhiệm với xe trong thời gian bảo hành. Còn các xưởng sửa chữa, bảo dưỡng xe máy, ôtô đang lưu hành chưa có tiêu chuẩn quy định trình độ chuyên môn...

 

Trong khi ở các nước, quản lý cơ sở bảo dưỡng sửa chữa xe cơ giới rất chặt thì VN chưa có quy định nào như nói ở trên. Chất lượng xăng thì Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) kiểm tra. Nếu lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra cả phương tiện và nhiên liệu thì phải có ý kiến của Chính phủ”.

 

Theo thống kê của Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, từ ngày 1/12/2010 đến 18/12/2011 toàn thành phố xảy ra 42 vụ cháy ô tô, xe máy, thiệt hại nhiều tỉ đồng. Số ô tô cháy có đủ loại của các hãng Hyundai, Daewoo, BMW, Mercedes, Ford, Mazda, Mitsubishi, Kia, Toyota..., xe máy có xe của các hãng SYM, Honda (Air Blade, SH, Dylan, Wave).

 

Cũng theo phân tích trên, nhiều vụ cháy chưa xác định được nguyên nhân nên vẫn trong quá trình điều tra, xác minh. Với những vụ đã xác định được, nguyên nhân gây cháy cũng rất đa dạng. Nhiều nhất vẫn là các vụ có sự cố về điện gây cháy. Nguyên nhân thứ hai là do bị đốt hoặc đang để trong khu vực bị cháy nên bén lửa. Ngoài ra có một số vụ ô tô, xe máy bị cháy nổ do tai nạn giao thông.

 

T.PHÙNG - M.QUANG

 

Theo Quốc Ngọc - Lê Nam

Tuổi trẻ