Trung Quốc nở rộ dịch vụ lái xe “hộ”

(Dân trí) - Nhiều công ty ở Trung Quốc đang làm nên ăn ra với dịch vụ lái xe cho những người quá chén, để họ có thể trở về nhà an toàn trên chính xe của họ.

Sau khi chính phủ Trung Quốc quyết định phạt nặng hơn đối với lái xe say xỉn từ tháng 5/2011, những người hay quá chén ngày càng sẵn lòng sử dụng dịch vụ thuê tài xế lái xe đưa họ cùng với xe về nhà an toàn sau các bữa nhậu hoặc uống rượu ở hộp đêm.

 

Anh He Jin, Giám đốc Công ty dịch vụ lái xe Ben’ao Anda ở Bắc Kinh, cho biết trước thời điểm tháng 5, mỗi ngày công ty thường nhận được khoảng 100 cuộc gọi khách yêu cầu cung cấp dịch vụ. Giờ đây, con số đã tăng lên hơn 140.

 

“Hoạt động kinh doanh của chúng tôi tăng trưởng một phần do quy định phạt nặng hơn đối với hành vi lái xe khi say rượu. Phần khác là mọi người cũng ngày càng sẵn lòng sử dụng dịch vụ lái xe thuê hơn,”anh He Jin cho biết.

 

Hiện tại, công ty anh có khoảng 160 tài xế, hầu hết làm theo chế độ bán thời gian. Khi có khách, công ty sẽ gọi điện báo họ tới đưa cả khách uống say lẫn xe ô tô về nhà. Do đó, anh He Jin cho biết, ứng viên tốt nhất cho công việc này là người sống ở Bắc Kinh, có ít nhất 8 năm kinh nghiệm lái xe.

 

Theo Luật An toàn giao thông đường bộ mới sửa đổi của Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1/5/2011, lái xe có nồng độ cồn trong 100ml máu ở mức từ 20mg trở lên sẽ bị thu hồi bằng lái và bị cấm đăng ký cấp bằng lái mới trong 5 năm.

 

Ngoài ra, lái xe có nồng độ cồn trong 100ml máu ở mức trên 80mg sẽ phải “bóc lịch” từ 1-6 tháng, và bị phạt tới 2.000 nhân dân tệ (300 USD), theo Luật Hình sự sửa đổi của Trung Quốc.

 

Theo quy định trước đây, lái xe say xỉn chỉ phải nộp phạt tối đa là 500 nhân dân tệ và phải đợi từ 3-6 tháng sẽ được đăng ký lấy bằng lái mới.

 

Từ ngày 1-15/5, hai tuần sau ngày bắt đầu áp dụng quy định mới, số trường hợp lái xe say xỉn ở Bắc Kinh đã giảm tới 82% so với cùng thời điểm này năm ngoái.
 
Trung Quốc nở rộ dịch vụ lái xe “hộ” - 1

 

Dịch vụ lái xe thuê cho người uống bia rượu trở nên phổ biến ở khắp Trung Quốc. Tại thành phố Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang, số lượng công ty cung cấp dịch vụ này đã tăng từ con số 23 của năm ngoái lên 119.

 

Nhiều người cho rằng thực sự cần có dịch vụ này. Anh Xiao Zhe ở Bắc Kinh cho biết gần như cuối tuần nào anh cũng lái xe tới các hộp đêm và uống rượu ở đó.

 

“Thỉnh thoảng tôi gọi bạn tới lái xe đưa tôi về nhà,” anh cho biết. “Nhưng thường thì tôi gọi tới các công ty cung cấp dịch vụ lái xe thuê. Như vậy rất tiện lợi và nhiều người tới hộp đêm như tôi cũng dùng dịch vụ này.”

 

Hiện tại, ở Bắc Kinh có khoảng 500 công ty cung cấp dịch vụ lái xe thuê như vậy.

 

Để sử dụng dịch vụ, khách hàng thường phải cung cấp thông tin về xe ô tô của họ, về bảo hiểm lái xe, điểm đến, thời gian và tuyến đường họ muốn lái xe đưa về nhà. Giá dịch vụ tuỳ thuộc vào khoảng cách mà khách hàng muốn đi và thời điểm khách muốn được đưa về nhà (giờ càng muộn giá càng cao).

 

Ví dụ, công ty của anh He Jin tính phí dịch vụ là 100 tệ cho 30km lái xe đưa khách về nhà trước 10 giờ tối, và 180 tệ với quãng đường tương tự nhưng sau nửa đêm.

 

Nhu cầu thị trường cao nên ngày càng nhiều tài xế mở dịch vụ này. Những người làm trong lĩnh vực này cho biết, số tài xế hoạt động độc lập cũng nhiều ngang số tài xế của các công ty dịch vụ.

 

Su Ning, một thợ cơ khí ở tỉnh Sơn Đông, cho biết thỉnh thoảng sau giờ làm việc anh đợi ở các câu lạc bộ đêm hoặc nhà hàng để xem có ai cần thuê dịch vụ lái xe thuê không.

 

“Tôi tính phí khoảng 50 tệ cho dịch vụ này, và tôi có thể phục vụ khoảng 5 khách mỗi tuần,” anh nói.

 

“Ngành dịch vụ này vẫn còn non trẻ và lộn xộn,” một vị quản lý họ Lu của Công ty dịch vụ công nghệ ô tô Hongruizhi ở Bắc Kinh, trả lời qua điện thoại. “Chuyện gì sẽ xảy ra nếu các tài xế tự do gây tai nạn rồi bỏ trốn khi đang làm dịch vụ? Chẳng có gì làm bằng chứng về thoả thuận dịch vụ giữa anh ta và khách hàng.”

 

Ông Lu cho biết, hiện không có cơ quan nhà nước nào quản lý ngành dịch vụ lái xe thuê, và sự cạnh tranh tự do sẽ không tốt cho ngành dịch vụ non trẻ này.

 

Anh He Li, một luật sư của công ty luật Yingke ở Bắc Kinh, cho rằng một hiệp hội ngành nghề sẽ chỉ có chức năng điều chỉnh hoạt động chứ không có tính chất quản lý, giám sát.

 

Nhật Minh

Theo China Daily